Trong bài viết “Dân Quyền Tự Do” đăng trên “Vietquoc”, Lê Thành Nhân vu cáo rằng: “Ngày nay, Dân Quyền Tự Do tại Việt Nam bị nhà nước Cộng sản Việt Nam ngược đãi thô bạo”. Đồng thời, y cũng đưa ra nhiều nhận định sai trái, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, phủ nhận các thành tựu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cáo buộc Đảng, Nhà nước đàn áp quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, tín ngưỡng…
1. Bản chất và mục đích của luận điệu xuyên tạc “dân quyền, tự do” tại Việt Nam của Lê Thành Nhân. Cần khẳng định Lê Thành Nhân là phần tử phản động, lợi dụng chiêu bài “đấu tranh dân chủ” để xuyên tạc, kích động, thực chất là công cụ, tay sai của các thế lực thù địch bên ngoài. Luận điệu cho rằng “Luật pháp CHXHCNVN nói một đằng làm một nẻo”, “các bộ luật hình sự dẫm đạp lên chính luật pháp” là sự vu cáo trắng trợn, xúc phạm hệ thống pháp luật của một quốc gia có chủ quyền. Thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” được Lê Thành Nhân sử dụng một cách xảo quyệt: Cố tình áp đặt định nghĩa “tự do”, “nhân quyền” theo kiểu phương Tây vào bối cảnh đặc thù của Việt Nam – Một đất nước đang phát triển, từng trải qua chiến tranh, luôn bị chống phá từ bên ngoài. Mục đích sâu xa là phá vỡ nền tảng chính trị, tư tưởng của chế độ xã hội chủ nghĩa, kích động tâm lý bất mãn, nhất là trong giới trẻ, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm xói mòn niềm tin vào Đảng, tiến tới thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam.
2. Thực tiễn dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam là không thể xuyên tạc, phủ nhận. Bởi lẽ ngay từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013 hiện hành, quyền con người được đặc biệt chú trọng. Hiến pháp 2013, Điều 14 khẳng định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân… được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người do Liên hợp quốc ban hành, trong đó có Công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR)… Qua đó, luật hóa các nội dung phù hợp với hệ thống pháp luật, thể hiện tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao của Việt Nam.
Hiện nay, quyền tự do ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng, hội họp ở Việt Nam được bảo đảm bằng pháp luật. Hiện nay, Việt Nam có gần 900 cơ quan báo chí in, trên 100 báo điện tử, hàng nghìn nhà báo có quyền phản biện, đưa tin trong khuôn khổ luật pháp. Trên không gian mạng, người dân có thể tự do bày tỏ quan điểm về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa… Pháp luật cho phép người dân lập hội, tổ chức các hoạt động tập thể. Việt Nam có hơn 27 triệu tín đồ thuộc 43 tổ chức tôn giáo được công nhận, với hàng chục ngàn cơ sở thờ tự. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 cùng Nghị định 162/2017/NĐ-CP khẳng định rõ quyền tự do tín ngưỡng của công dân, được bảo đảm bằng pháp luật.
Trong Báo cáo quốc gia về nhân quyền năm 2023 trình Liên hợp quốc theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR), Việt Nam được đánh giá cao về cam kết và thực thi quyền con người. Việt Nam đã tiếp thu và triển khai 241/291 khuyến nghị của các nước thành viên. Thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế, giáo dục, ứng phó với đại dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội… là minh chứng rõ rệt cho việc bảo đảm thực chất quyền con người. Việt Nam được xếp thứ hạng tích cực về Chỉ số phát triển con người (HDI), bình đẳng giới, phổ cập giáo dục… Đây là những phản bác đanh thép cho luận điệu xuyên tạc rằng “quyền con người bị dẫm đạp” của Lê Thành Nhân.
Tóm lại, luận điệu của Lê Thành Nhân là sự xuyên tạc trắng trợn, nhằm bôi nhọ hình ảnh đất nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động lật đổ thể chế. Những phát ngôn như vậy cần được nhận diện, lên án và phản bác kịp thời, không để ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân và uy tín quốc tế của Việt Nam. Bằng thực tiễn sinh động, bằng đường lối đúng đắn và sự đồng thuận xã hội, Việt Nam tiếp tục khẳng định: Chủ nghĩa xã hội không những không phủ nhận quyền con người, mà chính là điều kiện căn bản để bảo đảm và phát huy tốt nhất quyền con người, vì con người./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét