QĐND-Thời gian gần đây, hiện tượng giả danh, mạo
danh cán bộ, tướng lĩnh quân đội để lừa đảo và tán phát thông tin xuyên tạc,
chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội có xu hướng gia tăng.
Thủ
đoạn của những người có dụng ý xấu là tập trung vào một số đồng chí lãnh đạo
cao cấp của Đảng và Nhà nước theo kiểu “bổn cũ soạn lại”, “trâu lấm vẩy bùn”.
Đã đến lúc, những hành vi nguy hiểm, đê hèn, vi phạm cả đạo lý và pháp lý phải
được làm rõ và bị nghiêm trị.
Từ giả danh để lừa đảo, phá
hoại...
Các cán bộ Cục Bảo vệ an ninh quân
đội (Tổng cục Chính trị) vừa điều tra vụ việc T.V.H - một nam thanh niên sinh
năm 1982, không nghề nghiệp ở huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) nhưng thường xuyên
mặc quân phục, giả danh là trung tá công tác tại Bộ Tổng Tham mưu để lừa đảo.
Đối tượng này đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng và còn lừa gạt tình cảm của
nhiều phụ nữ nghèo khổ thông qua thủ đoạn giúp đỡ xin việc làm vào các doanh
nghiệp quân đội.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tiếp xúc với một số nạn nhân
là các cô gái trẻ. Họ đều nói trong nước mắt rằng, vì luôn tin cậy, yêu mến
hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nên đã dễ dàng bị lừa. Sự việc không chỉ khiến những
người mất tiền đau xót mà lớn hơn, cùng với họ, còn nhiều nạn nhân khác mất
tiền mà chưa biết sự thật nên đã thất vọng, đánh mất niềm tin vào một lực lượng
từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Do đó, họ đều kiến nghị phải làm rõ,
xử lý thật nghiêm minh kẻ giả danh.
Thiếu tướng
Dương Đức Thiện, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội cho biết, xuất phát từ
chỗ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nói riêng luôn
được nhân dân yêu mến nên từ lâu, đã xảy ra hiện tượng mạo danh, giả danh bộ
đội để lừa đảo, trục lợi. Những năm gần đây, trong bối cảnh tác động của mặt
trái kinh tế thị trường, những hiện tượng này có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng
xấu tới an ninh kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tìm hiểu tại Phòng Tham mưu an ninh
(Cục Bảo vệ an ninh quân đội), chúng tôi được Thượng tá Đào Văn Nam, Trưởng
phòng, cung cấp thêm nhiều thông tin về các vụ việc giả danh, mạo danh quân
đội. Có nhiều trường hợp các đối tượng giả danh là con, cháu, người thân của
lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng... để lừa đảo thông qua các chiêu bài
chạy dự án, xin việc. Có trường hợp, mặc dù Bộ Quốc phòng không có trung tâm
tuyển sinh và giới thiệu việc làm nhưng một phụ nữ vẫn mặc quân phục, tự xưng
là giám đốc trung tâm để thu tiền giúp người dân đi xuất khẩu lao động. Có một
số đối tượng thường xuyên “chém gió”, thậm chí làm thẻ sĩ quan giả là cán bộ
Tổng cục Tình báo, con cháu các lãnh đạo rồi lừa dối người dân, chiếm đoạt tài
sản. Điển hình phải kể đến đối tượng H.V.B mạo danh cán bộ doanh nghiệp Bộ Tổng
Tham mưu, cấp dưới của người nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng rồi làm công văn giả,
con dấu giả quân đội để lừa đảo xin dự án.
Mặc dù những vụ việc trên đều sớm bị
phát hiện, xử lý nghiêm minh nhưng không chỉ ảnh hưởng lớn đến an ninh kinh
tế-xã hội mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Quân đội ta.
Đến mạo danh gắn với những mưu
đồ chính trị đen tối
Như thường lệ, cứ đến dịp kỷ niệm
Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam hằng năm, các thế lực thù địch, phản
động lại tung những “tin sốc” để bịa đặt, xuyên tạc, nói xấu quân đội.
Những ngày vừa qua xuất hiện không
ít những bài viết “bổn cũ soạn lại” bằng thủ đoạn đê hèn, ném đá giấu tay, mạo
danh các cựu quân nhân, “tướng trận mạc nghỉ hưu” lên tiếng, tố cáo... lãnh đạo
Bộ Quốc phòng với những thông tin bịa đặt, gán ghép vô căn cứ. Đây là thủ đoạn
không mới, đã được chúng sử dụng nhiều lần trong những năm gần đây. Chúng
thường lợi dụng hình ảnh các vị tướng có tên tuổi, uy tín, thường xuyên có
những phát biểu mạnh mẽ trước nghị trường, công luận... để đơm đặt thông tin.
Song với bản lĩnh chính trị kiên trung, các vị tướng đều nhanh chóng lên tiếng
phản bác các âm mưu đen tối đó.
Có thể dẫn lại nhiều sự việc như kẻ
xấu tung lên internet một lá thư mang tên Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên viết gửi
lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có nội dung nói xấu một số tổ chức và lãnh đạo nhưng
ngay sau đó Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã có thư chính thức gửi lãnh đạo Đảng,
Chính phủ và Quốc hội bác bỏ thông tin và đề nghị làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm
những kẻ mạo danh. Kẻ xấu cũng nhiều lần mạo danh Trung tướng Nguyễn Quốc
Thước song ông kịch liệt phản đối, khẳng định không bao giờ gửi đơn thư tố cáo.
Cuối năm 2016, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị cũng bị kẻ xấu mạo danh tung ra bức
thư tố cáo nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhưng ông đã lên tiếng cho biết không
hề liên quan đến bức thư cũng như không nắm được các nhân sự, nội dung sự việc
như trong đơn vì nghỉ hưu đã lâu.
Từ đầu năm đến nay, kẻ xấu lại nhiều
lần mạo danh Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trung tướng Phùng Khắc Đăng... gửi
đơn thư tố cáo lãnh đạo quân đội. Thủ đoạn của chúng hết sức nham hiểm, những
lá thư, lá đơn bậy bạ chỉ là cái cớ. Sau khi được tán phát, ngay lập tức hàng
loạt trang mạng, thậm chí cả các đài báo nước ngoài vội vàng đăng tải các bài
viết với những lời lẽ như “thông tin chưa được kiểm chứng”, “đăng tải với sự dè
dặt” nhưng nội dung thì hết sức tiêu cực, phản động.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên
Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, nguyên
Cục trưởng Cục Tổ chức (Tổng cục Chính trị), nguyên Thứ trưởng Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội, một nạn nhân của việc bị mạo danh để tán phát đơn
thư bịa đặt tố cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng tỏ ra hết sức bất bình, phẫn nộ: “Tôi
không sử dụng internet, không bao giờ viết bất kỳ đơn thư khiếu kiện, tố cáo ai
thì làm gì có chuyện tôi gửi đơn cho các trang mạng. Họ mạo danh một cách trắng
trợn. Nội dung đơn thư tôi hoàn toàn không biết, không liên quan, không nắm
được, chữ ký trong đơn cũng không phải là chữ ký của tôi. Đây không phải lần
đầu kẻ xấu mạo danh tôi trong các đơn tố cáo, thỉnh nguyện. Âm mưu mạo danh cán
bộ, tướng lĩnh nghỉ hưu để tán phát đơn thư bịa đặt là hết sức nguy hiểm. Tôi
hết sức bức xúc và kịch liệt phản đối những hành vi này. Đề nghị các cơ quan
pháp luật vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng mạo danh tôi, bảo vệ danh
dự, uy tín của cá nhân tôi cũng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội”.
Vậy mà không dừng ở đó, làm việc với
phóng viên Báo Quân đội nhân dân gần đây,
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho biết, kẻ xấu tiếp tục bịa đặt rằng ông đã tham
gia một nhóm, hội khác phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và đang
hướng tới vận động thành lập một tổ chức mới. Ông hết sức bất bình trước sự mạo
danh trắng trợn này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong
không ít trường hợp, chiêu trò mạo danh đều gắn với những cuộc “vận động”,
những đợt kêu gọi đưa ra các “thỉnh nguyện”, “tuyên bố” của những cái gọi là
“tổ chức xã hội dân sự”. Và để xây dựng được các ngọn cờ, các nhân vật là hạt
nhân có uy tín lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin khác, các đối tượng thường mạo
danh, tùy tiện đề thêm tên một số tướng lĩnh, sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu vào
các chương trình của họ, cho dù những người này hoàn toàn không tham gia trên
thực tế. Chiêu trò này hết sức nguy hiểm vì nó gắn liền với những âm mưu chống
phá Đảng, Nhà nước, với những mưu đồ chính trị đen tối. Chúng không chỉ nhằm hạ
thấp danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam, chia rẽ mối quan hệ máu
thịt giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân; gây chia rẽ trong nội bộ quân
đội mà xa hơn còn hướng tới kích động cán bộ, chiến sĩ “tự diễn biến",
"tự chuyển hóa”, gắn với âm mưu hình thành, xây dựng các tổ chức xã hội
dân sự, tổ chức chính trị đối lập, phản động...
Nguồn: WWW.qdnd.vn
Hãy nâng cao cảnh giác đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động!
Trả lờiXóa