Thứ Tư, 2 tháng 7, 2025

SỰ VÕ ĐOÁN, THIỂN CẬN VỀ CÔNG NHÂN CỦA PHẠM ĐÌNH BÁ

 

Trên trang “Baoquocdan”, Phạm Đình Bá đăng tải bài viết “đời sống bấp bênh của công nhân”, y rêu rao rằng, qua 40 năm đổi mới “công nhân vẫn phải vật lộn để sinh tồn”, “bị bóc lột, bán sức lao động, sức khỏe” cho Đảng… Đây thực chất là những luận điệu cố tình phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với các giai cấp, tầng lớp trong xã hội.

  1. Cả lý luận và thực tiễn đã khẳng định, trong 95 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, mục tiêu cao nhất của Đảng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn xác định quyền con người là xuyên suốt, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của sự phát triển. Đảng ta khẳng định rõ: “Lợi ích giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích của toàn dân tộc trong mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”1. Để tiến hành công cuộc đổi mới đất nước Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chuyên đề, văn bản, hướng dẫn về xây dựng giai cấp công nhân, trong đó Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và  thực hiện Kết luận số 79 – KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển mới của đất nước.

  1. Thực tiễn đời sống vật chất, tinh thần của giai cấp công nhân Việt Nam càng khẳng định rõ vấn đề đó.

Giai cấp công nhân Việt Nam phát triển mạnh về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng, đa dạng về cơ cấu và ngày càng có vai trò to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện nay, công nhân nước ta có khoảng hơn 15 triệu người, chiếm khoảng 15% dân số, 29% lực lượng lao động xã hội, tạo ra gần 70% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Công nhân, lao động nước ta có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lao động, tác phong công nghiệp ngày càng cao. Đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 27,2%, trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 17%, chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao, như dầu khí, điện lực, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ hóa học, sinh học1. Đời sống vật chất, tinh thần của giai cấp công nhân từng bước được nâng cao; việc làm ổn định; tiền lương, thu nhập được cải thiện (năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020); môi trường làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh, lao động; quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, các cuộc tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể giảm. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày một tốt hơn; chế độ an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phát triển.

Hàng loạt chính sách chăm lo đến đời sống, bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân và người lao động được triển khai toàn diện, sâu rộng đem lại hiệu quả thiết thực trên phạm vi toàn quốc. Đơn cử như Công đoàn Thành phố Hà Nội, trong Tháng Công nhân năm 2025 đã hỗ trợ hơn 2,2 nghìn công nhân có hoàn cảnh khó khăn; hàng nghìn lượt công nhân khám sức khỏe, tầm soát ung thư được tổ chức miễn phí; 25 mái ấm Công đoàn được xây mới, sửa chữa, cùng hàng loạt hoạt động phúc lợi như: “Phiên chợ công nhân”, “Ngày hội chăm sóc sức khỏe”, “Cảm ơn người lao động”… đã diễn ra sôi nổi, thiết thực, ý nghĩa; tổ chức 857 hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi thu hút hơn 54,3 nghìn lượt công nhân viên chức lao động tham gia. Thực hiện chỉ đạo của Liên đoàn lao động Thành phố, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở đã tổ chức chăm lo, hỗ trợ cho hơn 110,4 nghìn lượt đoàn viên, người lao động với số tiền hơn 28 tỷ đồng2.

Do vậy, luận điệu cho rằng công nhân bị “bóc lột”, “bán sức” cho Đảng là hoàn toàn sai sự thật, không phản ánh đúng thực tế hoạt động, đời sống của công nhân và người lao động ở Việt Nam, cần lên án, đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét