Tác phẩm chống “Đuy-rinh” của Ph. Ăngghen là tác phẩm mang
phong cách bút chiến, phê phán những tư tưởng sai trái của Học thuyết Đuy-rinh
trên tất cả các mặt Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa
học... Trong đó Ph. Ăngghen kịch liệt phê phán tư tưởng duy tâm, chủ quan, phi
lịch sử, phản khoa học của Đuy-rinh khi cho rằng: bạo lực là vĩnh viễn, chính
trị quyết định kinh tế, bạo lực quyết định kinh tế... Dựa trên cơ sở quan điểm
duy vật về lịch sử, Ph. Ăngghen khẳng định: một mặt, bạo lực phụ thuộc vào kinh
tế, mặt khác, bạo lực có vai trò tác động trở lại đối với kinh tế.
* Sự phụ thuộc của bạo lực vào kinh tế.
Ph. Ăngghen cho rằng, bạo lực chỉ là phương
tiện nhằm mục đích kinh tế. “Muốn dùng được một người nô lệ, người ta phải có
hai thứ: một là, có những công cụ và đối tượng lao động cho người nô lệ và hai
là, có những tư liệu để nuôi sống người nô lệ đó một cách nghèo nàn. Bởi vậy,
trước khi chế độ nô lệ có thể xuất hiện được, người ta đã phải đạt tới một
trình độ sản xuất nào đó và một trình độ bất bình đẳng nào đó trong việc phân
phối”. Vì thế, bạo lực phụ thuộc vào kinh tế.
Ph. Ăngghen phê phán quan điểm của Đuy- rinh cho
rằng: chế độ tư hữu ra đời là do bạo lực; đồng thời, ông khẳng định: chế độ tư
hữu ra đời là do nguyên nhân kinh tế, bạo lực chỉ là di chuyển sở hữu chứ không
đẻ ra chế độ tư hữu, sự vận động phát triển của xã hội là do nguyên nhân kinh
tế, không phải do bạo lực.
Ph. Ăngghen
cho rằng, bạo lực không đơn thuần là một hành vi của ý chí mà phụ thuộc vào
điều kiện tiên quyết đó là thực lực kinh tế. Bạo lực và thắng lợi của chiến
tranh phụ thuộc vào hai nhân tố: Thứ nhất là phụ thuộc vào vũ khí, vũ khí hoàn
hảo hơn phải thắng vũ khí kém hoàn hảo; và thắng lợi của bạo lực là phụ thuộc
vào điều kiện cơ sở, phương tiện vật chất mà bạo lực nắm trong tay, thắng lợi
của các cuộc chiến tranh trước hết phụ thuộc vào trình độ sản xuất và đường sá,
giao thông. Thứ hai là phụ thuộc vào nhân tố con người, nhân tố con người lại
phụ thuộc vào tình trạng kinh tế. Phương pháp tác chiến mới của bộ binh là kết
quả của sự thay đổi chất lượng vũ khí và chất lượng bên trong của người
lính.... “Toàn bộ tổ chức và phương thức chiến đấu của quân đội, và do đó,
thắng lợi và thất bại, đều tỏ ra là phụ thuộc vào những điều kiện vật chất,
nghĩa là điều kiện kinh tế, vào chất liệu của con người và của vũ khí, nghĩa là
vào chất lượng và số lượng của dân cư và của kỹ thuật”.
Ph. Ăngghen
đưa ra ba lập luận khẳng định, nguồn gốc của bạo lực có nguyên nhân từ kinh tế.
Một là, sự phát triển của lực lượng sản xuất đã làm xuất hiện các cơ quan có
chức năng tổ chức điểu khiển sản xuất, chính từ các cơ quan này đến lúc nào đó
biến thành cơ quan thống trị xã hội. Như vậy, bạo lực có nguyên nhân từ kinh
tế. Hai là, do sự phát triển của lực lượng sản xuất, nên sự phân công tự nhiên
trong gia đình có nhu cầu sử dụng thêm sức lao động của người ngoài. Người ta
đã thấy sức lao động có giá trị, do đó các tù binh trong các cuộc đụng độ vũ
trang không đem giết đi mà dùng tù binh vào lao động sản xuất, từ đó hình thành
hai giai cấp đối kháng. “Như vậy là bạo lực, đáng lẽ phải thống trị tình hình
kinh tế, thì ngược lại, buộc phải phục vụ tình hình kinh tế”. Ba là, do năng
suất lao động kém phát triển nên người lao động không thể tham gia công việc
chung của xã hội, do đó cần có một tổ chức thoát ly lao động thật sự, sự có mặt
của tổ chức chuyên môn hoá này sẽ tạo điều kiện cho sản xuất phát triển tốt hơn,
cùng với quá trình đó là sự xuất hiện chế độ tư hữu, dẫn tới hình thành tổ chức
thống trị chính trị, xã hội. Bởi vậy, không phải bạo lực quyết định kinh tế mà
ngược lại, kinh tế quyết định bạo lực.
* Tuy nhiên, bạo lực còn có vai trò tác động
trở lại đối với kinh tế.
Phê phán quan
điểm của Đuy-rinh cho rằng, “bạo lực là tội ác tuyệt đối”, Ph. Ăngghen khẳng
định, bạo lực là một hiện tượng lịch sử, nó là tất yếu của quá trình phát triển
xã hội trong điều kiện có giai cấp. “Bạo lực còn là bà đỡ cho mọi xã hội cũ
đang thai nghén một xã hội mới...”.
Ph. Ăngghen
chỉ rõ, bạo lực tác động đến kinh tế theo hai chiều hướng: “Hoặc nó tác động
theo ý nghĩa và chiều hướng của sự phát triển kinh tế có tính chất quy luật...
và sự phát triển kinh tế được đẩy nhanh hơn. Hoặc nó chống lại sự phát triển
kinh tế... Bất cứ sự chinh phục nào của một dân tộc kém văn minh tất cũng làm
rối loạn sự phát triển kinh tế và tiêu diệt vô số lực lượng sản xuất”.
Những tư tưởng cơ bản của Ph. Ăngghen về mối quan
hệ giữa kinh tế với bạo lực được trình bày ở trên, là cơ sở nền tảng để xây
dựng nên mối quan hệ giữa kinh tế với chiến tranh và quốc phòng, có tính chất
xuyên suốt, chi phối toàn bộ hệ thống lý luận kinh tế quân sự Mác - Lênin.
Trí Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét