Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

CẦN PHẢI NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ CHẾ ĐỘ SỞ HỮU ĐẤT ĐAI Ở VIỆT NAM

 

    1.Những quan điểm, ý kiến nêu trên là hoàn toàn sai lầm cần phải bác bỏ. Quan điểm ủng hộ chế độ đa sở hữu về đất đai ở Việt Nam, thực chất đây là quan điểm ủng hộ sở hữu tư nhân về đất đai. Đa sở hữu có nghĩa bao gồm sở hữu tư nhân, sở hữu của tập thể (pháp nhân, các tổ chức chính trị, xã hội, ngành, nghề), sở hữu của cơ quan nhà nước (các cơ quan khác nhau trong bộ máy chính quyền các cấp). Ở các nước duy trì chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, đa phần diện tích đất ở và đất kinh doanh thuộc sở hữu tư nhân. Các tổ chức chính trị, xã hội, ngành, nghề có thể mua đất làm trụ sở hoặc kinh doanh tùy ý. Những diện tích đất do tổ chức nhà nước sử dụng và đất công (dùng chung như đường sá, công viên, rừng, hồ nước…) thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước hoặc sở hữu quốc gia. Như vậy, đa phần diện tích đất kinh doanh, nhất là đất nông nghiệp thuộc sở hữu tư nhân. Vì vậy, ủng hộ chế độ đa sở hữu về đất đai, thực chất là ủng hộ sở hữu tư nhân về đất đai.

    Quan điểm cho rằng với các quyền do Luật Đất đai năm 2013 quy định, thì người sử dụng đất ở Việt Nam là người sở hữu tư nhân về đất đai. Nhận thức không đúng của quan điểm này là ở chỗ quy các quyền sở hữu đất đai về các quyền của người sử dụng đất. Theo Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất, có một số quyền được quy định trong Luật Đất đai (từ Điều 166 đến Điều 194) như sau: Được Nhà nước bảo hộ quyền tài sản đối với quyền sử dụng đất dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; Có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất; Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi. Song các quyền này chỉ được thực hiện trong các giới hạn: Sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng đất đã được Nhà nước quy định khi giao hoặc cho thuê đất và theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước. Người sử dụng đất không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Giao và cho thuê đất có kỳ hạn, trừ đất ở; Nhà nước có quyền thu hồi quyền sử dụng đất đã giao có bồi thường cho người bị thu hồi quyền sử dụng đất; Nhà nước thu tiền sử dụng đất khi giao lần đầu và thu thuế sử dụng đất.

    Như vậy, trong Luật Đất đai năm 2013 có sự phân chia quyền của chủ sở hữu giữa người sử dụng đất và các tổ chức nhà nước hết sức rõ ràng. Nhà nước có một số quyền căn bản của chủ sở hữu, như: giao, cho thuê, thu hồi quyền sử dụng đất, thu thuế sử dụng đất và thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất và thuế giá trị gia tăng từ đất không do người sử dụng đất tạo ra. Những quyền này phản ánh lợi ích của chủ sở hữu toàn dân, chủ sở hữu chung là xã hội, là quốc gia, không thể giao cho tư nhân. Đây là điểm khác biệt của chế độ sở hữu toàn dân so với chế độ sở hữu tư nhân.

     Quan điểm cho rằng sở hữu toàn dân về đất đai là “mù mờ về mặt pháp lý”, không xác định được ai là chủ sở hữu trong các quan hệ đất đai là không đúng với thực tế. Luật Đất đai năm 2013 đã xác định rõ các căn cứ để phân định quyền hạn, lợi ích và trách nhiệm của người sử dụng đất, người đại diện chủ sở hữu toàn dân và người quản lý đất. Cụ thể đó là: Người sử dụng đất, bao gồm tổ chức trong nước; hộ gia đình, cá nhân trong nước; cộng đồng dân cư; cơ sở tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Luật cũng quy định rõ cá nhân nào là đại diện pháp lý trong các giao dịch đất đai của các chủ thể sử dụng đất nêu trên ở Điều 7 và Điều 8. Cơ quan nhà nước, cụ thể là: Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương đã được Luật Đất đai năm 2013 phân định rõ ràng các quyền hạn và trách nhiệm với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai (từ Điều 13 đến Điều 21 Luật Đất đai năm 2013). Vậy ý kiến không rõ chủ thể trong giao dịch đất đai là không đúng, là sự phủ nhận chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam.

    2.Việc lựa chọn chế độ sở hữu toàn dân về đất đai của Việt Nam hiện nay là hoàn toàn phù hợp. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai của Việt Nam phù hợp với mục tiêu cải thiện điều kiện sống của người lao động, người sử dụng trực tiếp đất đai. Ngoài những lợi ích chung phải được tôn trọng, như quyền tổ chức hiệu quả việc sử dụng đất (bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước), quyền thu địa tô tuyệt đối và địa tô chênh lệch không do người sử dụng đất tạo ra, quyền thu hồi đất vì lợi ích xã hội, mọi quyền liên quan đến sử dụng đất hiệu quả khác đều được giao cho người sử dụng đất. Thị trường quyền sử dụng đất chỉ bị giới hạn bởi việc không được chuyển mục đích sử dụng đất và thời hạn giao đất. Thời hạn giao đất có thể thay đổi theo hướng kéo dài hơn để bảo đảm người đầu tư thu hồi được giá trị đầu tư, nhưng không vì lợi ích của cá nhân mà làm giảm lợi ích chung của xã hội, tức tuân thủ quy hoạch sử dụng đất và giá trị tăng thêm từ đất không do nhà đầu tư tạo ra phải trả về cho xã hội dùng chung.

    Sở hữu toàn dân tạo điều kiện để Nhà nước có thể chủ động trong kiểm soát nguồn tài nguyên đất đai cũng như điều tiết các quan hệ lợi ích đất đai có lợi cho quốc gia và cho người sử dụng đất trực tiếp. Nhà nước vừa có thể giao đất, thu hồi đất với các chế độ không thu tiền, có thu tiền, có bồi thường, không bồi thường… phù hợp với lợi ích của người sử dụng đất, hỗ trợ người nghèo, vừa tạo quỹ đất cho quá trình phát triển chung của đất nước mà không phải thỏa thuận quá phức tạp với các chủ thể sở hữu tư nhân. Sở hữu toàn dân cũng tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nâng cao hiệu quả tổng thể của sử dụng quỹ đất quốc gia và của từng địa phương.

    Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Mục tiêu của định hướng xã hội chủ nghĩa là nhằm xây dựng một xã hội bình quyền, trong đó con người không những được tự do, bình đẳng về mặt chính trị, mà còn được tự do, bình đẳng về mặt kinh tế, tức tự do, bình đẳng về sở hữu tư liệu sản xuất quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay đó là đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai là chế độ sở hữu chung của toàn xã hội vì lợi ích của toàn dân tộc Việt Nam. Trong chế độ sở hữu toàn dân, một số quyền được giao cho cơ quan nhà nước, một số quyền được giao cho người dân (cá nhân, gia đình hoặc tập thể) là thể chế giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, là tạo điều kiện cho người sử dụng đất phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế, thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của họ, đồng thời cũng tạo điều kiện để Nhà nước điều tiết quan hệ đất đai có lợi cho lợi ích quốc gia, chống lại các xu hướng dùng quyền sở hữu đất để nô dịch lao động của người khác./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét