Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2025

NGHỊ QUYẾT 68-NQ/TW VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN KHÔNG PHẢI LÀ SỰ ĐÁNH BÓNG CHÍNH TRỊ

 

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW khẳng định vai trò “động lực quan trọng nhất” của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trên trang “Doithoaionline” có bài “Chiêu trò mị dân của CSVN”, cho rằng “Thực tế, nền kinh tế Việt Nam hiện nay không thể nào vươn lên nếu vẫn tiếp tục đặt toàn bộ quyền hành vào tay một đảng duy nhất. Nghị Quyết 68, tự thân nó, là một văn kiện chính trị hơn là một kế hoạch kinh tế thực thụ”, “Những viễn kiến đến năm 2030 hay 2045 chỉ là những trò đánh bóng chính trị…”. Các luận điệu xuyên tạc, bóp méo này chỉ là những chiêu trò cũ, nhưng được khoác áo mới nhằm gây nhiễu loạn thông tin, kích động nghi ngờ, làm mất niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về kinh tế; tiến tới đòi đa nguyên, đa đảng.

1. Nghị quyết 68-NQ/TW tiếp tục khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của sự phát triển. Quan điểm này thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, nhưng đồng thời nhất quán với quan điểm xuyên suốt của Đảng: Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nền tảng quan trọng, đồng hành để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế hiệu quả. Phát triển kinh tế tư nhân không phải là mục tiêu, mà là một phương thức, một công cụ hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội, phát triển khoa học – công nghệ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi hoạt động kinh tế đều phải tuân thủ pháp luật, nằm trong khuôn khổ cơ chế kiểm soát, điều tiết của Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng, đó chính là điểm khác biệt căn bản với các mô hình thị trường tự do thuần túy.

2. Thực tiễn gần 40 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ta, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, trung bình 6,37%/năm. So với các nước ASEAN, Philippines đạt 4,17%, Malaysia đạt 5,34%, Thái Lan đạt 4,48%, và Singapore đạt 4,51%. Thành tựu đó thể hiện sự ổn định và khả năng duy trì tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với nhiều biến động kinh tế và khủng hoảng. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời từng bước khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế… Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lạo động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.

Tóm lại, Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ra đời là một bước tiến quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự đổi mới tư duy của Đảng ta trong việc khai thác mọi tiềm năng của đất nước nhằm xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Những luận điệu xuyên tạc, chống phá dù có xảo quyệt đến đâu cũng không thể che lấp được ánh sáng chân lý và sức mạnh của sự phát triển. Vì vậy, mọi người cần tỉnh táo, nâng cao cảnh giác, đồng thời chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững định hướng phát triển bền vững đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét