Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Lại là luận điệu chống phá của Nguyễn Văn Đài

 

Bầu cử đại biểu quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thế nhưng, đi ngược lại với mong muốn đó, với mưu đồ chống phá, các thế lực thù địch vẫn đang tiến hành nhiều hoạt động chống phá quyết liệt. Trong đó, có bài viết của Nguyễn Văn Đài “Tẩy chay bầu cử Quốc hội có vi phạm luật không”. Nguyễn Văn Đài đã viện dẫn Điều 27, Hiến pháp nước ta quy định về quyền công dân, quyền bầu cử để xuyên tạc, bình luận phiến diện, một chiều, quy chụp, hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, gieo rắc tư tưởng hoài nghi, nhận thức sai lầm và đặc biệt nguy hiểm là kích động, kêu gọi tẩy chay bầu cử Quốc hội khóa XV.

Một là, Nguyễn Văn Đài cho là: “công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tham gia bỏ phiếu bầu cử là quyền con người, quyền công dân chứ không phải là nghĩa vụ của công dân”. Nhìn lại lịch sử nước ta, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên 6/01/1946, một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ của thể chế dân chủ ở Việt Nam. Ngày ấy, đại đa số cử tri lần đầu tiên mới được thực hiện quyền bầu cử của mình, tất cả đều xúc động, tự hào vì đi bầu cử đối với họ là khẳng định quyền công dân, quyền được bình đẳng trong xã hội của một đất nước tự do. Sau đó đất nước bị chia cắt, đến năm 1976 mới lại có cuộc bầu cử thống nhất đất nước. Những cử tri ngày ấy cũng rất hân hoan khi cầm trên tay lá phiếu bầu tự do trên đất nước hòa bình, thống nhất. Từ đó đến nay, đa số người dân Việt Nam đều phấn khởi tham gia các cuộc bầu cử để bầu ra đại biểu Quốc hội.

Công dân đủ điều kiện trở thành cử tri, thông qua bầu cử để trực tiếp lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; hầu hết các đại biểu Quốc hội là tiếng nói đại diện cho quyền lực nhân dân trong hoạt động kiểm tra, giám sát, kiến nghị, góp ý và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật. Những quyết sách của Quốc hội đã thể hiện ý chí, nguyện vọng và tất cả vì nhân dân; đưa đất nước phát triển toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội. Như vậy, đi bầu cử không chỉ là sự thực hiện quyền công dân mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để lựa chọn cho mình những người đại diện và trao quyền cho họ thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại; để tương lai tươi đẹp hơn của đất nước, dân tộc, trong đó có cả chính mỗi gia đình và bản thân mỗi người dân.

Hai là, Nguyễn Văn Đài còn cho rằng: “tất cả những người mà được gọi là Đại biểu Quốc hội đều được tầng lớp chóp bu độc tài CSVN lựa chọn và quyết định từ trước”. Đây là nhận định phiến diện, hoàn toàn sai sự thật. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tại Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp nước ta quy định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vì vậy, việc Đảng lãnh đạo đối với công tác bầu cử là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội nhiệm kỳ mới, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý đối với đội ngũ đại biểu; tạo nền tảng cho việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu không có sự lãnh đạo chắc chắn nhiều vấn đề bất ổn sẽ nảy sinh, là mầm mống cho sự suy yếu của đất nước.

Nguyễn Văn Đài cho rằng; “Đã là quyền con người, quyền công dân thì mọi người có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền của mình”; rồi rêu rao cái gọi là tẩy chay và ra sức kêu gọi cử tri tẩy chay bầu cử Quốc hội. Điều 95, Chương X, Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân quy định: “Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”. Khoản 1, Điều 160, Bộ Luật hình sự quy định: Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Việc vận động cử tri không đi bầu cử của Đài là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân.

Như vậy, toàn bộ nội dung trong bài viết của Nguyễn Văn Đài chỉ là những luận điệu chống phá, những “lời vận động” kêu gọi cử tri không đi bầu cử…, đòi hỏi mỗi công dân cần đề cao cảnh giác; kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét