Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN LÀ BẤT DIỆT

 

Trong suốt quá trình ra đời, hình thành và phát triển, chủ nghĩa cộng sản luôn bị muôn vàn các thế lực phản động, thù địch, cơ hội tấn công từ nhiều phía. Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chủ nghĩa cộng sản không chỉ là vũ khí tư tưởng vĩ đại của giai cấp những người lao động bị áp bức, bóc lột đứng lên tự giải phóng mà còn là hiện thực xã hội đang phát triển mạnh mẽ trong đời sống nhân loại hiện nay.

Mâu thuẫn về hệ tư tưởng là hiện tượng phổ biến trong xã hội có đối kháng về lợi ích chủ yếu. Nhưng thiếu hiểu biết về hệ tư tưởng đối lập, rồi nói cao ngạo, “lên mặt dạy đời”, hoặc cố tình xuyên tạc, bịa đặt về cộng sản chủ nghĩa và hiện thực xã hội cộng sản chủ nghĩa cũng là một hiện tượng phổ biến của các thế lực thù địch, mà Nguyễn Cao là một ví dụ.

Trong bài viết mới đây về “Lộ trình phát sinh, phát triển và tiêu vong của chủ nghĩa cộng sản” phát tán trên Danlambao.com, Nguyễn Cao đã tự coi mình là “người lớn tuổi” để “cung cấp vũ khí “lý luận” cho “tuổi trẻ” nhằm “giành lấy dân chủ hôm nay”… Chưa nói đến cái “dân chủ” của Y nhưng chỉ cần nói đến những tri thức, hiểu biết về chủ nghĩa cộng sản mà Cao thể hiện trong bài viết, đã cho thấy y chống cộng sản mà chẳng hiểu gì lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản, thì làm sao có thể đưa ra con đường “dân chủ” cho “giới trẻ” được?

Vấn đề thứ nhất, Nguyễn Cao nói rằng, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là “văn bản tuyên chiến giữa phe cộng sản và phe tư bản của thế giới trong chiến tranh tư hữu”… là một sự xuyên tạc. Bởi lẽ: Tuyên ngôn không viết bất cứ từ nào về “chiến tranh tư hữu”, mà chỉ viết rằng: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản”.

“Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”. Tước bỏ cái quyền này chính là tước bỏ đi: “Điều kiện căn bản của sự tồn tại và của sự thống trị của giai cấp tư sản là sự tích lũy của cải vào tay những tư nhân, là sự hình thành và tăng thêm tư bản”… Đây mới là lý tưởng cộng sản đích thực của chủ nghĩa Mác, là mục tiêu, động lực để giai cấp công nhân và nhân dân lao động vững tin trên con đường đi tới chủ nghĩa cộng sản của mình.

Vấn đề thứ hai, Cao nói rằng, “Chủ nghĩa xã hội bạo lực và chủ nghĩa dân chủ xã hội. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và cuốn I Tư bản luận là lý luận của chủ nghĩa xã hội bạo lực; cuốn III Tư bản luận và Lời nói đầu của cuốn Đấu tranh giai cấp ở Pháp là cơ sở lý luận của chủ nghĩa dân chủ xã hội”… Để tăng thêm sự lừa gạt từ chiêu trò “chơi chữ”, giờ đây Cao lại giở bài “nói sách” để cố bịp bợm cho được “giới trẻ”. Nhưng Cao biết đâu rằng, thế hệ trẻ ngày nay đã có rất nhiều người đọc và học sách của chủ nghĩa Mác, nên bộ Tư bản luận của C.Mác bán chạy không khác gì những thiết bị điện tử hiện đại ngày nay. Chính ông Joern Schuetrumpf, Giám đốc Nhà xuất bản Karl Dietz ở Berlin (Đức) cho rằng trong thời khủng hoảng kinh tế, những phân tích của C.Mác về chủ nghĩa tư bản lại đặc biệt được quan tâm. “Mác lại trở nên thời thượng”, ông phát biểu như vậy trong cuộc trò chuyện với Neue Ruhr/Rhein (Đức). Ông còn nói: “Ai cũng nghĩ là sẽ không bao giờ có nhu cầu về cuốn Tư bản luận nữa. Năm nay tăng ít nhất gấp 3 – 4 lần so với năm 2005. Cụ thể từ 500 bộ sách trong năm 2005, thì mới trong 3 quý đầu năm nay Nxb Karl Dietz đã bán được 1.500 bộ. Từ giờ đến cuối năm con số này “sẽ còn tăng vọt”… Với tình hình đó bộ sách này đã trở thành sách phổ thông trong thế giới tư bản, trước hết là với giới trẻ.

Thực tiễn đó cho thấy, ông Cao đã xuyên tạc tư tưởng chính yếu của những bộ trên. C.Mác và Ph.Ăngghen chưa bao giờ xác định “hai con đường xã hội chủ nghĩa” là “chủ nghĩa xã hội bạo lực” và “chủ nghĩa dân chủ xã hội” cả. Trái lại, tư tưởng căn bản nhất của hai tác phẩm nêu trên là luận giải từ tính tất yếu của kinh tế tư bản, tính tất yếu của xã hội tư bản đã dẫn đến tính tất yếu về chính trị là đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa tư bản bằng bạo lực cách mạng, bằng con đường hòa bình, hoặc kết hợp cả hai hình thức đó, tùy theo cán cân lực lượng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Sự trích dẫn một cách cắt xén, nhào nặn: “Phương pháp đấu tranh của năm 1948 nay đã lỗi thời về mọi mặt”, để cho rằng “chủ nghĩa cộng sản đã từ bỏ con đường bạo lực”, hoặc xuyên tạc cho rằng “Lênin đã tiếp thu giáo lý bạo lực”, “phổ biến chính sách khủng bố”… là hoàn toàn sai lầm.

Lịch sử đã cho thấy, chính chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc là những kẻ bạo lực nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại. Để hình thành nên nhà nước, quốc gia và thế giới tư bản, chúng đã dùng chiến tranh, bạo lực tàn sát biết bao người lao động, nhân dân và các dân tộc trên thế giới. Cuộc chiến tranh của Napoleon chống lại thế giới phong kiến châu Âu là một điển hình; cuộc Chiến tranh thế giới thứ I và thứ II là do ai gây nên? Đó chính là chủ nghĩa tư bản chuyển biến thành chủ nghĩa đế quốc, đỉnh cao là chủ nghĩa phát xít. Chúng bóc lột giai cấp công nhân trong nước, tước đoạt lợi ích từ các dân tộc thuộc địa, tranh giành lợi ích lẫn nhau mà gây nên chiến tranh thế giới.

 Xuất phát từ tính tất yếu kinh tế – chính trị của chủ nghĩa tư bản mà C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng nên học thuyết của chủ nghĩa cộng sản. Nội dung cơ bản của nó được thể hiện trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Đây là vũ khí lý luận cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới trên con đường đấu tranh tự giải phóng của mình. Dẫu cho hệ thống xã hội chủ nghĩa ngày nay có bị thoái trào thì những lý tưởng cộng sản chủ nghĩa do C.Mác và Ph.Ăngghen đúc kết nên vẫn mãi là lý tưởng cao đẹp, luôn được bổ sung, vận dụng sáng tạo không ngừng trong giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các chính đảng cộng sản của họ. Lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản vẫn đang vận động, phát triển trong thế giới đương đại ngày nay. Dẫu cho chủ nghĩa tư bản có nhất thời điều chỉnh, thích nghi, thì tính tất yếu diệt vong của nó đã được tiên liệu từ năm 1848 rồi./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét