QĐND - Cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, các
thế lực thù địch trong và ngoài nước, những kẻ tự cho là “chiến sĩ đấu tranh
cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam”, chống “độc tài Đảng trị” và những phần tử
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lại xuyên tạc, bôi đen cuộc Cách mạng Tháng
Mười.
Gần
đây, chúng tập trung bôi nhọ Lênin-người trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng xã
hội chủ nghĩa (XHCN) đầu tiên, đồng thời đặt viên gạch đầu tiên xây dựng một
chế độ xã hội mới hướng tới sự tự do và bình đẳng cho mọi người. Trong mấy ngày
qua, nhiều kẻ đã nhắc tới chuyên khảo Sự tận cùng của lịch sử và con người
cuối cùng của Francis Fukuyama, giáo sư Đại học Johns Hopkins Mỹ. Tác giả
cho rằng, chủ nghĩa tư bản (CNTB) là hình thái cuối cùng của lịch sử nhân
loại…, đồng nghĩa với không bao giờ có một xã hội khác (hàm ý xã hội XHCN).
Với
cách mạng Việt Nam, chúng tập trung xuyên tạc thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ
Chí Minh-người đã tiếp nhận và truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin, khai sinh ra Đảng
Cộng sản Việt Nam và lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Gần đây, chúng
xuyên tạc các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược của quân và dân
ta là “cuộc nội chiến", "nồi da nấu thịt”, cuộc chiến tranh “ý thức
hệ”…, xuyên tạc rằng chế độ xã hội của dân tộc ta là “chế độ độc tài toàn
trị”…, cho rằng đường lối xây dựng xã hội XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam là
theo mô hình Xô viết, đường lối đối ngoại của Đảng ta là “đi dây”… Một số kẻ
suy thoái về chính trị đóng vai "người yêu nước" đưa ra “kiến nghị”
trên mạng: Đảng Cộng sản Việt Nam “chủ động”, thay đổi Cương lĩnh hiện nay sang
tư tưởng “dân chủ, dân tộc”-xem đó là “giải pháp chủ yếu để phát triển đất
nước”.
Ngày
nay, nhìn lại cuộc Cách mạng Tháng Mười trong tiến trình lịch sử thế giới nhân
loại trong thế kỷ 20 cho thấy:
Tính
tất yếu và giá trị bền vững của Cách mạng Tháng Mười đối với tiến trình lịch sử
nhân loại như thế nào?
Cách
mạng Tháng Mười không phải là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên của nhân loại.
Trước đó là sự kiện nổi dậy của giai cấp công nhân và thợ thủ công Paris (còn
gọi là Công xã Paris, ngày 18-3-1871 ở Pháp), song Công xã không tồn tại được
bao lâu. Đó là vì nhiều yếu tố cho một cuộc cách mạng vô sản chưa thật sự chín
muồi. Tính tất yếu, sức sống của Cách mạng Tháng Mười được xác lập bởi những
đặc trưng của thời đại đế quốc chủ nghĩa và học thuyết cách mạng của Mác-Lênin.
Không phải ngẫu nhiên mà cuộc bao vây chính trị-kinh tế, cuộc tấn công quân sự
của 14 nước đế quốc đã không thể đánh bại được Nhà nước Xô viết trong những
ngày còn trứng nước (1917-1918).
Nhiều
chính sách xã hội ưu việt của Nhà nước Xô viết đầu tiên (về xã hội như y tế,
giáo dục, nhà ở, phúc lợi... nói chung) vẫn đang tồn tại ở nhiều quốc gia trong
Liên bang Xô viết sau khi Liên Xô tan rã. Những chính sách này cũng đã tác động
đến các nhà nước tư bản chủ nghĩa (TBCN), hình thành các phong trào đấu tranh
cho dân chủ, hòa bình và phúc lợi xã hội. Đó là điều đã được cuộc sống ghi
nhận.
Có
thể nói, trong lịch sử nhân loại chưa có cuộc cách mạng nào có tác động mạnh
mẽ, rộng lớn và sâu xa như Cách mạng Tháng Mười. Cách mạng Tháng Mười đã lan
tỏa nhanh chóng trên toàn thế giới. Cho dù ngày nay vẫn còn một số kẻ xuyên
tạc, hạ thấp vai trò của Hồng quân Liên Xô trong chiến thắng của Đồng minh với
chủ nghĩa phát-xít, nhưng họ không thể phủ nhận được ảnh hưởng rộng lớn của
cuộc Cách mạng Tháng Mười và vai trò của Nhà nước Xô viết trong lịch sử nhân
loại. Cách mạng Tháng Mười “kích hoạt” phong trào giải phóng dân tộc, hình
thành nhiều chế độ xã hội mới tiến bộ hơn chế độ TBCN, trong đó có chế độ XHCN.
Như vậy, điều mà Francis Fukuyama cho rằng CNTB là “sự tận cùng của lịch sử…”
đã không được thực tế xác nhận. Trái lại, như chúng ta thấy ở nhiều quốc gia,
chủ nghĩa phát-xít mới ra đời, “chủ nghĩa dân túy-chủ nghĩa dân tộc cực đoan,
bài ngoại” lên ngôi.
Với
dân tộc ta, tác động của Cách mạng Tháng Mười như thế nào?
Trên
một số trang mạng gần đây có kẻ viết: Do “Hồ Chí Minh du nhập Chủ nghĩa
Mác-Lênin nên đã diễn ra các cuộc chiến tranh "nồi da nấu thịt”; cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc chiến tranh “ủy nhiệm”, chiến tranh
(bởi) “ý thức hệ”… Tiến trình lịch sử của dân tộc ta đã hoàn toàn bác bỏ những
luận điệu sai trái nói trên.
Còn
nhớ, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam là thuộc địa của thực dân
Pháp, chịu sự thống trị vô cùng tàn bạo. Từ Cách mạng Tháng Tám, lần đầu tiên
dân tộc ta được độc lập sau hàng trăm năm bị thực dân đô hộ, lần đầu tiên nhân
dân ta có nhà nước pháp quyền với chế độ chính trị tiên tiến-chế độ dân chủ,
cộng hòa. Có được những thành tựu vĩ đại đó là nhờ Cương lĩnh chính trị của
Đảng ta, do Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa
Mác-Lênin vào hoàn cảnh đất nước. Cũng từ tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc
và truyền thống yêu nước của ông cha ta, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp, đập tan âm mưu áp đặt chế độ thống trị của
chúng một lần nữa lên đất nước ta. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng
chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “…Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân
nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng
quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất
định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Cuộc
chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ (1954-1975) là sự tiếp nối cuộc chiến tranh
xâm lược của thực dân Pháp. Về phía dân tộc ta, cuộc kháng chiến chống đế quốc
Mỹ là sự tiếp nối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để bảo vệ độc lập dân
tộc, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Sự khác biệt với cuộc
chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp nếu có thì chỉ là đế quốc Mỹ có tiềm lực
lớn hơn, có tham vọng lớn hơn thực dân Pháp. Và sau khi thay chân Pháp, Mỹ đã
tạo dựng được một chính quyền tay sai trên một phần đất nước ta. Hoàn toàn
không có chuyện cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975) là cuộc
“nội chiến”, là cuộc chiến tranh "ý thức hệ”, chiến tranh “ủy nhiệm”.
Trong
cuốn hồi ký mang tựa đề Hồi tưởng [2] (xuất bản năm 1995),
Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người được xem là “kiến trúc sư”
cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ đã rút ra 11 sai lầm mà Mỹ đã mắc
phải trong cuộc chiến tranh này. Đáng chú ý có những sai lầm về tư tưởng chính
trị sau: “Chúng ta (Mỹ) đã đánh giá sai những chủ đích địa chính trị của các
đối thủ... và chúng ta đã phóng đại những mối nguy hại từ hành động của họ đối
với nước Mỹ” (sai lầm 1); “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân
tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ”
(sai lầm 3); “Chúng ta không chịu thừa nhận đánh giá của chúng ta về cái gì là
lợi ích tốt nhất của đất nước và dân tộc khác… Chúng ta không được Thượng đế ban
phát quyền nhào nặn mỗi dân tộc theo hình ảnh của chúng ta hay theo cách mà
chúng ta lựa chọn” (sai lầm 8).
Thời
gian gần đây, một trong những thủ đoạn mà những kẻ tự xưng là người “bất đồng
chính kiến”, chống “độc tài toàn trị”, những phần tử cơ hội chính trị, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” thường tiến hành là xuyên tạc, hạ thấp vai trò lãnh
đạo của Đảng ta bằng giọng điệu cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng kinh
tế theo mô hình Liên Xô”, hoặc “lệ thuộc vào Trung Quốc”…
Về
lập luận này, những ai có đôi chút kiến thức lịch sử thì đều có thể bác bỏ.
Công cuộc xây dựng xã hội XHCN từ năm 1975 đến nay có thể chia ra làm hai thời
kỳ: Từ năm 1975 đến 1986 và từ 1986 đến nay. Không phủ nhận rằng trong thời kỳ
từ năm 1975 đến 1986, mô hình xây dựng đất nước của Việt Nam có nhiều điểm theo
mô hình CNXH kiểu cũ. Tuy nhiên, giai đoạn này đã được thay đổi từ Đại hội VI
của Đảng (năm 1986). Từ đây, mô hình xây dựng xã hội XHCN của nhân dân ta theo
mô hình CNXH kiểu mới với nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; với
nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc những phần tử cơ hội về chính trị
cố tình “vơ đũa cả nắm”, cho rằng Đảng ta chủ trương xây dựng đất nước theo mô
hình bên ngoài, nếu không là một thủ đoạn chính trị xấu xa thì cũng là một sự nhận
thức ấu trĩ hết chỗ nói của họ.
Về
đường lối đối ngoại, những thủ đoạn xuyên tạc của các phần tử cơ hội rằng: Việt
Nam "đi dây” trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ; Việt Nam ngả theo
Trung Quốc để “giữ chế độ, giữ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”… đã bị
thực tế bác bỏ hoàn toàn. Thực hiện đường lối đối ngoại, “Đa phương
hóa, đa dạng hóa… các quan hệ quốc tế”, “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc
gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng
và cùng có lợi”, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ.
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Đảng ta đã xác định
rõ “đối tác” và “đối tượng” của cách mạng Việt Nam như sau: “Những ai tôn trọng
độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng,
cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành
động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
đều là đối tượng của chúng ta”… Trong đối tác có đối tượng và ngược lại.
Việc
bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ không có nghĩa “Việt Nam đi
dây”. Đó là tư duy chính trị cổ hủ, hoàn toàn trái với xu thế chính trị của
thời đại ngày nay.
Nguồn:WWW.qdnd.vn
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa