Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Bác bỏ cái gọi là “Thư ngỏ kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc không bỏ phiếu thuận cho Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc”

 

Vừa qua, tại khóa họp thường kỳ lần thứ 49 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, Việt Nam ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025. Lợi dụng sự kiện này, một số tổ chức chống đối đã phát tán cái gọi là “Thư ngỏ kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc không bỏ phiếu thuận cho Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc”. Đây là sự thể hiện bộ mặt phản động của những kẻ giả danh dân chủ, là sự xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu ở trong nước, nỗ lực, tích cực, trách nhiệm của Việt Nam với hoạt động nhân quyền quốc tế.

Thứ nhất, các tổ chức ký vào cái gọi là “Thư ngỏ” không phải là tổ chức hợp pháp, không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam

Đám ô hợp này gồm: Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Tổ Chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đảng Nhân Bản Xã Hội, Họp Mặt Dân Chủ, Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc, Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi. Đây là các tổ chức bất hợp pháp, không được pháp luật và nhân dân Việt Nam thừa nhận. Thành viên của các tổ chức là ô hợp các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Chúng thường xuyên cấu kết với các thế lực thù địch, phản động cả trong và ngoài nước có các hoạt động xuyên tạc, bịa đặt tình hình mọi mặt ở Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, làm phương hại đến ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cuộc sống yên bình của nhân dân cũng như uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, các tổ chức này không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân Việt Nam, chỉ là tay sai, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động mà thôi.

Thứ hai, Việt Nam là quốc gia đạt được nhiều thành tựu về nhân quyền

Những thành tựu về nhân quyền ở Việt Nam thể hiện toàn diện trên mọi lĩnh vực. Trước hết, là những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế – xã hội. Sau hơn 35 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô 14 tỷ USD (năm 1985), đến năm 2020 tăng lên 343 tỷ USD (tăng 24,5 lần), GDP bình quân đầu người 3.521 USD. Năm 2020, tạp chí The Economist đã xếp Việt Nam trong danh sách 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2020 do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố tăng 7 bậc so với năm 2019, đưa Việt Nam vào nhóm nước có tốc độ tăng chỉ số HDI cao nhất thế giới. Trong nhiều năm liền, Việt Nam duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế trên 6%.

Các chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng, an toàn, an sinh xã hội được quan tâm thúc đẩy và thực hiện đồng bộ, đem lại kết quả tích cực. Tỷ lệ người nghèo giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020), bình quân giảm 1,42% mỗi năm; cả nước có gần 3 triệu người nghèo, người yếu thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; tuổi thọ trung bình tăng 4,8 năm; số năm đi học tăng 4,3 năm… Quyền giáo dục, y tế, nhà ở đều được cải thiện mạnh mẽ, trong đó 63 tỉnh thành đã phổ cập giáo dục mầm non và phổ cập giáo dục tiểu học. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hàng ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hàng năm.

Việt Nam đảm bảo tốt quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt ở Việt Nam. Khoảng 70% dân số Việt Nam sử dụng Internet và điện thoại di động, trong đó 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G. Năm 2020, số người dùng Facebook ở Việt Nam là gần 70 triệu người, chiếm 70,1% dân số. Trong lĩnh vực báo chí, tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động, 779 cơ quan báo chí, 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị Việt Nam đã vào cuộc để đảm bảo quyền cơ bản nhất của con người là quyền sống. Với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng loạt chính sách an sinh xã hội, phòng, chống Covid-19, nhất là bao phủ vaccine đã được Chính phủ triển khai tích cực, hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ, bảo đảm ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo trong đại dịch Covid-19.

Cùng với những thành tựu về nhân quyền ở trong nước, Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người. Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế khác. Việt Nam từng được bầu là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2014 – 2016. Năm 2016 và 2018, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và được Hội đồng nhân quyền thông qua 2 nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em và đối với quyền phụ nữ. Việt Nam cũng tích cực tham gia đối thoại về quyền con người với nhiều quốc gia, như Mỹ, Australia, Thụy Sỹ và EU, nhằm nâng cao hơn sự hưởng thụ quyền của người dân ở mỗi quốc gia….

Từ những luận giải trên cho thấy, Việt Nam đủ điều kiện tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, thống nhất nhận thức về sự kiện này, chúng ta cũng luôn nêu cao cảnh giác, vạch trần, đấu tranh bác bỏ những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước, đặc biệt là vị thế, uy tín của Việt Nam trên các diễn đàn và các tổ chức quốc tế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét