QĐND - Những năm gần đây, môi trường kinh doanh,
hiệu quả điều hành, thủ tục hành chính (TTHC) của các tỉnh, thành phố trong
vùng duyên hải miền Trung (VDHMT) được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, để thu hút
đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN), các địa phương cần có sự năng động trong
cải thiện môi trường kinh doanh.
Điểm sáng trong cải thiện môi
trường kinh doanh
Theo kết quả Chỉ số năng lực
cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, hiệu quả, chất lượng điều hành kinh tế của
các địa phương trong VDHMT được cộng đồng DN đánh giá khá tích cực, khi có tới
7/9 tỉnh, thành phố nằm ở top trên bảng xếp hạng PCI. Các địa phương đều lần
lượt nằm ở top các tỉnh rất tốt (Đà Nẵng), tốt (Quảng Nam, Bình Định) và khá
(Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú
Yên). Trong đó, TP Đà Nẵng năm thứ 4 liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng
với số điểm 70/100.
Để có được kết quả trên, những năm
qua, các địa phương trong VDHMT có nhiều sáng kiến đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo
nhiều thuận lợi cho DN. Ví dụ, chính quyền TP Đà Nẵng có nhiều hoạt
động thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho DN, như: Chủ động tổ
chức gặp gỡ đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng
đồng DN; đẩy mạnh cải cách TTHC, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh,
tạo thuận lợi cho tiếp cận hỗ trợ tài chính tín dụng… Quảng Nam với mô hình hỗ
trợ nhà đầu tư một đầu mối-Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu
tư (IPA Quảng Nam), tạo thuận lợi cho người dân và DN theo
hướng 3 giảm (giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí)… Với những chính sách
thông thoáng, môi trường đầu tư thuận lợi nên số lượng DN thành lập
mới ở các địa phương VDHMT đều khá cao và có xu hướng tăng lên.
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP
ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020
(Nghị quyết số 35), các tỉnh, thành phố trong VDHMT đã ký cam kết với Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo lập môi trường kinh doanh
thuận lợi cho DN. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết:
Các địa phương đã triển khai những nội dung cam kết một cách tích cực. 100%
tỉnh, thành phố bảo đảm thực hiện các cam kết cơ bản, như: Tổ chức định kỳ đối
thoại giữa chủ tịch UBND tỉnh, thành phố với các DN (bên cạnh các
cuộc đối thoại chuyên đề của các sở, ngành), lập đường dây nóng hỏi đáp trực
tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố; thực hiện cơ chế một cửa
liên thông…
Tạo niềm tin, đồng hành cùng
doanh nghiệp
Mặc dù VDHMT có Đà Nẵng nhiều năm
liền là địa phương có chỉ số tính năng động và tiên phong cao nhưng mức điểm
chung của khu vực chỉ đạt 4,46/10 điểm và đứng ở vị trí thứ 5/7 khu vực trên
toàn quốc. Tính năng động của chính quyền các tỉnh, thành phố trong VDHMT chưa
được DN đánh giá cao ở thái độ tích cực đối với khu vực kinh tế tư
nhân. Qua khảo sát của VCCI, chỉ có 42% DN cảm nhận thái độ chính quyền
đối với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực. Do đó, để cải thiện niềm tin
này, DN khuyến nghị các địa phương trong khu vực cần có những hành
động để cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành cùng DN chứ không
chỉ dừng lại ở việc đề ra các cam kết.
Theo ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND
tỉnh Quảng Nam, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho
DN và người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy
mạnh cải cách hành chính, cắt giảm trung bình 30% thời gian thực hiện TTHC. Tất
cả TTHC được công khai, minh bạch, đơn giản về thành phần, số lượng hồ sơ. Tỉnh
chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ DN để tăng khả năng tiếp cận
mọi nguồn lực của Nhà nước đối với DN, như: Đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân
lực... bảo đảm bình đẳng, không có sự thiên vị hay phân biệt loại hình, thành
phần kinh tế giữa DN lớn và DN nhỏ, giữa DN nhà nước với các loại hình DN
khác…
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh
doanh của các địa phương hiện nay đang hướng tới mục tiêu tăng số
lượng DN tham gia thị trường và hoạt động hiệu quả. Ông Đậu Anh Tuấn
cho rằng, các tỉnh, thành phố trong vùng cần chủ động xây dựng cơ chế để tiếp
nhận phản hồi hiệu quả hơn từ cộng đồng DN; qua đó hiểu nhu cầu
của DN, thay đổi chính sách kịp thời, đồng thời tăng sự tương tác giữa
chính quyền và DN. Bên cạnh những biện pháp truyền thống như tổ chức đối
thoại, tiếp xúc DN… các địa phương cần mở rộng các kênh tiếp nhận thông
tin khác nhau như thông qua các khảo sát, nghiên cứu xã hội học độc lập, thúc
đẩy hình thành và hoạt động hiệu quả của các tổ chức đại diện
cho DN như hiệp hội DN…
Nguồn: WWW.qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét