Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2025

QUỐC HỘI VIỆT NAM LÀ CƠ QUAN ĐẠI BIỂU CAO NHẤT CỦA NHÂN DÂN

 

Với nhan đề “Quốc hội bù nhìn” trên trang “voatiengviet”, Lê Quốc Quân cho rằng “Quốc hội Việt Nam đã thực sự trở thành một Quốc hội bù nhìn, hoàn toàn nằm dưới sự thao túng tuyệt đối của Đảng cộng sản”. Đây là luận điệu xuyên tạc, chống phá, phủ nhận vai trò, hoạt động của Quốc hội nước ta; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quốc hội, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội.

1. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trong hệ thống chính trị nước ta, Quốc hội giữ vai trò đặc biệt quan trọng là cơ quan pháp lý tối cao, Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội không chỉ là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân mà còn là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có quyền lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Bởi Quốc hội là cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước được thành lập do cử tri cả nước trực tiếp bầu ra. Tính quyền lực nhà nước cao nhất của Quốc hội được thể hiện ở chỗ chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của Nhân dân thành Hiến pháp và pháp luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp trong xã hội.

Trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam luôn khẳng định vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân Việt Nam. Quốc hội đã 5 lần thông qua Hiến pháp vào các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013, qua đó từng bước hoàn thiện thể chế chính trị, khẳng định vai trò trung tâm trong thiết lập nền tảng pháp lý cho sự phát triển đất nước. Quốc hội luôn nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, xem xét khách quan, toàn diện, quyết định các vấn đề về lập pháp ngày càng hiệu quả, thực chất, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới và phát triển đất nước. Mỗi quyết nghị được đưa ra là kết quả của quá trình thảo luận dân chủ, lấy lợi ích của Nhân dân và quốc gia dân tộc làm mục tiêu tối thượng. Đồng thời, Quốc hội đã nêu cao trách nhiệm thực hiện giám sát thông qua nhiều hình thức như: Xem xét các báo cáo của các cơ quan và cá nhân liên quan, thông qua thực hiện chất vấn, giải trình tại các kỳ họp của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, v.v. Qua đó, đã giúp cho việc hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô và quyết định những vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực cụ thể, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Hành trình gần 80 năm của Quốc hội Việt Nam là hành trình của trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng không ngừng vươn lên, hướng tới mục tiêu phụng sự Nhân dân, xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Đánh giá về vai trò của Quốc hội Việt Nam, Ông Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, đã nhận định “Quốc hội Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế-xã hội, là xương sống trong tiến trình cải cách kinh tế và chính trị và thực sự thể hiện khát vọng của dân tộc Việt Nam”. Đây là bằng chứng đanh thép nhất để phủ quyết, làm thất bại hoàn toàn những luận điệu phủ nhận vai trò của Quốc hội Việt Nam.

2. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội đã được hiến định

Pháp luật nước ta đã quy định, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Như vậy, việc Đảng lãnh đạo Quốc hội, đã được khẳng định trong Hiến pháp. Điều này không hề làm mất đi vai trò của Quốc hội. Bởi quyền lực nhà nước ở nước ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng đó là sự lãnh đạo có nguyên tắc và theo quy định. Như vậy, mối quan hệ giữa Đảng và Quốc hội là mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ, hai chiều. Nghĩa là, Đảng lãnh đạo hoạt động của Quốc hội, nhưng sự lãnh đạo đó vẫn phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo nhưng luôn tôn trọng và phát huy vai trò của Quốc hội, không áp đặt, can thiệp làm sai lệch ý chí, nguyện vọng của quần chúng Nhân dân, làm thay đổi quyết định của Quốc hội. Do đó, tuyệt nhiên không có sự “thao túng tuyệt đối của Đảng” đối với Quốc hội như sự bịa đặt trắng trợn của Lê Quốc Quân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét