Trên trang “Luatkhoa”, Trần Bình Thản đã đăng tải bài viết: “Tại sao ‘đốt lò’ ở Việt Nam thất bại?” với nhiều luận điệu sai trái, thâm độc. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin trong xã hội, cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc của Trần Bình Thản.
Một là, luận điệu cho rằng “chống tham nhũng ở Việt Nam mang đậm màu sắc đấu đá nội bộ” nhằm chia rẽ nội bộ, làm giảm uy tín của Đảng, gây mất ổn định chính trị – xã hội.
Thực tiễn cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam được triển khai bài bản, chặt chẽ, thận trọng, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Từ Đại hội XII đến nay, hàng loạt vụ án lớn đã được đưa ra xét xử công khai, minh bạch. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ Đại hội XIII (từ 2021 đến cuối năm 2024), đã có hơn 168.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó hơn 7.390 trường hợp do tham nhũng, tiêu cực; hơn 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư tỉnh ủy, Bộ trưởng, Thứ trưởng, tướng lĩnh quân đội, công an. Điều đó cho thấy sự kiên quyết làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của Nhân dân, chứ hoàn toàn không phải “đấu đá phe phái” như Trần Bình Thản xuyên tạc.
Hai là, luận điệu cho rằng “Việt Nam ban hành nhiều nghị quyết, quy định, văn bản luật nhưng không cải thiện tình hình và chống tham nhũng còn “rất yếu” là phủ nhận trắng trợn những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, tăng cường minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập, phòng ngừa xung đột lợi ích và tăng vai trò giám sát xã hội. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), tích cực hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn có yếu tố nước ngoài. Đơn cử như các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Tân Hoàng Minh, FLC… năm 2023. Đây là những minh chứng sinh động bác bỏ luận điệu cho rằng hệ thống pháp luật chỉ nằm trên giấy, không cải thiện được tình hình tham nhũng.
Ba là, luận điệu cho rằng “Việt Nam không có cơ chế bảo vệ người tố cáo và thiếu kiểm soát độc lập” là cố tình xuyên tạc thực tiễn phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.
Thực tế, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Tố cáo 2018 và các văn bản liên quan đã quy định rất rõ về cơ chế bảo vệ người tố cáo. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện từ tố giác của quần chúng, báo chí, mạng xã hội. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán, xét xử ở nước ta hoạt động theo chức năng độc lập, phối hợp chặt chẽ nhưng không chồng chéo. Năm 2024, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 4.732 vụ án với 10.430 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính trên 104.000 tỷ đồng, thu hồi gần 19.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng. Những con số đó đã tự nó bác bỏ hoàn toàn sự xuyên tạc “thiếu cơ chế kiểm soát độc lập” hay “thiếu nguồn lực chống tham nhũng”.
Bốn là, luận điệu cho rằng “hệ thống bổ nhiệm cán bộ chủ yếu dựa trên mua chức mua quyền nên không có động lực chống tham nhũng thực chất” là sự quy chụp ác ý, bịa đặt nhằm hạ thấp uy tín của Đảng.
Công tác cán bộ ở Việt Nam được thực hiện rất chặt chẽ, đúng quy trình, tiêu chuẩn, nguyên tắc, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Trong những năm gần đây, hàng loạt trường hợp bổ nhiệm sai quy định, vi phạm pháp luật đã bị phát hiện, xử lý nghiêm minh, kể cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý. Riêng nhiệm kỳ Đại hội XIII, đã có 141 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có 31 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương; 24 sĩ quan cấp tướng bị xử lý. Nhiều cán bộ tự giác xin từ chức là minh chứng thể hiện sự chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ của Đảng.
Tóm lại, công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là cuộc chiến lâu dài, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, kết quả đạt được là rất rõ rệt. Những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành tựu đó chỉ càng cho thấy thủ đoạn thâm độc của Trần Bình Thản nhằm phá hoại uy tín, sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải kiên quyết, chủ động đấu tranh phản bác mọi luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét