Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG SỰ KIỆN 30.4 ĐỂCHỐNG PHÁ VẤN ĐỀ HÒA HỢP, HÒA GIẢI DÂN TỘC CỦA VIỆT NAM

 

Bất chấp những nỗ lực của Việt Nam về thực hiện vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc trong thời gian qua đã đạt được những kết quả hết sức to lớn; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố ngày càng vững chắc. Vậy mà, các thế lực thù địch vẫn cố tình đưa ra các thông tin, luận điệu sai trái, cố tình xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tiễn của Việt Nam.

1.Mọi người cần phải tôn trọng lịch sử và hướng đến một tương lai tốt đẹp:

Chiến thắng 30/4/1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, đưa giang sơn thu về một mối. Vậy mà, một số đối tượng thù địch vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật, truyền bá những tư tưởng hận thù, chống phá Việt nam. Điển hình như: Vừa qua, Thượng nghị sĩ Tom Umberg đã đệ trình trước Thượng viện California, Hoa Kỳ bản Nghị quyết SCR2 với những nội dung sai trái về chiến thắng 30/4 của Việt Nam. Ông ta gọi chiến thắng 30/4 của Việt Nam là “tháng tư đen”, là thời điểm tang tóc, tưởng nhớ, không chỉ cho những sinh mạng đã mất trong chiến tranh, mà còn là cuộc sống của những người Việt Nam trong cuộc đấu tranh lịch sử vì tự do và nhân quyền. Ông ta yêu cầu Việt Nam không nên khơi gợi lại quá khứ Sài Gòn thất thủ đau buồn, không ăn mừng chiến thắng 30/4 thì người Việt tại Mỹ mới chấp nhận hòa hợp dân tộc(!)

Nhân dịp kỷ niệm ngày lễ 30/4 vừa qua các đối tượng chống đối trong và ngoài nước tiếp tục đào xới, xuyên tạc quá khứ, làm cho một số người Việt Nam định cư tại nước ngoài có cái nhìn lệch lạc, phiến diện, hận thù, cực đoan đã tụ tập tiến hành kỷ niệm “ngày quốc hận”, đòi “phục hồi danh dự cho những người trong chế độ Việt Nam Cộng hòa”, đòi Việt Nam phải thừa nhận cuộc chiến vệ quốc là cuộc “nội chiến”. Núp dưới danh nghĩa hòa hợp, hòa giải dân tộc, các đối tượng cơ hội chính trị, phản động, chống phá đã đưa ra luận điệu cho rằng chỉ khi nào Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ quyền lãnh đạo đất nước, chỉ khi nào Việt Nam lựa chọn đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có thể thực hiện việc hòa hợp, hòa giải dân tộc(!!!)

Trong thực tiễn, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nhất quán chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc. Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Hòa hợp, hòa giải dân tộc phải dựa trên sự tôn trọng lịch sử; phải bảo đảm được lợi ích của quốc gia, dân tộc; phải xuất phát từ sự chân thành, thiện chí của tất cả các bên. Bản chất cuộc chiến vệ quốc của Việt Nam là sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng. Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của chính nghĩa và sức mạnh của sự đoàn kết dân tộc. Những luận điệu, yêu sách sai trái không phải xuất phát từ thiện chí hòa hợp, hòa giải dân tộc mà là một thủ đoạn để khoét sâu hận thù, kích động, gây thêm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của những thế lực chống phá đất nước cần phải đấu tranh bác bỏ.

2.Hòa hợp, hòa giải dân tộc là chủ trương nhất quán của Việt Nam:

Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam tại nước ngoài đã khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Chỉ thị số 45 – CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Thực tế, công tác hòa hợp, hòa giải dân tộc của Việt Nam đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Khối đại đoàn kết đã được củng cố, ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước, gắn bó với quê hương đất nước đã được phát huy. Trong đó, có thể kể đến một số ví dụ điển hình như: Ông Nguyễn Cao Kỳ, sau gần 30 năm rời xa đất nước, cuối năm 2003, ông đã nộp đơn xin về thăm quê hương và đến đầu năm 2004 đã được trở về Việt Nam đón Tết. Khi trả lời phỏng vấn báo chí, Ông đã cho biết: “gần 30 năm rồi, đất nước đã được thống nhất rồi, đang cần những người trong và ngoài nước bắt tay nhau phục hưng đất nước, đưa đất nước trở thành con rồng châu Á. Tất cả những kẻ vẫn muốn quay trở lại dĩ vãng, nói những chuyện không tưởng, cổ súy cho đánh đấm, phục hưng thế này, thế nọ, không hướng tới tương lai thì đều là những kẻ hại dân, hại nước”. Hoặc như Ông Hoàng Duy Hùng từng là một người chống Cộng khét tiếng ở hải ngoại với lời thề “quyết tâm lật đổ chế độ cộng sản”, từng xâm nhập về nước để thực hiện mưu đồ đánh bom tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi Ông tận mắt chứng kiến và trải nghiệm thực tiễn đời sống tại Việt Nam; thấy rõ giá trị của hòa bình, độc lập và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, quan điểm Ông đã thay đổi. Ông trở thành người ủng hộ Đảng Cộng sản, tham gia viết báo Đảng, phản bác lại các quan điểm thù địch, sai trái, các nhận định, đánh giá phiến diện, sai thực tế về tình hình Việt Nam.

Như vậy, không có chuyện phải thay đổi thể chế chính trị mới có thể hòa hợp, hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù như các thế lực thù địch tuyên truyền. Lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, là chất keo kết dính người Việt Nam ở mọi nơi trên thế giới. Để đất nước phát triển ngày càng vững mạnh, mọi người Việt Nam ở trong nước, cũng như ở nước ngoài cần phải nêu cao tinh thần yêu nước, xóa bỏ những định kiến, phát huy truyền thống đoàn kết, cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh trong thời gian tới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét