QĐND - Trong một đánh giá mới đây
của hãng tin Bloomberg về mức độ ổn định tiền tệ của một số đồng tiền thuộc khu
vực châu Á, Việt Nam đồng (VND) được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định
nhất ở châu Á, đánh giá này được đưa ra dựa trên những con số so sánh thuyết
phục.
Kiểm soát tốt nhập siêu, kiều hối cao
Hãng tin Bloomberg đưa ra nhận định này
trong công bố mới đây dựa trên phân tích về biến động của đồng tiền Việt Nam
trong những tháng liên tiếp gần đây. Các chuyên gia trong nước thì cho rằng, sự
ổn định sẽ còn được duy trì đến hết năm nhờ những yếu tố tích cực của nền kinh
tế.
Theo những số liệu mà Bloomberg đưa ra, có
thể thấy đường đi của VND so với USD kể từ đầu năm đến nay tương đối bằng
phẳng. Biến động có chăng chỉ xảy ra ở những tháng đầu năm do yếu tố thời vụ.
Quan sát những số liệu này, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng,
thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, ông
cũng có nhận định trùng khớp với Bloomberg với 2 lý do căn bản
là:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành tỷ
giá theo hướng tỷ giá trung tâm và qua đó tỷ giá cũng ổn định hơn. Về cầu nhập
siêu kiểm soát tốt hơn, 9 tháng thì nhập siêu ở mức 0,44 tỷ USD, trong khi đó
nguồn cung lại rất dồi dào ở cả khía cạnh giải ngân FDI, ODA, kiều hối và khách
quốc tế đến Việt Nam tăng 28%.
Thứ hai, theo con số chính xác mà Ngân hàng Thế giới (WB)
mới công bố cho chúng ta biết, kiều hối của Việt Nam năm 2016 là 13,4 tỷ USD,
tăng khoảng 3% so với năm 2015. Dự báo kiều hối năm nay sẽ tăng ở mức khoảng
5-7%, như vậy, mức kiều hối về Việt Nam năm 2017 dự kiến sẽ vượt con số 14 tỷ
USD và Việt Nam tiếp tục là 1 trong 15 nước dẫn đầu về kiều hối.
Thu hút vốn FDI 10 tháng vượt chỉ tiêu cả năm
Trong một báo cáo mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế
hoạch và Đầu tư), mục tiêu thu hút FDI cả năm 2017 là 25 tỷ USD nhưng chỉ trong
10 tháng đã đạt 28,24 tỷ USD, vượt 12% chỉ tiêu đề ra của cả năm. Con số này
tính cả vốn cấp mới, tăng thêm và vốn góp mua cổ phần, tăng 37,4% so với cùng
kỳ năm 2016. Điều quan trọng là vốn thực hiện cũng được đánh giá là khả quan
khi ước tính các dự án FDI trong 10 tháng qua đã giải ngân được 14,2 tỷ USD,
tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Cùng chung nhận định về sự ổn định giá trị của đồng Việt
Nam, ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh,
thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cũng cho
rằng, dòng vốn nước ngoài rút ra khỏi các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan
khá mạnh trong khi tại Việt Nam lại không phải chịu hiện tượng rút vốn ồ ạt của
nước ngoài. Trái lại, Việt Nam lại thu hút được thêm đầu tư nước ngoài, kể cả
đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán. Qua 9 tháng
năm 2017, riêng đầu tư vào mua cổ phần và cổ phiếu đã lên tới 4,2 tỷ USD, cao
gấp 3 lần năm 2016. Đây cũng là nhờ vào chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam
rất ổn định.
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD chỉ tăng 1%. Đây là mức
ổn định nếu so với nhiều loại tiền tệ khác trong khu vực. Riêng tại TP Hồ Chí
Minh, 10 tháng năm 2017 đã thu hút được 5,03 tỷ USD vốn đăng ký, tăng gấp đôi
so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đầu danh sách các địa phương thu hút FDI. TP Hồ
Chí Minh cũng là thành phố luôn dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối chuyển về. Năm
nay, dự báo kiều hối về TP Hồ Chí Minh sẽ tăng trưởng 10%, lên khoảng 5,5 tỷ
USD. Ngoài các yếu tố mùa vụ thì dự báo lần tăng lãi suất tiếp theo của Fed vào
tháng 12 cũng đặt áp lực lên VND.
Dự báo từ nay đến cuối năm, áp lực lên VND sẽ tăng dần bởi
các yếu tố mùa vụ, đặc biệt là nhu cầu ngoại tệ để nhập hàng Tết diễn ra từ sau
tháng 10. Tuy nhiên, với sự ổn định vốn có, kiều hối sẽ đổ về nhiều, bổ sung
tốt cho nguồn cung ngoại tệ cuối năm.
Nguồn: WWW.qdnd.vn
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa