1. Quan niệm và tiêu xác
định quan điểm sai trái, thù địch
1.1. Quan niệm về quan
điểm sai trái, thù địch
Theo Từ điển tiếng Việt,
“quan điểm”: 1 điểm xuất phát quy định hướng suy nghĩ, cách xem xét, đánh giá
về một sự vật, hiện tượng nào đó: Quan điểm giai cấp; có quan điểm sống đúng
đắn. 2 cách nhìn, cách suy nghĩ: Trình bày rõ quan điểm của mình; bất đồng quan
điểm[1].
Còn “sai trái” là không
đúng, không phù hợp với lẽ phải: việc làm sai trái, hành động sai trái[2]. Như
vậy, sai trái có cả ở trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn. Sai trái
trong nhận thức, được biểu hiện ở những hiểu biết (tri thức) không đúng, sai
lầm. Những tri thức này trái với những tri thức đúng, tức là trái với chân lý.
Quan điểm sai trái là
những quan điểm không đúng về mặt khoa học và thực tiễn. Đó là loại quan điểm
có nội dung phản khoa học, phi thực tiễn. Quan điểm sai trái thể hiện ở nhiều
lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở góc độ chính trị xã hội, đó là những quan điểm
sai trái có liên quan đến vấn đề giai cấp, nhà nước, đảng phái chính trị… Có
nhiều nguyên nhân dẫn đến quan điểm sai trái, có thể do trình độ nhận thức còn
thấp, do ngộ nhận, do phương pháp nhận thức không đúng của chủ thể,…
Theo Từ điển tiếng Việt,
“thù địch” là kẻ ở phía đối lập, có mối hận thù một cách sâu sắc: những phần tử
thù địch, hai người là thù địch của nhau; chống đối lại một cách quyết liệt vì
lẽ sống còn: thái độ thù địch[3]. Quan điểm thù địch, trước hết là quan điểm
sai trái, nhưng đối lập về lợi ích và lập trường giai cấp của một chủ thể với
một chủ thể khác. Chủ thể của quan điểm thù địch thường là chủ thể đối lập về
lập trường tư tưởng, chính trị, về lợi ích giai cấp, quốc gia, dân tộc. Nguyên
nhân sâu xa dẫn đến quan điểm thù địch là do đối lập nhau về lợi ích và lập
trường giai cấp, nguyên nhân trực tiếp là do mục đích, động cơ của chủ thể.
Quan điểm sai trái, xét
về mặt lập trường giai cấp, tuy không phải là quan điểm thù địch, nhưng trong
những trường hợp cụ thể, có thể có quan điểm sai trái cụ thể trùng với quan
điểm thù địch. Trong những trường hợp này, chủ thể của quan điểm sai trái là
đồng minh tự nhiên của chủ thể có quan điểm thù địch tương tự. Nhưng ngay cả ở
đây, lập trường của hai chủ thể này là hoàn toàn khác nhau. Họ chỉ ngẫu nhiên
có sự “gặp nhau” về mặt quan điểm. Rõ ràng, cùng một nội dung quan điểm giống
nhau, nhưng động cơ và mục đích của các chủ thể là hoàn toàn khác nhau. Do đó, không
thể đánh đồng bản chất cũng như mục đích của các quan điểm là như nhau.
Đối với chúng ta, quan
điểm sai trái, thù địch là tập hợp những quan điểm không đúng về khoa học và
thực tiễn; đối lập về lợi ích và lập trường giai cấp công nhân – dân tộc Việt Nam.
Những quan điểm của các chủ thể (cá nhân, tổ chức…) gây nên những tác hại về
mặt nhận thức, tư tưởng trong xã hội, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia –
dân tộc và nhân dân Việt Nam; chống lại Đảng Cộng sản, Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại an ninh quốc gia, đến độc lập, tự chủ, chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam… được xem là quan điểm sai trái, thù địch.
Quan điểm sai trái có thể
là của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Quan điểm thù địch là quan điểm của các thế
lực thù địch. Nhưng, như trên đã nói, quan điểm sai trái cũng có thể trở thành
quan điểm thù địch khi mức độ sai trái trở nên nghiêm trọng, nó không còn là
sai trái về mặt nhận thức, quan điểm mà chuyển thành sai trái trong cả lập
trường chính trị, lợi ích giai cấp. Khi đó chủ thể của quan điểm sai trái tự
trở thành chủ thể của quan điểm thù địch, dù không mong muốn, và vô hình trung
họ rơi vào vị trí của “các thế lực thù địch” về mặt quan điểm. Quan điểm (tư
tưởng) hướng dẫn hành động. Những quan điểm sai trái, bất kể là của ai, nếu
không được uốn nắn, sửa chữa kịp thời, sớm hay muộn cũng sẽ hướng chủ thể của
nó tới những hành động thực tiễn để thực hiện quan điểm đó trên thực tế. Khi đó
quan điểm sai trái không còn thuần túy là quan điểm mà nó đã được hiện thực
hóa, thực tiễn hóa trong đời sống xã hội ở những mức độ khác nhau.
Cũng cần thấy rằng, các
thế lực thù địch không phải lúc nào, cũng không phải họ chỉ toàn có quan điểm
thù địch đối với chúng ta, mặc dù giữa họ và chúng ta đối lập nhau về lợi ích,
về lập trường, quan điểm giai cấp. Song có thể giữa chúng ta và họ vẫn có những
quan điểm tương đồng, chung, giống nhau. Thậm chí họ có thể có những quan điểm
tích cực, tiến bộ mà chúng ta có thể kế thừa, tiếp thu, nếu biết gạt bỏ những
định kiến giai cấp hẹp hòi, thiển cận. Điều này có ý nghĩa phương pháp luật rất
quan trọng: khi phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không được
tách rời quan điểm với nhân thân chủ thể quan điểm đó, nhưng cũng không được
đồng nhất tuyệt đối quan điểm với nhân thân chủ thể của nó. Bản thân “các thế
lực thù địch” cũng là một khái niệm “động” và “mở”. Nó không cố định cho một
đối tượng bất biến nào, mà luôn có sự vận động, chuyển hóa biện chứng, có thể
hôm nay chủ thể này là bạn với ta nhưng ngày mai cũng có thể là thế lực thù địch
và ngược lại. Song, để nhận diện rõ các thế lực thù địch thì phải dựa trên một
nguyên tắc nhất quán là: bất cứ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá
mục tiêu của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là thế lực
thù địch. Điều này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn trong điều kiện hiện nay khi
chúng ta chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng, với
phương châm “thêm bạn, bớt thù” để góp phần giữa vững nền độc lập, tự chủ của
đất nước.
1.2. Tiêu chí xác định
quan điểm sai trái, thù địch
Thứ nhất, quan điểm đó
không đúng về mặt khoa học, nghĩa là nó không phản ánh một vấn đề khoa học thực
sự, không mang lại một giá trị khoa học thực sự; đối tượng mà nó phản ánh là
không rõ ràng; mang nặng tính chủ quan, thiên kiến, tư biện và thiếu tính khách
quan khoa học trong phương pháp xem xét; luận giải thiếu tường minh, ngụy biện,
thiếu tính tin cậy.
Thứ hai, quan điểm đó
không đúng về mặt thực tiễn. Ở đây không phải là thực tiễn chung chung trừu
tượng, cũng không phải là thực tiễn mù quáng hay thực tiễn của những cá nhân
hoặc nhóm người đơn lẻ. Đó là thực tiễn cách mạng sáng tạo và đổi mới của đất
nước, dân tộc và nhân dân; là thực tiễn được soi sáng, dẫn dắt bởi lý luận tiên
phong của thời đại; là thực tiễn phổ quát được lặp lại “hàng nghìn triệu lần”
bởi đông đảo quần chúng nhân dân đã và đang tiến hành hoạt động một cách hữu
ích và hiệu quả vì sự phát triển của đất nước, sự tiến bộ xã hội.
Thứ ba, quan điểm đó
không đúng về mặt chính trị (lập trường giai cấp). Về thực chất, quan điểm đó
không xuất phát từ lợi ích, lập trường của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt
Nam; đi ngược với lợi ích quốc gia – dân tộc và nhân dân ta. Hoặc có đại diện
cũng chỉ là đại diện cho nhóm nhỏ, bộ phận, không phải đại diện cho toàn bộ
giai cấp công nhân, nhân dân hay toàn bộ quốc gia – dân tộc Việt Nam.
2. Một số dạng quan điểm
sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng,
Nhà nước ta hiện nay
Từ quan niệm và dựa vào
các tiêu chí trên đây, có thể nêu một số dạng quan điểm sai trái, thù địch
chống phá nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta hiện
nay:
2.1. Dạng thứ nhất: Phủ
nhận hoàn toàn, hoặc phủ nhận những nội dung cơ bản chủ nghĩa Mác – Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách,
pháp luật của Nhà nước ta (phủ định sạch trơn và phủ định có chủ đích, có chọn
lọc)
Mục đích: Tấn công vào
chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò nền tảng tư tưởng
của Đảng, Nhà nước ta, đòi thay chủ nghĩa Mác – Lênin bằng hệ tư tưởng khác;
phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đả kích chế độ xã hội chủ
nghĩa và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhằm hướng lái đất nước ta đi
theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Về nội dung: Tấn công vào
những nội dung cốt lõi, những giá trị căn cốt của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ thể:
– Phủ định chủ nghĩa Mác
– Lênin.
Trong triết học: Họ phê
phán phép biện chứng duy vật mácxít là phương pháp đại ngụy biện, “nói thế nào
cũng được”. Phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế – xã hội – xương sống của chủ
nghĩa duy vật lịch sử. Họ cho rằng hình thái kinh tế – xã hội chỉ là một lý
thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được, theo đó,
sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu, Liên Xô là một tất yếu, được dự
báo trước, có căn nguyên từ lý thuyết hình thái kinh tế – xã hội nói trên. Phủ
nhận học thuyết đấu tranh giai cấp của C. Mác, phủ nhận vai trò động lực đấu tranh
giai cấp trong xã hội có sự phân chia giai cấp. Phủ nhận lý luận mácxít về con
người: cho rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đề cao quyền tập thể, phủ nhận quyền cá
nhân, tức phủ nhận quyền con người.
Trong kinh tế chính trị:
Phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác, cho rằng học thuyết đó không
còn đúng trong điều kiện hiện nay, khi mà chủ nghĩa tư bản đã tự điều chỉnh và
thích nghi, quan tâm nhiều hơn tới người lao động, quan hệ bóc lột giữa tư bản
và lao động cũng không còn như trước nữa, công nhân cũng không còn là “vô sản”
như trước đây, một bộ phận công nhân đã gia nhập tầng lớp trung lưu, có mức
sống khá. Ở nhiều nước tư bản, một số công nhân đã có cổ phần và trở thành cổ
đông trong các công ty cổ phần, họ cũng là một thành phần tham dự phân phối lợi
nhuận, v.v..
Trong chủ nghĩa xã hội
khoa học: Phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Cho rằng giai cấp
công nhân không có đủ trình độ, năng lực và điều kiện để lãnh đạo xã hội. Cho
chủ nghĩa xã hội khoa học là học thuyết “viển vông”, đem áp dụng vào thực tế
chỉ sinh ra những “quái thai của lịch sử”. Mô hình chủ nghĩa xã hội mà C. Mác
đưa ra là “ảo tưởng”, không bao giờ thực hiện được.
– Phủ định tư tưởng Hồ
Chí Minh.
Một mặt, họ cho rằng Hồ
Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, không phải là người mácxít, không
theo chủ nghĩa cộng sản; chỉ lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm phương tiện. Mặt
khác, lại hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, cho Hồ Chí Minh không có tư tưởng
riêng, chỉ cóp nhặt tư tưởng của những người khác. Cả hai quan niệm này đều phủ
định mối liên hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với một trong những nguồn gốc hình
thành của nó là chủ nghĩa Mác – Lênin. Do đó, về thực chất, các quan điểm này
đều nhằm phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh.
– Công kích, xuyên tạc
đường lối, quan điểm của Đảng ,chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.
Tập trung phủ nhận con
đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, phủ nhận mục tiêu của chủ nghĩa xã hội;
ca ngợi chủ nghĩa tư bản và con đường tư bản chủ nghĩa. Họ cho rằng: “Quá độ
lên chủ nghĩa xã hội là con đường vòng quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa
tư bản”. Sau khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, có
quan điểm cho rằng, hiện nay ở các nước này đang thực hiện một bước “quá độ
ngược từ chủ nghĩa xã hội về chủ nghĩa tư bản” (!). Cùng với phủ nhận con đường
quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, họ cũng phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa
trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Các quan điểm sai trái, thù
địch cho rằng định hướng xã hội chủ nghĩa là một thứ định hướng “tù mù”, “hư
ảo”, vì xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản muốn hướng đến là một xã hội
không có thực, chính chủ thể định hướng là Đảng Cộng sản cũng còn chưa hình
dung được nó là như thế nào (!). Do đó, nên gác lại mục tiêu xã hội chủ nghĩa
và trở về với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là con đường đúng đắn nhất.
Phê phán pháp luật Việt
Nam, các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận tính hợp hiến, hợp pháp và tính
chính đáng về sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội; tập trung phủ nhận Điều 4
trong Hiếp pháp năm 2013 của nước ta quy định Đảng Cộng sản Việt Nam lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Các quan điểm này cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam
hiện nay đã hết vai trò lịch sử. Đảng cầm quyền là không chính đáng, vì không
được bầu lên.
Về phương thức: Tấn công
trực tiếp/trực diện vào nền tảng tư tưởng và quan điểm, đường lối của Đảng ta
và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Kích hoạt các hành động “phản kháng”
trong xã hội đối với các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà
nước. Đồng nhất bản chất của Đảng ta với những hiện tượng biểu hiện sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên
thoái hóa, biến chất, từ đó quy chụp mọi khuyết điểm, sai lầm thuộc về Đảng,
phủ nhận công lao của Đảng. Một số sử dụng các chiêu thức quen thuộc: ngụy
biện, công kích nói xấu, bôi đen, suy diễn vô căn cứ, hạ bệ thần tượng đối với
cá nhân các lãnh tụ của Đảng Cộng sản.
2.2. Dạng thứ hai: Chia
cắt các bộ phận, các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, chia cắt tư tưởng của các nhà kinh điển; chia cắt tư tưởng Hồ Chí
Minh với quan điểm của Đảng ta
Mục đích: Làm mất/phá vỡ
tính chỉnh thể, tính liên tục phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, phủ nhận từng mảnh, từng bộ phận và tiến tới phủ nhận toàn bộ chủ
nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho bên tiếp nhận thông tin có
định hướng tư duy sai lầm, dẫn đến những nhận định, quan điểm sai lầm.
Nội dung: Đem đối lập tư
tưởng của C. Mác thời trẻ và tư tưởng C. Mác lúc trưởng thành. Đối lập tư tưởng
của C. Mác với tư tưởng của Ph. Ăngghen; tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen với
tư tưởng của V. I. Lênin. Đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác –
Lênin: cắt rời mối liên hệ tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin, cho
rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn hiện
nay, không phù hợp với Việt Nam, chỉ nên dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh. Tách rời
hoặc đối lập những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin với những người phát
triển về sau, muốn xoá bỏ toàn bộ chủ nghĩa Mác – Lênin. Hoặc giả đề cao tư
tưởng của người này phủ nhận tư tưởng của người kia, thực chất là phủ định tất
cả. Chẳng hạn, lợi dụng đề cao tư tưởng (dân tộc) Hồ Chí Minh để đòi xóa bỏ chủ
nghĩa Mác – Lênin.
Về mối liên hệ giữa tư
tưởng Hồ Chí Minh với quan điểm, đường lối của Đảng ta, các quan điểm sai trái,
thù địch cố tách rời hoặc phủ nhận mối liên hệ hữu cơ này. Họ cho rằng Đảng ta
lấy tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng, “kim chỉ nam” cho hành động, song thực
chất chỉ là “bình phong”, “lá chắn” cho những hành động sai trái, Đảng “nói vậy
mà không phải vậy” (!). Trên thực tế, Đảng đang ngày càng rời xa tư tưởng Hồ
Chí Minh, không làm đúng những “di huấn”, những “chỉ dẫn” của Người (!). Họ cho
rằng, “con đường Bác Hồ đã chọn là con đường dân tộc, không phải chủ nghĩa xã
hội”, “Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là
không đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn”(!).
Phương thức: Tìm những
điểm khác biệt trong tư tưởng của các nhà kinh điển để so sánh với nhau, từ đó
đối lập hoá tư tưởng của các nhà kinh điển, làm cho tư tưởng của họ trở nên
trái ngược và mâu thuẫn với nhau, bất chấp điều kiện lịch sử, hoàn cảnh ra đời
của những tư tưởng đó; che giấu, xuyên tạc mối liên hệ lôgích nội tại, tính
chỉnh thể – toàn vẹn và xu hướng phát triển có sự bao hàm và kế thừa nhau trong
quá trình hình thành, phát triển tư tưởng của các nhà kinh điển, cũng như giữa
các nhà kinh điểm với nhau.
2.3. Dạng thứ ba: Xuyên
tạc, bóp méo nội dung của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường
lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam
Mục đích: Làm cho nhiều
người (do trình độ lý luận thấp) không phân biệt được đúng sai; đánh đồng các
quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin là như nhau, và về mặt bản chất là sai.
Nội dung: Tấn công vào
những tư tưởng của các nhà kinh điểm trước đây đúng và hiện nay vẫn đúng và vẫn
còn giá trị lâu dài, – đó là những nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa Mác –
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt tập trung vào những tư tưởng trước đây
đúng nhưng hiện nay có biểu hiện không phù hợp với thực tiễn mới và một số tư
tưởng cụ thể đã bị thực tiễn lịch sử vượt qua, đặc biệt thực tiễn ở Việt Nam
cần phải bổ sung, hoàn thiện; những tư tưởng ngay từ thời các nhà kinh điển còn
sống đã thừa nhận là không đúng và những tư tưởng trước kia chúng ta nhận thức
chưa đúng, cần phải nhận thức lại cho đúng.
Phương thức: Tiến công từ
“điểm” đến “diện”; pha trộn, cắt xén, khoét sâu vào những tư tưởng của các nhà
kinh điển có biểu hiện không phù hợp với thực tiễn mới cần phải bổ sung, hoàn
thiện hoặc đã bị thực tiễn mới vượt qua. Từ đó rút ra kết luận rằng: Chủ nghĩa
Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp với thực
tiễn, với thời đại, không nên tin và đi theo.
2.4. Dạng thứ tư: Đem đối
lập một cách siêu hình, phiến diện và khiên cưỡng lý luận và thực tiễn để vừa
phủ nhận lý luận khoa học vừa phủ nhận thực tiễn cách mạng của chúng ta; đánh
đồng những hạn chế của lý luận và thực tiễn; dùng những sai lầm, hạn chế của
thực tiễn do chủ quan của chúng ta để làm căn cứ phủ định lý luận, cho lý luận
đang cản đường thực tiễn
Mục đích: Phủ nhận đối
với Đảng, Nhà nước ta trên cả hai bình diện lý luận và thực tiễn, từ đó phủ
nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước ta.
Nội dung: Dùng lý luận để
phê phán thực tiễn của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời dùng thực tiễn để kiểm
chứng phản bác lý luận, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước ta.
Phương thức: Ngụy biện,
lợi dụng những yếu kém, hạn chế của chúng ta cả trong công tác lý luận và thực tiễn
tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước để tập trung chống phá, hạ thấp, phủ nhận những thành tựu mà chúng ta đã
đạt được; “thổi phồng, bơm to” những khuyết điểm, yếu kém của chúng ta.
Nhận diện, nhận dạng các
quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối
của Đảng, Nhà nước ta chính là “chỉ mặt, gọi tên” và làm “hiện hình” nguyên bản
các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là một quá trình không hề dễ dàng, không
làm một lần là xong, mà luôn phải được bổ sung, phát triển. Bởi lẽ, nhận thức
là một quá trình “đi sâu một cách vô hạn”, ngày càng tiệm cận đầy đủ, sâu sắc
về bản chất đối tượng mà nó phản ánh. Hơn nữa, các quan điểm sai trái, thù địch
cũng không phải là bất biến, mà bản thân nó cũng vận động, biến hình, biến dạng
để thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh và tình hình mới. Chủ thể của các
quan điểm sai trái, thù địch cũng không ít thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để “phù
phép”, “biến hóa” các quan điểm của họ, kể cả “giả danh”, “khoác áo” của chúng
ta để chống lại chính chúng ta. Để nhận dạng đúng các quan điểm sai trái, thù
địch, cần phải dựa chắc vào thế giới quan và phương pháp luận mácxít, đứng vững
trên lập trường giai cấp công nhân, xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc,
bình tĩnh, tỉnh táo xem xét, xử lý thấu đáo vấn đề; không được đơn giản, hời
hợt, vội vàng./.
Nguồn: Nhân Văn Việt