Trên trang “Luatkhoa”, Lê Giang đã lạm dụng quyền tự do ngôn luận để phát ngôn tùy tiện rằng: “việc giới hạn quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam đi ngược lại với tinh thần nhân quyền quốc tế, mục đích chỉ để bảo vệ tính chính danh của Đảng Cộng sản, danh dự nhà nước, đạo đức xã hội hơn là việc vận hành theo thang đo là Hiến pháp” … Đây là những phát ngôn sai sự thật, đưa ra ý kiến tùy tiện với dụng ý xấu để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Bởi vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác.
1. Nhận thức đúng về quyền tự do ngôn luận để không phát ngôn tùy tiện. Tự do ngôn luận là nguyên tắc đảm bảo cho cá nhân hay cộng đồng được bày tỏ quan điểm và ý kiến của mình mà không sợ bị trả thù, kiểm duyệt hay bị trừng phạt về mặt pháp lý. Mong muốn tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phản ánh thông tin nhằm biểu đạt ý chí, nguyện vọng, quan điểm của mình là một trong những quyền con người được pháp luật công nhận. Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, quyền này bao gồm cả quyền không bị lo ngại về những ý kiến của mình và quyền tìm kiếm, thu nhận và phổ biến những thông tin và những ý tưởng bất cứ bằng phương tiện diễn đạt nào, không kể tới các biên giới”. Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc cũng nêu rõ: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến”.
Tương đồng với quy định quốc tế, tại Việt Nam, các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận không phải là “quyền bất khả xâm phạm” mà phải tuân thủ trong khuôn khổ pháp luật. Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Việc hiểu đúng tự do ngôn luận không chỉ là tôn trọng quyền lợi cá nhân mà còn là sự nhận thức về trách nhiệm đạo đức và pháp luật trong việc sử dụng quyền này. Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý, qua đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị, tư tưởng – văn hóa và giữ vững ổn định trật tự xã hội.
2. Tự do ngôn luận trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Thực hiện các quyền công dân được pháp luật công nhận với việc vi phạm các quyền mà pháp luật cấm là hai hành vi khác nhau rõ rệt được quy định rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp, pháp luật. Do đó, những hành vi phát ngôn dù dưới ngôn ngữ và hình thức nào nếu không đúng sẽ được coi là vi phạm quy định và đều bị cấm. Tự do ngôn luận khác với phát ngôn tự do bởi tự do ngôn luận được giới hạn bởi những quy phạm pháp luật phù hợp với quy định và văn hoá của mỗi quốc gia, còn phát ngôn tự do là thứ tự do tuyệt đối mang tính chủ nghĩa cá nhân không được chấp nhận. Trên thực tế, việc thực thi pháp luật của nhiều nước trên thế giới không hề tồn tại cái được gọi là phát ngôn tự do. Chẳng hạn như: “Ở Mỹ, giới hạn của tự do ngôn luận được thể hiện chủ yếu qua án lệ của các toà án, đặc biệt là Toà án Tối cao Hoa Kỳ, cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất khiêu dâm, tục tĩu, phỉ báng, xúc phạm và gây hấn, mà không bị xem là vi hiến. Ở Pháp, pháp luật về tự do ngôn luận đưa ra các giới hạn, chế tài nghiêm khắc trừng trị hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ; chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo; chống kích động bạo lực, gây hận thù. Việc bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng Internet cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Tự do báo chí”. Nhiều nước châu Âu khác cũng rất nghiêm khắc với phát ngôn tự do. Các nước này cũng đã ban hành các đạo luật nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng quyền tự do ngôn luận để phát ngôn thù địch, tiêu cực trên Internet.
Tại Việt Nam, từ năm 2018 Luật An ninh mạng đã được Quốc hội ban hành và áp dụng như là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm bổ sung và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có vi phạm quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng. Do vậy, chúng ta phải nắm vững cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về tự do ngôn luận và hết sức cảnh giác trước ý đồ nham hiểm của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét