Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Những giải pháp đồng bộ để đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống

QĐND Online - Sau 2 năm soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi, Luật Trẻ em đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 5-4-2016. Từ ngày 1-6-2017, Luật Trẻ em đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên hiện tại, Luật Trẻ em vẫn chưa thực sự đi vào đời sống, trở thành công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của trẻ em.

Trẻ em cần được bảo vệ, chăm sóc toàn diện
Tại Hội thảo Giải pháp đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống do Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng 12-12, tại Hà Nội, các đại biểu một lần nữa khẳng định, trẻ em là tương lai của dân tộc, cần được bảo vệ, chăm sóc một cách toàn diện.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam khẳng định, vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng của ông bà, cha mẹ cũng như toàn xã hội.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 26 triệu trẻ em, chiếm khoảng 28% dân số. Là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thể chế hóa các quy định của Công ước vào hệ thống pháp luật quốc gia. Quyền trẻ em được đảm bảo một cách chi tiết hơn theo Luật Trẻ em năm 2016. Theo đó, Luật Trẻ em 2016 có nhiều điểm mới, quy định một cách chi tiết, rõ ràng hơn, ghi nhận đầy đủ các quyền của trẻ em và tiếp cận trên quyền của trẻ em. Một trong những điểm mới nổi bật trong Luật Trẻ em 2016 là quy định cụ thể các nội dung về các cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Thiết nghĩ với việc Luật Trẻ em sửa đổi được ban hành từ giữa năm 2017 sẽ là một công cụ đắc lực để bảo vệ trẻ em, thế nhưng, gần đây, số trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bóc lột đang có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc dư luận xã hội.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp để Luật Trẻ em thực sự đi vào đời sống, bảo vệ trẻ em, giảm tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Trong đó, một trong nhiều giải pháp nhận được sự đồng tình của các đại biểu đó là vấn đề nâng cao công tác tuyên truyền Luật cũng như nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng chống bạo lực trẻ em đến đại bộ phận người dân. Đại diện Đại học Lao động và Xã hội cơ sở II kiến nghị, nên đưa nội dung truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình và trẻ em vào những khung giờ vàng thay cho một số quảng cáo kinh doanh; nội dung có thể là cách nhận biết dấu hiệu bị bạo lực, các điều khoản liên quan đến luật pháp đặc biệt là các chế tài xử phạt, thông tin về các khung hình phạt đối với người có hành vi bạo hành trẻ em; các thông tin về các hình thức dịch vụ trợ giúp, giáo dục tham vấn người bị bạo lực lẫn người có hành vi bạo lực, thông tin về các đường dây nóng… để trẻ em, gia đình, dân cư dễ dàng tiếp cận.
Tuyên truyền về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng như Luật Trẻ em cũng đòi hỏi sự nỗ lực của đội ngũ phóng viên, theo đó, đại diện Tạp chí Gia đình và xã hội cho rằng, phóng viên viết về trẻ em cũng cần hiểu rõ mối quan hệ giữa trẻ em và báo chí, thể hiện cái tâm và sự hiểu biết của người làm báo trẻ em…
Có thể khẳng định, trẻ em là mầm non tương lai, các em xứng đáng được sống trong một môi trường an toàn, hòa bình. Vì vậy, các cấp, các ngành cũng như các tổ chức xã hội và bản thân gia đình của trẻ em cần nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, hiện thực hóa những mục tiêu trong Luật Trẻ em để Luật thực sự là công cụ hữu hiệu bảo vệ trẻ em.

Nguồn: WWW.qdnd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét