Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN THÀNH MỘT ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ KHÔNG PHẢI LÀ TỪ BỎ MỤC TIÊU CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

           Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với cách mạng nước ta. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện chủ trương về phát triển KTTN. Từ tư duy phải xóa bỏ, đến nay Đảng ta khẳng định KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây là chủ trương đúng đắn với thực tiễn vận động của các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Tuy nhiên, nó trở thành “cơ hội” cho các luận điệu chống phá, xuyên tạc, bóp méo. Chứng minh tính khoa học, đúng đắn của chủ trương phát triển KTTN sẽ là căn cứ phản bác và khiến cho lực lượng thù địch phải tâm phục, khẩu phục.

Kỳ I: Luận điệu chống phá và cơ sở phản bác

Trước yêu cầu của thực tiễn phát triển lực lượng sản xuất (LLSX), xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội (CNXH), Đảng ta chủ trương đột phá phát triển KTTN, coi nó là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Điều đó không chỉ được thể hiện trong nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng mà còn được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân. Ngày 3 tháng 6 năm 2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết đánh giá cao vai trò, sự đóng góp to lớn của KTTN về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy tăng năng suất lao động, tỷ trọng đóng góp vào GDP, quy mô doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội... Đồng thời xác định rõ quan điểm, chủ trương, mục tiêu, giải pháp phát triển KTTN đến năm 2030.

Phát triển KTTN là sự phát triển tư duy lí luận về sử dụng các thành phần kinh tế cho mục đích xây dựng CNXH. Tuy nhiên, nó trở thành “cơ hội” cho các thế lực thù địch xét lại, chống phá, xuyên tạc gây hoang mang, hoài nghi, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đứng ở vị trí hàng đầu của các quan điểm chống phá là luận điệu cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam coi KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế là thừa nhận bóc lột, thừa nhận quan hệ sản xuất (QHSX) tư bản chủ nghĩa (TBCN), là từ bỏ mục tiêu CNXH. Bên cạnh đó một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hoài nghi tính đúng đắn của chủ trương này, dẫn tới hoài nghi con đường đi lên CNXH. Vậy thừa nhận và tạo điều kiện cho KTTN phát triển kinh tế có phải là Đảng ta đã từ bỏ mục tiêu CNXH? Đây là vấn đề lớn cả về lý luận và thực tiễn cần được luận giải khoa học, thuyết phục. Dựa trên lý luận kinh tế của Chủ nghĩa Mác- Lênin và thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam, chúng ta có đủ cơ sở khoa học để khẳng định rằng chủ trương phát triển KTTN không phải là từ bỏ mục tiêu CNXH, mà ngược lại là sử dụng chính nó để rút ngắn hơn chặng đường ở thời kỳ quá độ (TKQĐ) đi lên CNXH. Điều đó được luận giải trên các vấn đề sau đây:

Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra trong TKQĐ cần thiết phải sử dụng các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa cho mục đích xây dựng CNXH. Về xây dựng QHSX trong TKQĐ lên CNXH, V.I.Lênin đã khẳng định: “Không thể quá độ trực tiếp lên CNXH mà phải qua con đường gián tiếp, không thể quá vội vàng, thẳng tuột, không được chuẩn bị”[1]. V.I.Lênin chỉ rõ cần xây dựng QHSX mới thông qua con đường gián tiếp là CNTB nhà nước: “Việc chuyển sang chủ nghĩa cộng sản, thì cần thiết phải có những bước quá độ như CNTB nhà nước”[2]. Bước quá độ thông qua CNTB nhà nước thể hiện trong chính sách kinh tế mới mà việc trao đổi hàng hóa được coi là “đòn xeo chủ yếu”[3], trong đó, cần thiết phải có sự nhượng bộ tạm thời và cục bộ đối với CNTB nhằm phát triển LLSX, từng bước xã hội hóa sản xuất trên thực tế. V.I.Lênin chỉ ra một số hình thức CNTB nhà nước như: tô nhượng, đại lý, cho thuê xí nghiệp, khu mỏ...[4]. Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH ở nước Nga Xô Viết, V.I.Lênin cũng đã chỉ dẫn rằng trong TKQĐ cần phải sử dụng cả thành phần kinh tế phi XHCN như tư bản nhà nước, tư bản tư nhân cho mục tiêu phát triển LLSX. V.I.Lênin coi đó biện pháp tối ưu để khơi dậy động lực, giải phóng sức sản xuất, tăng năng suất lao động, nhờ đó giải quyết được khó khăn kinh tế sau chiến tranh, đồng thời từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH.

Đối với Việt Nam, nền kinh tế thị trường nước ta được xác định là nền kinh tế có nhiều “hình thức sỡ hữu, nhiều thành phần kinh tế”[5]. Các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, được xác định là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “quá độ lên CNXH là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn, phức tạp… Việt Nam đi lên CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ TBCN, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề, các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau”[6]. Thực tiễn cũng cho thấy việc áp đặt QHSX vượt trước rất xa so với trình độ của LLSX còn lạc hậu đã trở thành lực cản. Động lực của sản xuất không được phát huy, sức sản xuất không được khơi dậy, điều đó dẫn tới sự trì trệ không chỉ đối với LLSX mà còn làm méo mó đi mục đích hoàn thiện QHSX. Khi KTTN còn dư địa phát triển trong TKQĐ mà nôn nóng xóa bỏ là một sai lầm cả về lý luận và thực tiễn. Điều cần làm là phải tạo cơ chế cho KTTN phát triển, hay nói cách khác là khơi dậy, phát huy, sử dụng nó cho mục đích hiện đại hóa LLSX, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH.

Việt Nam thừa nhận KTTN không đồng nghĩa với xác lập địa vị thống trị của QHSX TBCN. Thừa nhận KTTN không có nghĩa là chúng ta thừa nhận bóc lột và tạo điều kiện cho bóc lột được hiện diện trong các quan hệ kinh tế ở nước ta. Mục tiêu nhất quán của cách mạng nước ta là xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[7]. Thực tiễn đã chứng minh bản chất của chế độ TBCN dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất và bóc lột lao động làm thuê không thể là cái đích để chúng ta thực hiện mục tiêu cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong TKQĐ chúng ta thừa nhận KTTN vẫn còn cơ sở để tồn tại, do vậy, chúng ta không thể không tạo điều kiện cho nó phát triển. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta chủ trương xác lập vị trí thống trị của QHSX TBCN. Ngược lại, hướng lái nó đi theo mục đích CNXH, điều đó cũng có nghĩa không phải chúng ta để quan hệ bóc lột tự do phát triển. KTTN được tự do cạnh tranh bình đẳng trong khuôn khổ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, QHSX hình thành trong thành phần KTTN sẽ chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và quản lý, điều tiết của Nhà nước pháp quyền XHCN nhằm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Coi KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế không đồng nghĩa từ bỏ vai trò là công cụ, là lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, dẫn dắt của kinh tế nhà nước. Đại hội Đảng lần thứ XIII định hướng rõ sự phát triển của từng thành phần kinh tế ở nước ta, trong đó chỉ rõ: “Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”[8]. Vai trò của từng thành phần kinh tế theo đó cũng được xác lập theo đúng vị trí đã xác định. Thành phần kinh tế nhà nước nắm giữ nguồn lực vật chất quan trọng, then chốt được khẳng định là công cụ, lực lượng vật chất để nhà nước ổn định vĩ mô, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. KTTN được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Trong đó cũng khuyến khích sự hợp tác liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ, ngoài ra còn khuyến khích phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của người lao động. Như vậy, KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế song động lực đó được phát huy trong chế độ kinh tế xã hội khác biệt về chất với chế độ TBCN. Trong chế độ kinh tế XHCN thành phần KTTN cũng không còn “thuần túy” như trong chế độ TBCN mà có sự đan xen, giao thoa, liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế XHCN.

KTTN được quan tâm tạo điều kiện phát triển không đồng nghĩa với từ bỏ mục tiêu CNXH. Là người lãnh đạo xây dựng nền kinh tế XHCN ở Nga sau cách mạng tháng 10, V.I.Lênin đề xuất chính sách kinh tế mới NEP. Về bản chất đó chính là nhận thức rõ và đề xuất lý luận về nền kinh tế nhiều thành phần trong TKQĐ từ một nước tiểu nông. Trong chính sách này, V.I.Lênin kỳ vọng vào khả năng thu hút đầu tư từ các nước tư bản phát triển và từ tư bản tư nhân trong nước cho lĩnh vực công nghiệp non yếu và kiệt quệ sau chiến tranh. Hơn ai hết, V.I.Lênin nhận thức rất rõ chính sách kinh tế mới có bước lùi về CNTB nhưng lại rất cần thiết để tiến bước lên CNXH. V.I.Lênin đã luận chứng rằng sự đồng thuận của nhân dân và sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước XHCN sẽ khiến cho tư bản tư nhân không thể lái nền kinh tế trở về quỹ đạo của CNTB. KTTN ở Việt Nam sẽ được tạo điều kiện phát triển cả về quy mô, trình độ, lĩnh vực ngành nghề trong khuôn khổ định hướng XHCN, vì mục tiêu CNXH mà không phải là phát triển tự do như trong thể chế kinh tế TBCN. Điều đó cũng có nghĩa tạo điều kiện cho KTTN phát triển nhưng phải tuân thủ và vận động theo quỹ đạo của CNXH mà không phải là buông bỏ mục tiêu CNXH.

(Còn nữa)

Kỳ II (tiếp theo và hết)

Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam - Thực trạng và kiến nghị chính sách

Kể từ khi Đảng khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới từ năm 1986 đến nay, KTTN đã được thừa nhận và tạo điều kiện phát triển hơn ba thập kỷ. Giải phóng sức sản xuất, khơi dậy động lực sản xuất mạnh mẽ, đi kèm theo nó là từng bước hoàn thiện thể chế quản lý, điều tiết, định hướng của Nhà nước đã giúp KTTN phát triển và đạt được thành tựu to lớn, đóng góp đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vai trò kinh tế tư nhân đã được thừa nhận và khẳng định trong nghị quyết đại hội qua các nhiệm kỳ, gần đây nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành riêng Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện nghị quyết 10 - NQ/TW, KTTN nước ta tiếp tục phát triển, mạnh mẽ, đóng góp ngày càng to lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Từ sau đổi mới đến nay, với sự phát triển của tư duy mở trong sử dụng các thành phần kinh tế cho mục đích phát triển, hiện đại hóa sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH, kinh tế tư nhân đã thực sự trở thành một thành phần kinh tế bình đẳng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Tư duy mở đã cởi bỏ những rào cản, định kiến để KTTN được tự do phát triển. Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển KTTN không hạn chế quy mô, số lượng doanh nghiệp. Đồng thời có chính sách đặc thù thúc đẩy nhiều doanh nghiệp, tập đoàn KTTN vươn lên, làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường, từng bước hình thành nhiều tập đoàn KTTN mạnh, có sức ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về: “Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn mới.” trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), giai đoạn từ năm 2011 đến nay, khối KTTN đã có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, giai đoạn 2006-2014, mỗi năm nền kinh tế có 70.900 doanh nghiệp tư nhân được thành lập mới, đến giai đoạn 2015-2020 con số này đã tăng lên 122.500 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm. Trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng cả nước vẫn có 85.483 doanh nghiệp thành lập mới. Quy mô vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh, từ 6.875 nghìn tỷ đồng năm 2011, lên 24.024,5 nghìn tỷ đồng  vào 2019, tăng gấp gần 3,5 lần.

KTTN được tự do kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề pháp luật không cấm. Hệ thống cơ chế chính sách quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước cũng hướng vào tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho mọi doanh nghiệp phát triển. Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, thúc đẩy các phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong thành phần KTTN. Nhà nước, nhân dân cũng hoan nghênh, có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân làm ăn chân chính, làm giàu chính đáng. Với chủ trương cởi mở, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia phát triển ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế kể cả những lĩnh vực trước đây kinh tế nhà nước giữ vai trò độc quyền như đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; kinh doanh một số mặt hàng giữ vai trò là yếu tố đầu vào của nền kinh tế như xăng, dầu; cung cấp một số dịch vụ công như y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông, sản xuất ôtô, hàng không; tài chính, ngân hàng… với tiến độ và chất lượng vượt trội. Nhờ đó hình thành nhiều tập đoàn KTTN có sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế như: Tập đoàn Vingroup; Sungroup; Hòa Phát; FPT; Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn; Công ty Vinamilk…  Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa những lĩnh vực, ngành nghề mà tư nhân có thể làm tốt tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện sẽ mở ra nhiều cơ hội tham gia cho khu vực KTTN.

KTTN ở nước ta đã thực sự trở thành lực lượng quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và tăng mức đóng góp vào GDP đất nước. Trong 3,5 thập kỷ được cởi bỏ về tư duy và rào cản, KTTN được khơi dậy động lực, giải phóng sức sản xuất, khẳng định được vai trò to lớn trong giải quyết việc làm và đóng góp vào tổng GDP của nền kinh tế. KTTN còn có vai trò to lớn trong giải quyết bài toán về huy động vốn đầu tư phát triển trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp. Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2019 khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp 42,07% GDP. KTTN cũng thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tính đến 2020 khu vực KTTN có hơn 800 nghìn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh; riêng hoạt động kinh tế của các hộ kinh doanh đã bảo đảm cuộc sống cho khoảng 20 triệu người dân.  

Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hoạt động của KTTN, nhà nước xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tập đoàn KTTN trục lợi, vi phạm pháp luật, thao túng thị trường gây tổn hại cho các nhà đầu tư, xâm hại lợi ích của xã hội. Thời gian qua chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản bị khởi tố vì tội danh lừa dối khách hàng; chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã bị bắt vì tội thao túng thị trường chứng khoán; Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt vì bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Bà Nguyễn Phương Hằng Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam bị khởi tố bắt giam vì tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Sự nghiêm minh của Pháp luật vừa tạo điều kiện bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đồng thời cũng là ranh giới để các doanh nghiệp hoạt động, không phải cứ tầm cỡ doanh nghiệp lớn, có sức ảnh hưởng cao trên thị trường, thậm chí đóng góp nhiều cho các hoạt động xã hội thiện nguyện mà muốn là gì thì làm, chửi bới, xúc phạm ai tùy ý. Những hành vi trái với quy định của Pháp luật đều phải được xử lý, bất kể đó là tập đoàn nào, chi phối thị trường ra sao, bất kể đó là ai, có sức ảnh  hưởng đến tập đoàn và nền kinh tế như thế nào nếu vi phạm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Những rào cản và kiến nghị chính sách

Những rào cản: Mặc dù đã được quan tâm tạo điều kiện phát triển song KTTN còn gặp nhiều rào cản. Tiếp cận và giải quyết các vấn đề về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân còn có tình trạng thủ tục hành chính rườm rà, sách nhiễu, phân biệt đối xử… Doanh nghiệp tư nhân vẫn còn chịu lép vế trong tiếp cận thông tin, nguồn lực phát triển, thị trường cạnh tranh bị can thiệp không lành mạnh do chi phối bởi lợi ích nhóm, bởi quyền lực chính trị, sức ép từ một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế dẫn đến phát triển méo mó, thua thiệt, gia tăng chi phí không chính thức, thậm chí phá sản, giải thể nếu không kịp thời xoay chuyển chiến lược. Bên cạnh đó khung khổ pháp lý, môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập, chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả thực thi chưa cao, làm hạn chế tính linh hoạt của KTTN.

Những kiến nghị chính sách

Một là, đẩy mạnh nghiên cứu, bổ sung lý luận về sự vận động của kinh tế tư nhân trong tình hình mới. KTTN và sự vận động của nó trong thời kỳ quá độ lên CNXH là vấn đề cần được nhận thức sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế số và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Vì vậy, nhiều vấn đề mới sẽ xuất hiện xoay quanh phạm trù KTTN và sỡ hữu. Việc tiếp tục nghiên cứu bổ sung phát triển lý luận về KTTN, về sỡ hữu trong bối cảnh đất nước ta chuyển mạnh sang nền kinh tế số và hội nhập kinh tế sâu rộng là hết sức cần thiết. Khi nền kinh tế vận hành thông suốt trên môi trường số hóa sẽ xuất hiện nhiều mối quan hệ kinh tế mới, trong đó có hình thức sỡ hữu tài sản số, không gian số, sử dụng nguồn lực số, phân phối lợi ích trong môi trường kinh tế số, hợp tác trong kinh tế số… Ranh giới giữa các thành phần kinh tế trở nên linh hoạt hơn, thậm chí khó nhận biết hơn. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung lý luận về những vấn đề kinh tế mới nảy sinh trong thành phần KTTN. Đảm bảo lý luận phải đi trước một bước, làm căn cứ để Đảng hoạch định chủ trương, đường lối phù hợp, nhất là vấn đề sỡ hữu và thành phần kinh tế trong môi trường kinh tế số và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là, tạo sự đồng thuận xã hội phải đi đôi với sự thống nhất nhận thức, xóa bỏ rào cản, định kiến của bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp về KTTN. Sự đồng thuận xã hội về nhận thức kinh tế tư nhân và vai trò của nó đối với xây dựng CNXH là hết sức quan trọng, nó giúp củng cố niềm tin vào đường lối của Đảng, đồng thời khích lệ các chủ thể tham gia phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Song hành với nó phải là dỡ bỏ rào cản ngay từ chính cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế về vị thế bình đẳng của doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận các nguồn lực phát triển, các thủ tục hành chính như đăng ký kinh doanh, thế chấp, xóa chấp tài sản, góp vốn, vay vốn, hỗ trợ khởi nghiệp, tiếp cận, gia nhập, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; khả năng tăng quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp tư nhân… Chỉ có như vậy mới thực sự là sự hỗ trợ, kiến tạo cần thiết từ nhà nước, tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát huy cao độ vai trò, vị trí của mình.

Ba là, khuyến khích đẩy mạnh các hình thức hợp tác liên doanh, liên kết sản xuất giữa KTTN với kinh tế nhà nước. Thời gian vừa qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy hợp tác liên doanh, liên kết nhằm huy động tiềm năng của KTTN, đồng thời phát huy lợi thế của kinh tế Nhà nước để phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế như đầu tư kết cấu hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao, cung cấp một số dịch vụ công... Thời gian tới cần tiếp tục có chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước để thành các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể. Tuy nhiên, cần chú trọng phát triển hình thức liên doanh, hợp tác này ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới biển đảo, vùng có điều kiện kết cấu hạ tầng khó khăn. Mấu chốt để thực hiện vấn đề này chính là sử dụng kinh tế nhà nước để tạo các nền tảng xã hội, đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích đối với doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, trước hết cần tạo cơ chế, nguồn lực để thúc đẩy phát triển các hình thức liên doanh, kết tại chỗ để liên kết rộng rãi giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước.

Bốn là, có cơ chế mạnh để kiểm soát hoạt động của kinh tế tư nhân đi đôi với kiểm soát quyền lực nhà nước trong quản lý kinh tế. KTTN ngoài những mặt tích cực còn tiềm ẩn nhưng nguy cơ rủi ro đối với nền kinh tế như chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá; móc ngoặc, lợi dụng các lỗ hổng về pháp luật, cấu kết với một số cán bộ quản lý nhà nước biến chất để chi phối, thao túng thị trường, xâm phạm lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế khác và người tiêu dùng. Những tác động tiêu cực này làm méo mó các quan hệ kinh tế, khiến nó vận động lệch hướng với các mục tiêu quản lý kinh tế. Do vậy bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống luật pháp để điều tiết, quản lý vĩ mô đối với KTTN còn cần phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước. Theo đó bên cạnh thanh tra kiểm tra, quản lý chặt chẽ các hoạt động đấu thầu, đầu tư các dự án cần thường xuyên luân chuyển, thay đổi các vị trí công tác liên quan đến các lĩnh vực quản lý kinh tế, nhất là các ngành, lĩnh vực nhạy cảm.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn trên đây, có thể khẳng định đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển KTTN thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển LLSX. Đường lối đó sẽ là mấu chốt để khơi dậy, phát huy động lực to lớn của khu vực KTTN, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra lực lượng vật chất cần thiết hỗ trợ cho con đường đi lên xây dựng CNXH ở nước ta. Thừa nhận KTTN không có nghĩa là từ bỏ mục tiêu CNXH, ngược lại sử dụng, phát huy thành phần kinh tế này như một công cụ cho quá trình hiện đại hóa LLSX, từng bước hoàn thiện QHSX, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho CNXH trong TKQĐ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb CTQG ST, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Hà Nội

4. Hội đồng lý luận Trung ương (2021), Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội.

5. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2005, t.43

6. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2006, t.44

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1]V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2005, t.43, tr.445.

[2]V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2006, t.44, tr. 189.

[3]V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2005, t.43, tr.400.

[4] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2005, t.43, tr.270-274.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.129

[6] Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Hà Nội

[7]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.128.

[8]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.129

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét