Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2025

CHỐNG PHÁ ĐẢNG – MƯU ĐỒ ĐEN TỐI CỦA VŨ ĐỨC KHANH

 

Gần đây, trên mạng lan truyền bài viết “Cuộc ‘cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước” và dân chủ hóa thể chế Việt Nam của Vũ Đức Khanh đăng trên trang vietnamthoibao. Trong bài viết, Vũ Đức Khanh đã đưa ra một loạt luận điểm đòi “tách Đảng ra khỏi hệ thống chính trị” và kêu gọi “dân chủ hoá thể chế” nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng và hướng tới thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những luận điểm sai trái, xuyên tạc, thiếu cơ sở khoa học của Vũ Đức Khanh tới bạn đọc như sau:

Thứ nhất, “tách Đảng ra khỏi hệ thống chính trị” là mưu đồ đen tối và phản động. Luận điểm xuyên suốt bài viết của Vũ Đức Khanh là đề xuất “tách rời Đảng ra khỏi hệ thống chính trị – hành chính”, “xoá bỏ hệ thống cấp uỷ đảng trong cơ quan nhà nước” và “chuyển Đảng thành một tổ chức chính trị độc lập”. Đây là quan điểm phản động và phi khoa học, phủ nhận thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam và cơ sở lý luận Mác- Lênin về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013, vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều này không chỉ là quy định pháp lý tối thượng mà còn là kết quả của quá trình lịch sử hơn 90 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc giành độc lập, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mưu đồ của Vũ Đức Khanh và đồng bọn là muốn phủ nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện và trực tiếp trong hệ thống chính trị.

Thứ hai, chiêu bài “dân chủ hoá thể chế” chỉ là thủ đoạn phá hoại sự ổn định của đất nước. Bài viết nhấn mạnh vai trò của “dân chủ hoá thể chế”, xem đó như một phương thuốc vạn năng để cải cách bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, âm mưu thực chất là hướng tới “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” thông qua việc yêu cầu “trao quyền cho người dân”, “mở rộng không gian dân chủ”, “bỏ quy hoạch cán bộ”… Ở đây, chúng ta thấy Vũ Đức Khanh và đồng bọn cố tình đồng nhất khái niệm dân chủ với việc phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng và cổ vũ cho sự hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Điều này đi ngược lại với bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam- nơi Nhân dân thực sự là chủ thể của quyền lực nhà nước thông qua hệ thống bầu cử, Quốc hội và hệ thống chính quyền các cấp với sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Việc lấy mô hình tổ chức nhà nước ở các nước phương Tây làm hình mẫu để đề xuất cải tổ thể chế như Vũ Đức Khanh đã đề xuất trong bài viết là sự mù quáng, thiếu hiểu biết, bỏ qua hoàn cảnh lịch sử, điều kiện phát triển đất nước và quan trong nhất là đặc điểm về thể chế chính trị – xã hội Việt Nam. Thực tế cho thấy, các nước đã trải qua “dân chủ hoá thể chế” theo kiểu đa nguyên – đa đảng (như Libya, Ai Cập, Ukraine…) đều rơi vào bất ổn, xung đột chính trị, chia rẽ nội bộ và sụp đổ thể chế. Việt Nam không thể đi theo con đường này nếu muốn giữ vững độc lập dân tộc và phát triển bền vững.

Tóm lại, Vũ Đức Khanh và đồng bọn đã lợi dụng các khuyết điểm còn tồn tại trong hệ thống quản lý nhà nước để từ đó công kích, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, cổ vũ cho mưu đồ tách Đảng ra khỏi hệ thống chính trị nhằm từng bước làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và hướng tới thay đổi chế độ chính trị Việt Nam hiện nay. Việc cải cách bộ máy nhà nước là cần thiết, nhưng phải nằm trong khuôn khổ giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong chỉ đạo, điều hành. Mọi cải cách nếu tách rời khỏi nền tảng chính trị do Đảng lãnh đạo đều có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, gây khủng hoảng chính trị và làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Việt Nam không cần một cuộc “cách mạng tinh gọn” theo kiểu đối lập với Đảng, mà cần tiếp tục con đường đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng – con đường đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, phù hợp với điều kiện của đất nước và nguyện vọng của nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét