Trên “Vietquoc”, Lê Thành Nhân có bài viết: “Tương lai chính trị thế giới và Việt Nam”, cho rằng Việt Nam “là nạn nhân của các biến động toàn cầu” và nếu Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự vì dân, vì nước thì nên “từ bỏ chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời” để đi theo “thể chế tự do dân chủ kiểu phương Tây” nhằm “hội nhập nhanh vào toàn cầu hóa”. Thực chất, đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc, công kích thể chế chính trị hiện tại của Việt Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc của Lê Thành Nhân và luôn nhận thức sâu sắc rằng:
1. Lịch sử không phải là cái cớ để xuyên tạc bản chất cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một dân tộc kiên cường đấu tranh để giữ nước và giữ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, không phải là “nạn nhân của các giai đoạn chuyển đổi thế giới” như luận điệu xuyên tạc của Lê Thành Nhân. Cái giá của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đã được đánh đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ dân tộc Việt Nam. Trong hành trình đó, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là yếu tố then chốt, không thể phủ nhận.
Luận điệu “chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời” là quan điểm chống phá của Lê Thành Nhân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đang xây dựng. Cần nhấn mạnh, Việt Nam đang đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mang bản sắc riêng, trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin được vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, nhưng không đồng nghĩa với việc phải đồng hóa thể chế. Các quốc gia thành công là những quốc gia biết giữ bản sắc, chọn con đường phù hợp với mình, chứ không phải chạy theo mô hình được tô vẽ sẵn. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng vào kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ toàn cầu – nhưng không phải bằng cách đánh đổi thể chế hay mù quáng chạy theo “dân chủ kiểu phương Tây”. Đó là sự hội nhập có bản lĩnh, có nguyên tắc, đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết. Thách thức lớn nhất hiện nay không phải là thể chế chính trị, mà là những mưu đồ phá hoại tư tưởng, gây hoang mang trong Nhân dân, đặc biệt là giới trẻ thông qua các chiêu trò trên truyền thông, mạng xã hội. Những kẻ nhân danh “dân chủ, tự do” để kích động, chia rẽ niềm tin vào Đảng, vào chế độ, thực chất đang phục vụ cho những toan tính chính trị sâu xa chứ không phải vì lợi ích của Nhân dân. Không thể lấy sự biến động của thế giới để làm cái cớ bôi nhọ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và thể chế xã hội chủ nghĩa. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử, của Nhân dân, được khẳng định bằng thực tiễn trong xây dựng và phát triển đất nước.
2. Những thành tựu to lớn của đất nước sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng là minh chứng cho sự lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.
Từ Đại hội VI năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước với mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển bền vững, vì lợi ích của nhân dân. Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được bạn bè quốc tế công nhận và đánh giá cao. Tăng trưởng kinh tế ấn tượng, quy mô nền kinh tế liên tục mở rộng. Việt Nam, từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc vào viện trợ, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu Đông Nam Á. Thực tiễn cho thấy, GDP năm 1989 (3 năm sau đổi mới) đạt khoảng 6,3 tỷ USD; năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, đứng thứ 35 thế giới, thứ 5 Đông Nam Á; năm 2024 đạt khoảng 476,3 tỷ USD (tương đương 11.511,9 nghìn tỷ VND). Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người tăng từ 130 USD (năm 1990) lên khoảng 4.300 USD (năm 2023), năm 2024 đạt khoảng 4.700 USD, tăng khoảng 377 USD so với 2023. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam được cải thiện đáng kể, xếp thứ 107/191 quốc gia (năm 2024), thuộc nhóm trung bình cao. Tuổi thọ trung bình đạt khoảng 73,7 tuổi. Xuất khẩu 2024 tăng 14,3%, đạt 405,5 tỷ USD; nhập khẩu tăng 16,7%, đạt 380,8 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 24,8 tỷ USD. Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn với hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp (FDI), tổng vốn đăng ký lũy kế đạt trên 450 tỷ USD. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, với chiến lược đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy kinh tế tư nhân, đầu tư công và cải cách thể chế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam luôn giữ vững ổn định chính trị – nền tảng cho mọi thành tựu phát triển. Công tác quốc phòng – an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được bảo vệ, trật tự an toàn xã hội được giữ vững trong bối cảnh thế giới biến động. Thành tựu trong 40 năm đổi mới không chỉ là kết quả của sự quyết tâm chính trị, mà còn là khẳng định cho một con đường phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam – độc lập, tự chủ, vì nhân dân và vì tương lai bền vững của đất nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, khí phách và tinh hoa của dân tộc, bản lĩnh kiên định lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu của Đảng luôn được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi, đất nước ta ngày càng phát triển, cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét