Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Tăng cường cảnh giác, giữ vững niềm tin, phát huy truyền thống cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ

QĐND - Loạt bài đấu tranh với nạn giả danh, mạo danh quân đội trên Báo Quân đội nhân dân vừa qua đã nhận được sự đồng tình của đông đảo bạn đọc. Nhiều đồng chí lãnh đạo, tướng lĩnh, cựu chiến binh và nhân dân cho rằng: Hiện tượng xấu mà báo nêu, ngoài bàn tay của các thế lực thù địch còn có nguyên nhân từ một số người có dấu hiệu nhạt phai lý tưởng, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”... Một số ý kiến phân tích sâu nhận định: “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” và tiêu cực, tham nhũng là 3 kẻ thù khác nhau nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế, đề nghị Tòa soạn phải có sự gắn kết, tiếp nối giữa các chuyên mục để đấu tranh với những mối nguy hiểm này...

Bài học từ những người đánh mất chính mình
Bạn đọc yêu văn học từng biết đến một người lính, một nhà thơ, nhà báo nổi tiếng đã xông pha trên chiến trường những năm chống Mỹ. Ông từng có những bài thơ hay thấm đượm lý tưởng, thôi thúc bộ đội và nhân dân. Thế nhưng thời bình, ông lại có nhiều sai phạm, bị khai trừ khỏi Đảng. Nhiều tác phẩm của ông sau này nhuốm màu cực đoan, nói xấu Đảng, Nhà nước. Nhiều đồng đội và bạn đọc tiếc cho ông. Có bạn đọc viết: “Con người đó với tài năng của mình đã không thể đứng vững, không thể giữ nổi mình trên đôi chân từng vào sinh ra tử với những năm tháng chiến tranh đầy gian khó. Mọi thứ kéo ông đi thật xa, đi quá xa với cái tôi của mình... Sự tác động, lôi kéo không ngừng của các thế lực thù địch, phản động đã thành công khi đánh gục một cây đa, cây đề của nền văn học Việt Nam. Có bạn văn coi sự thay đổi đó như “nốt nhạc trầm sâu” cho cuộc đời một con người đã không tự mình đi hết được con đường của chính mình, một con đường mà đáng lẽ ra nếu tỉnh táo, ông đã có thể đứng trên đài cao nghệ thuật với tài năng cùng sự cống hiến cho đất nước và nhân dân. Đây cũng là bài học đắt giá cho tất cả chúng ta về bản lĩnh cần phải rèn luyện trước những cạm bẫy bủa vây của cuộc sống hôm nay.
Một trường hợp đáng tiếc nữa phải kể đến là một đại tá, nhà văn ở TP Hồ Chí Minh. Ông vào Đảng ở tuổi đôi mươi nhưng lại làm đơn xin ra khỏi Đảng khi đã gần 40 năm tuổi Đảng. Chính ông từng khẳng định: “Lý tưởng của những người cộng sản ấy đã trở thành lý tưởng, thành lẽ sống của thế hệ chúng tôi. Với tư cách người cộng sản, tôi đã vững vàng vượt qua mọi gian khổ, ác liệt, đi qua suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt để trở thành nhà văn quân đội”. Thế mà sau này hòa bình, chỉ vì bất đồng, mâu thuẫn nội bộ tại cơ quan, ông dần lún sâu vào những quan điểm xét lại về chính trị. Đau xót hơn, ông còn từng viết bài phỉ báng Chiến thắng 30-4 mà trước đây đã ngợi ca, tôn thờ là điểm đến của cả thế hệ, trong đó có ông.
Có những người còn trượt xa hơn thế. Chuyện về Trần Anh Kim ở Thái Bình là một ví dụ. Là người lính nhập ngũ từ những năm chống Mỹ, trải qua cả đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương, lại là cán bộ chính trị, nhưng từ những sai phạm về kinh tế, Trần Anh Kim bị khởi tố, phải đi tù. Cải tạo tốt, Kim được giảm án nhưng sau đó vì bất mãn lại tìm đến các tổ chức phản động, tham gia các nhóm khiếu kiện và dần chuyển sang chống phá Đảng, Nhà nước và bị đi tù lần thứ hai. Ra tù vào đầu năm 2015, lẽ ra, với trải nghiệm cuộc đời mình, Kim phải rút ra những bài học cay đắng cho mọi người thì ở tuổi 66, chỉ 8 tháng sau khi ra tù, Kim lại bị bắt giam vì đã lập ra một tổ chức kêu gọi quân nhân hai miền Nam, Bắc “dựng cờ dân chủ”. Tháng 5-2017, Kim vào tù lần thứ 3 với mức án 13 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Mẫu số chung ở các trường hợp trên là từ bất đồng, mâu thuẫn đến lún sâu vào suy thoái chính trị, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”. Họ đã không giữ được bản lĩnh chính trị, lòng trung thành và những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Từ niềm tự hào binh nghiệp cách mạng, họ tự đánh mất tất cả, đánh mất danh dự, niềm tin đối với bạn bè, đồng đội, nhân dân và đánh mất chính bản thân mình.
Đến những hậu quả khôn lường từ sự chủ quan, đơn giản...
Thời gian gần đây, có hiện tượng một số đảng viên, cán bộ lão thành, cựu chiến binh, thậm chí cả tướng lĩnh nghỉ hưu đứng đơn trong một số “tâm thư”, “tuyên bố”, “thỉnh nguyện”, “kiến nghị” gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Họ tự nhận là “những đảng viên trung thành”, “quan tâm lo lắng” đến thời cuộc, đến vận mệnh của Đảng, tương lai của đất nước. Có vị đại tá ở Hà Nội, tuổi cao sức yếu, thông tin không đầy đủ nhưng vẫn tham gia kêu gọi Đảng ta đi vào con đường xét lại, thực hiện đa nguyên, đa đảng, xã hội dân sự, có nhiều kiến nghị đi ngược đường lối, chủ trương của Đảng... Trong một số danh sách đứng đơn thư tập thể, có nhiều trường hợp cựu chiến binh, cựu quân nhân bị mạo danh nhưng cũng có những trường hợp không mạo danh.
Tại cái gọi là “Thư ngỏ của 61 đảng viên trung thành với Đảng”, danh sách ghi có tới 12 cựu cán bộ, sĩ quan quân đội, công an, trong đó có cả cựu sĩ quan cấp tướng và cấp đại tá. Có người từ đó đến nay vẫn thường xuyên có những bài viết, quan điểm trái đường lối quan điểm của Đảng, thậm chí tham gia vào việc lập các hội, nhóm bất hợp pháp. Nhiều người đặt câu hỏi, họ từng chiến đấu, hy sinh xương máu trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nay sao lại làm những việc ảnh hưởng đến sự bình yên của Tổ quốc? Những thư ngỏ đi ngược đường lối của Đảng ấy có đúng là vì Đảng, vì sự phát triển của đất nước không, hay họ đã bị một thế lực nào đó lôi kéo, mượn danh và bị tiếm danh lòng yêu nước để gieo rắc những mầm mống tư tưởng độc hại cho xã hội?
Ở một vài đơn vị, có sĩ quan trẻ và chiến sĩ chỉ vì thích khoe khoang, “tự sướng” mà đăng tải thông tin, hình ảnh làm lộ bí mật quân sự, ảnh hướng đến uy tín, danh dự của đơn vị quân đội. Đã từng xảy ra những sự việc xấu từ sự đơn giản như vụ chiến sĩ giết voọc, quân nhân say rượu mất tư thế, chiến sĩ cũ đánh chiến sĩ mới... bị tung lên mạng xã hội. Tuy chỉ là những cái cá biệt nhưng thông tin bị tán phát trong những thời điểm nhạy cảm như mùa tuyển quân, tạo nên tâm lý bất an trong xã hội, làm méo mó, tạo dư luận xấu về môi trường quân đội, về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ... 
Luôn rèn luyện, phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ
Đã có nhiều học giả và tướng lĩnh nói về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, song tựu trung lại thì những đặc trưng đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cô đúc trong lời khen ngợi nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1964): “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Bộ đội Cụ Hồ trở thành hình tượng, được nhân dân ca tụng, là khát vọng phấn đấu và tin yêu của giới trẻ trong suốt những năm qua. Nhà văn, nhà báo người Mỹ Lady Borton đã nói: “Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng không ở đâu người dân lại yêu mến gọi lãnh tụ của mình là Bác, không có quân đội nào yêu mến gọi Tổng Tư lệnh bằng Anh (Anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cũng không nơi nào nhân dân yêu mến gọi quân đội là Bộ đội Cụ Hồ".
Trải qua 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta thực sự là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng; là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã đoàn kết, đồng lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lập những thành tích, chiến công hiển hách, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ. Trong giai đoạn đổi mới đất nước, bản chất tốt đẹp và truyền thống Bộ đội Cụ Hồ được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến và chiến tranh vệ quốc tiếp tục tỏa sáng... đúng như lời khen ngợi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây: Quân đội dù trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, cũng luôn một lòng một dạ trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, xứng đáng với lòng yêu mến, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tin tưởng, tự hào tiếp nối truyền thống nhưng chúng ta cũng luôn nhận thức: Không phải cứ mang trên mình bộ quân phục hay cứ từng đội mũ, đeo sao là có thể được yêu mến, trân trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Quân ủy Trung ương phiên họp cuối năm 2017 mới đây, cùng với việc biểu dương những thành tích của Quân đội ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Phải đặc biệt giữ gìn, phát huy hình ảnh, uy tín của quân đội, giữ vững niềm tin yêu của nhân dân đối với quân đội. Muốn vậy, kỷ luật kỷ cương phải nghiêm, quân đội phải làm gương cho các nơi khác... Quân đội phải hết sức quan tâm cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, bảo vệ cái đúng, lẽ phải, bảo vệ Đảng, chế độ, cương quyết bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Quân đội phải đi tiên phong và làm quyết liệt hơn nữa trên lĩnh vực này". 
Vì thế, hơn lúc nào hết, mỗi quân nhân, dù đương chức hay nghỉ hưu, phải luôn nâng cao cảnh giác, giữ vững niềm tin, phấn đấu và rèn luyện không ngừng, phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà từ năm 2013, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra chỉ thị phát động Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong toàn quân. Và ngay cả những người đã nghỉ hưu, phải không ngừng rèn luyện giữ gìn, phát huy những phẩm chất truyền thống cao đẹp ấy.
Trong những phẩm chất đó, không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ đặt lên hàng đầu “Trung với Đảng, hiếu với dân”. Lòng trung thành và bản lĩnh chính trị vững vàng luôn là phẩm chất số 1, là kim chỉ nam, định vị giá trị cốt lõi nhất của Bộ đội Cụ Hồ. Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho rằng, ngay tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ" cũng toát lên sự trung hiếu. Nếu những cán bộ, chiến sĩ đang tại ngũ phấn đấu để giữ gìn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, phấn đấu làm cho nội dung này càng phong phú hơn, đẹp đẽ hơn thì những người đã hoàn thành nhiệm vụ, rời quân ngũ về với đời thường lại đau đáu ngày đêm lo giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp đó trong cuộc sống mới.
Giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và tư cách người đảng viên cộng sản trong giai đoạn hiện nay còn cần kết hợp giữa sự tự giác rèn luyện với giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Yêu cầu giáo dục, rèn luyện đảng viên không cho phép tồn tại những người sống theo kiểu “lá mặt lá trái”, “cộng sản nửa vời”. Theo Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm vừa được ban hành, chắc chắn không còn “đất” cho những người mang danh đảng viên mà vẫn lên mạng xuyên tạc, nói ngược đường lối của Đảng, thậm chí phỉ báng lãnh tụ. Cũng không thể chấp nhận đảng viên đứng đơn tố cáo hay mạo danh, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, xã hội dân sự, họ có thể bị kỷ luật và bị khai trừ khỏi Đảng. Thậm chí một hành vi đơn giản như dùng thẻ đảng viên vay tiền và tài sản cũng sẽ bị nghiêm trị bởi kỷ luật Đảng... Dư luận đồng tình với việc siết chặt kỷ luật của Đảng hiện nay, để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. 
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Lênin từng nói: Cái gì đã biến thành cuộc sống thì cái đó chính là văn hóa. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã biến thành giá trị văn hóa gắn với người lính Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng thực tiễn thời gian qua, có những người không có sự tỉnh táo cần thiết hoặc nghĩ mình có trình độ, không chịu nghiên cứu, học tập lý luận và thực tiễn một cách có hệ thống, nên ngộ nhận, hiểu sai chính tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tầm thường hóa tư tưởng của Người theo kiểu chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dân túy để rồi đi đến phủ nhận cả nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận lý tưởng cộng sản, đòi đổi tên Đảng, tên nước...
Chúng ta phải cảnh giác với các thế lực thù địch nhưng cũng cần cảnh giác với chính bản thân mình bởi nếu không có sự kiên định cần thiết sẽ rất dễ bị “cuốn theo chiều gió”. Đạo đức là một phạm trù lịch sử nhưng có những giá trị đạo đức mang tính vĩnh hằng như người cộng sản thì phải trung thành với lý tưởng cộng sản. Nếu thiếu sự trung thành, kiên định, con người ta rất dễ trượt xa quỹ đạo của con đường đã chọn, thậm chí trở thành kẻ phản bội, ngược dòng. Bài học từ những trường hợp vi phạm như Trần Dụ Châu trước kia hay Trịnh Xuân Thanh gần đây cho thấy rất rõ điều đó. Ban đầu, họ cũng là những cán bộ tốt, tích cực với sự nghiệp chung. Nhưng do ham hố địa vị, vật chất, họ dần xa rời lý tưởng rồi đi tới “nhúng chàm”.
Nhưng để có được sự trung thành ấy phải gắn liền với niềm tin cộng sản. Khoa học tâm lý đã chỉ ra niềm tin có hai yếu tố cấu thành là tri thức và cảm xúc, mà điều đó tạo thành từ sự hòa quyện trong hành động, trải nghiệm thực tiễn. Không thể có niềm tin bền vững nếu không có tình yêu đối với điều ta lựa chọn từ rèn luyện và trải nghiệm cuộc đời. Để có niềm tin ấy, bản lĩnh ấy, ngoài sự nỗ lực của bản thân, còn rất cần vai trò của tổ chức, của tập thể đối với mỗi cá nhân. Đằng sau vết xe đổ của mỗi cán bộ sa ngã, không thể không có sự yếu kém, thiếu trách nhiệm của bộ máy quản lý. Cho nên, rất cần xây dựng những môi trường tốt để cá nhân cống hiến, rèn luyện và trưởng thành. Đó là môi trường của kỷ luật và của niềm tin. Ở đó, cấp trên cần tin tưởng ở cấp dưới do mình quản lý, rèn luyện và lựa chọn. Cấp dưới cũng cần tin tưởng ở cấp trên. Cán bộ đương chức phải tin tưởng, kính trọng, nghĩa tình với thế hệ tiền bối. Cán bộ nghỉ hưu phải tin tưởng ở thế hệ đương nhiệm và kế cận. Những gì chưa hài lòng, chưa phù hợp phải đấu tranh trên tinh thần xây dựng, đề cao tự phê bình và phê bình theo quy định, nguyên tắc của Đảng, kỷ luật của quân đội, pháp luật của nhà nước .
Mỗi quân nhân, dù là người tại ngũ, chuyển ngành hay đã điền viên thì lý tưởng và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cần luôn “mãi mãi là sao sáng dẫn đường” để từ suy nghĩ đến hành động đều tỏa sáng nhân cách cao đẹp, giữ trọn niềm yêu mến của nhân dân!
Nguồn: WWW.qdnd.vn


1 nhận xét: