Trước sự phát triển chủ nghĩa tư bản hiện đại, các học giả tư sản, các phần tử phản động, cơ hội liên tục tung ra những luận điệu xuyên tạc học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác, cho rằng học thuyết đã lỗi thời, không còn mang tính cách mạng và khoa học và đến nay không còn phù hợp. Nếu cứ theo những quan điểm trên thì phải chăng là như vậy? Bài viết sẽ tập trung làm sáng tỏ vấn đề trên.
Học thuyết giá trị thặng dư là “hòn đá tảng”
trong học thuyết kinh tế của C.Mác. Vì vậy,
kẻ thủ của giai cấp vô sản ý thức được rằng nếu bác bỏ được học thuyết giá trị
thặng dư thì sẽ bác bỏ được các học thuyết kinh tế khác của C.Mác. Cũng chính
vì thế ngay sau khi ra đời, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác đã luôn bị
các nhà “bồi bút” của giai cấp tư sản, các lực lượng cơ hội chính trị và thù địch
tấn công với thái độ chủ yếu không phải là phản biện khoa học mà là xuyên tạc,
chống phá nhằm phủ nhận học thuyết.
Trong giai đoạn hiện nay, sự xuyên tạc, chống phá đó ngày
càng quyết liệt, với những quan điểm mang nặng tính chủ quan, thiên kiến, tư biện
và thiếu tính khách quan khoa học trong phương pháp xem xét. Họ đã dựa ra những
hiện tượng bề ngoài, “ánh hào quang” của chủ nghĩa tư bản để nhào nặn, tô vẽ xã
hội tư bản, trên cơ sở đó tiếp tục bóp méo, xuyên tạc tính đúng đắn không thể
phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy,
để bác bỏ quan điểm trên, cần phải nắm vững tính khoa học và cách mạng của học
thuyết giá trị thặng dư của C.Mác.
Tính khoa học và
cách mạng của học thuyết giá trị thặng dư
Khi nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác
đã phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư, trên cơ sở đó, ông đã vén lên bức
màn bí mật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cho đến nay, chưa có học
giả nào có thể đưa ra một lý luận khả dĩ để bác bỏ được tính cách khoa học và
cách mạng trong học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác. Tính khoa học và cách mạng
đó được thể hiện trên những khía cạnh sau:
Trước hết, học thuyết giá trị thặng dư là hệ thống lý luận khoa học, được xây dựng trên cơ sở tiếp thu
có chọn lọc những tri thức của nhân loại và tài năng trí tuệ thiên bẩm của
C.Mác và Ăngnghen.
Học thuyết giá trị thặng dư được
hình thành trên cơ sở học thuyết giá trị - lao động, mà trực tiếp là việc phát
hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa, nhờ đó C.Mác đã giải
quyết được những bế tắc trong lý luận giá trị của các nhà kinh tế chính trị trước
đó không giải quyết được. Thực tế cho thấy, việc tìm ra thực thể của giá trị là
lao động và phát hiện ra hai thuộc tính của hàng hóa không phải chỉ đến C.Mác
mới phát hiện ra. Trước C.Mác đã có nhiều người phát hiện như: A.Smit,
Đ.Ricacđo… Nhưng lao động nào tạo ra giá trị của hàng hóa thì trước C.Mác chưa có
ai giải đáp một cách đầy đủ. C.Mác là người đầu tiên phát hiện ra tính chất hai
mặt của lao động sản xuất hàng hóa. Trên cơ sở đó C.Mác đi vào nghiên cứu giá
trị thặng dư.
Nghiên cứu về giá trị thặng dư,
trước C.Mác đã có nhiều nhà kinh tế học nêu ra, nhưng họ chỉ nghiên cứu giá trị
thặng dư dưới những hình thái đặc thù của nó là lợi nhuận, lợi tức, địa tô. Đến
C.Mác, ông nghiên cứu giá trị thặng dư dưới dạng thuần túy, và đã chỉ ra được
nguồn gốc giá trị thặng dư là lao động không công của công nhân làm thuê. Theo C.Mác,
khi người công nhân bán sức lao động cho nhà tư bản, nhà tư bản sẽ tiêu dùng sức
lao động này trong sản xuất sẽ dẫn tới chỗ tạo ra một giá trị lớn hơn giá trị sức
lao động của người công nhân, ngay cả khi họ tuân thủ theo đúng quy luật giá trị. C.Mác đã chứng minh một cách khoa học rằng: trong quá
trình sản xuất, lao động cụ thể bảo tồn và di chuyển giá trị cũ (c) vào trong
sản phẩm mới, lao động trừu tượng tạo ra giá trị mới (v + m) và toàn bộ giá trị
hàng hóa bao gồm (c + v + m). Theo C.Mác, giá trị thặng dư là phần giá trị dôi
ra ngoài giá trị sức lao động do lao động không công của người công nhân tạo ra
bị nhà tư bản chiếm đoạt.
Nhưng C.Mác không tự hạn chế trong những luận điểm chung
chung mà đã phân tích một cách sâu sắc, trên cơ sở rất nhiều tính toán toán học
để luận giả tỷ suất của giá trị thặng dư, những phương pháp kéo dài ngày lao động;
chỉ ra bản chất của tiền lương tư bản chủ nghĩa; phân tích một cách sâu sắc và
khoa học các hình thức biểu hiện của giá trị thặng dư như lợi nhuận, lợi tức, địa
tô; vạch rõ cơ chế chuyển hóa giá trị thặng dư thành lợi nhuận và lợi nhuận
bình quân, giá trị hàng hóa thành giá cả sản xuất trong điều kiện tự do cạnh
tranh, từ đó làm cơ sở lý luận để giải quyết vấn đề địa tô tuyệt đối, điều mà các
nhà lý luận kinh tế trước không thể giải quyết được.
Có thể thấy, trên cơ sở học thuyết giá trị - lao động với việc phân tích tính chất hai mặt của lao động của
người sản xuất hàng hóa và nguồn gốc giá trị thặng dư với tư cách là nguồn gốc đầu tiên của các thu nhập tư bản chủ nghĩa mà
C.Mác đã xây dựng được phát kiến khoa học hết sức vĩ đại, kéo theo cả một bước
ngoặc cách mạng trong khoa kinh tế chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà
V.I.Lênin gọi học thuyết giá trị thặng dư là “hòn đá tảng” của học thuyết kinh
tế của C.Mác, mà học thuyết kinh tế của C.Mác lại là nội dung chủ yếu của học
thuyết của chủ nghĩa Mác.
Thứ hai, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác đã vạch quy luật vận
động kinh tế của xã hội tư bản – quy luật giá trị thặng dư – từ đó bóc trần những
bí mật của chủ nghĩa tư bản, bản chất bóc lột tinh vi của giai cấp tư sản đối với
gia cấp công nhân mà trước đó chưa ai làm được.
Khi phát kiến và lý giải học thuyết giá
trị thặng dư, C.Mác đã tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó sinh ra. Theo đó,
C.Mác khẳng định ở phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, quy luật kinh tế cơ bản
là quy luật sản xuất giá trị thặng dư. Quy luật này phản ánh mối quan hệ bản chất
nhất giữa hai giai cấp trong xã hội tư bản, nó chi phối sự hoạt động của các
quy luật khác trong xã hội tư bản. Theo
C.Mác, giá trị thặng dư không đơn thuần là giá trị dôi ra ngoài giá trị sức lao
động, mà là một quan hệ xã hội phản ánh quan hệ bóc lột giữa một bên là người sở
hữu tư liệu sản xuất, với bên kia là người sở hữu hàng hóa sức lao động, giữa
nhà tư bản với người lao động làm thuê.
C.Mác cũng đã bóc trần sự che đậy tinh vi của việc sản xuất
giá trị thặng dưới chủ nghĩa tư bản. Trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, việc
mua bán hàng hóa sức lao động trên thị trường diễn ra một cách hoàn toàn tự
nguyện, theo đúng quy luật giá trị dựa trên nguyên tắc ngang giá. Điều này dễ
gây ấn tượng về sự “bình đẳng hoàn toàn” giữa nhà tư bản và người công nhân. Bên
cạnh đó, để thu được nhiều giá trị thặng dư, nhà tư bản tìm cách cải tiến kỹ
thuật, áp dụng khoa học công nghệ, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, sử dụng
các biện pháp tâm lý khai tác năng lực tối đa của công nhân… Nếu nhìn bề ngoài
dễ lầm tưởng rằng nhà tư bản muốn giảm cường độ lao động cho công nhân, quan
tâm tới cuộc sống của công nhân. Thật ra, những biện pháp đó chỉ là thủ đoạn để
giai cấp tư sản cột chặt sự lệ thuộc của công nhân vào họ với mục đích là bòn
rút được nhiều giá trị thặng dư. C.Mác còn chỉ ra sự tinh vi trong sản xuất giá
trị thặng dư của nhà tư bản khi phân tích sự chuyển hóa của các phạm trù giá trị
thặng dư, tỷ suất giá trị thặng dư thành lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận, tỷ suất
lợi nhuận bình quân… Sự chuyển hóa đó dễ làm cho người ta lầm tưởng rằng toàn bộ
tư bản sinh ra lợi nhuận, xóa nhòa ranh giới giữa tư bản bất biến và tư bản khả
biến và không thấy được trình độ, mức độ bóc lột của nhà tư bản đối với công
nhân, cho rằng dưới chủ nghĩa tư bản “tiền đẻ ra tiền”.
Với những lập luận và chứng minh một cách khoa học, C,Mác
đã vạch rõ bí mật và sự che đậy tinh vi của nguồn gốc các thu nhập tư bản chủ
nghĩa, đã tìm ra được nguồn gốc duy nhất của chúng. Vì vậy, không phải ngẫu
nhiên mà các nhà kinh tế học tư sản và bọn tay sai của chúng đã chi phí rất nhiều
bút mực vào những mưu toan vô hiệu quả nhằm phủ nhận tính khoa học, cách mạng,
qua đó muốn bác bỏ học thuyết giá trị thặng dư.
Thứ
ba, học thuyết giá thặng
dư đã chỉ ra sự ra đời, tồn tại, phát triển và tiêu vong của phương thức sản xuất
tư bản chủ nghĩa, là vũ khí lý luận sắc bén của giai cấp công nhân đấu tranh chống
lại giai cấp tư sản.
Từ việc phân tích quá trình sản xuất giá trị thặng dư
trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã chỉ ra quy luật giá trị thặng dư ra đời cùng với sự ra đời của quan hệ sản xuất
tư bản chủ nghĩa, nó tồn tại và phát huy tác dụng cùng với sự tồn tại và vận động
của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Theo C.Mác, chủ nghĩa tư bản chỉ nảy sinh khi
xuất hiện những điều kiện và khả năng chiếm lao động thặng dư của lao động làm
thuê, khi tiền và tư liệu sản xuất biến thành phương tiện bóc lột giá trị thặng
dư. Cũng chính chạy theo việc bóc lột càng nhiều giá trị thặng dư, chủ nghĩa tư
bản đã phát triển từ thấp đến cao, làm cho lực lượng sản xuất ngày càng phát
triển, làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ
nghĩa về tư liệu sản xuất với lực lượng sản xuất phát triển cao mang tính xã hội
hóa sâu sắc. Chính mâu thuẫn sẽ đưa đến sự thay thế tất yếu
chủ nghĩa tư bản bằng một xã hội cao hơn.
Có
thể nói, sáng tạo ra học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã làm một cuộc cách
mạng trong lĩnh vực kinh tế - chính trị học, chỉ ra quy luật vật động kinh tế
của xã hội tư bản, vạch trần bí mật của chế độ tư bản là bóc lột giá trị thặng
dư do sức lao động của những người lao động làm thuê tạo ra. Bóc lột giá trị
thặng dư là bản chất và là mục tiêu của chủ nghĩa tư bản, là căn nguyên của mọi
mâu thuẫn đối kháng giữa tư bản và lao động, là vấn đề không thể giải quyết
được trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ph. Ăngghen cho rằng, việc phát
hiện ra học thuyết giá trị thặng dư là công lao vĩ đại nhất của C.Mác. Nó chiếu
sáng rực rỡ lên những lĩnh vực kinh tế mà trước kia những nhà xã hội chủ nghĩa
cùng mò mẫn trong bóng tối không kém gì những nhà kinh tế học tư sản. Chủ nghĩa
xã hội khoa học bắt đầu từ ngày có giải đáp đó, và nó là điểm trung tâm của chủ
nghĩa xã hội khoa học.
Ngày nay, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác vẫn giữa
nguyên giá trị
Trong giai đoạn hiện nay, chủ nghĩa tư bản đã có sự phát
triển rất nhiều so với thời C.Mác nghiên cứu, như Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng
đã chỉ ra: “Chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang
tính toàn cầu như ngày nay và cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là
trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và
công nghệ”[1]. Chủ nghĩa tư bản thế giới đã ra sức tự điều chỉnh, thúc đẩy
các chính sách “tự do mới” trên quy mô toàn cầu, nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng
phát triển. Tuy nhiên, ngày nay trong xã hội tư bản, bóc lột lao động làm thuê
và chiếm đoạt giá trị thặng dư vẫn tồn tại như nó đã từng tồn tại trong suốc
hơn 5 thế kỷ qua, song với những tiến bộ của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ,
những điều chỉnh thích nghi cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, bóc lột
và chiếm đoạt giá trị thặng dư trong xã hội tư bản đã có những biểu hiện mới.
Hiện nay, giai cấp tư sản đang tận dụng những thành tựu của
cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để điều chỉnh sự phát
triển của lực lượng sản xuất. Nhiều công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất đạt trình
độ tự động hóa rất cao; các dây chuyền sản xuất với
các máy móc tự động, các robốt thay thế cho con người được sử dụng ngày càng
nhiều với năng suất lao động cao. Hệ thống máy tính, trí tuệ nhân tạo đã và
đang dần thay thế nhiều hoạt động quản lý sản xuất, phân phối của con người,
thay thế cho việc tổ chức sản xuất tập trung, hoàn chỉnh một sản phẩm trước đây.
Trong quan hệ sản xuất cũng có những điều chỉnh nhất định.
Hình thức sở hữu tư nhân, nền tảng của nền kinh
tế tư bản chủ nghĩa, không còn tồn tại dưới hình thức sở hữu của những người sản
xuất độc lập, mà là sở hữu tư nhân đã được xã hội hóa. Hình thức sở hữu cổ phần
mà C.Mác xem là hình thức sở hữu quá độ lên chủ nghĩa công sản, ngày nay càng
phát triển mạnh mẽ, và hiện là hình thức sở hữu phổ biến ở các nước tư bản chủ
nghĩa. Đông đảo quần chúng nhân dân bao gồm cả công nhân, người lao động thuộc
mọi tầng lớp xã hội, đã trở thành các chủ sở hữu cổ phần lớn nhỏ khác nhau. Đương nhiên, là các chủ sở hữu cổ phần lớn nhất
vẫn thuộc về giai cấp tư sản. Cùng với đó, hình thức sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước
và tư nhân, giữa các quốc gia, đã phát triển rất đa dạng, hầu như chỉ có rất ít
số công ty một chủ sở hữu. Trong khi đó, sở hữu trí tuệ đã ngày càng trở lên
quan trọng với những quy định pháp luật chặt chẽ mà thời C.Mác hầu như
chưa có.
Trong lĩnh vực quản lý, phân phối, chủ
nghĩa tư bản hiện đại cũng có những điều chỉnh đáng kể. Nhiều biện pháp đã được
thực hiện như tăng tiền lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho
những người lao động…Những người lao động không những có đủ tiền lương để đáp ứng
các nhu cầu về vật chất mà còn cả nhu cầu về tinh thần. Ở hầu hết các nước tư bản
phát trển, thời gian lao động mỗi tuần đã được rút ngắn còn khoảng 40 giờ, và số
ngày làm việc chỉ còn 4 đến 5 ngày. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động làm
thuê có trình độ cao, có thu nhập cao, được đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản
lý, chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau trong guồng máy sản xuất của tư bản. Chủ
nghĩa tư bản hiện đại thông qua hệ thống các văn bản pháp luật, thông qua các
thể chế, các quy định do nhà nước tư sản ban hành đã làm cho các quan hệ giữa
tư bản và lao động, giữa chủ và thợ được điều chỉnh mềm dẻo hơn, nó như những
chiếc “van điều áp” làm giảm thiểu những mâu thuẫn giữa tư bản với lao động,
xoa dịu và tránh được những mâu thuẫn gay gắt gây nên các xung đột xã hội.
Song song với quá trình làm dịu các mâu
thuẫn trong nước, chủ nghĩa tư bản hiện đại còn hướng các mâu thuẫn trong nước
ra bên ngoài, với việc vươn những “chiếc vòi bạch tuộc”, thông qua con đường xuất
khẩu tư bản dưới hình thức đầu tư trực tiếp (FDI) để “hút máu” của lao động làm
thuê ở các nước đang phát triển. Dòng vốn FDI lúc đầu được chảy khá mạnh ở các
ngành thuộc khu vực sản xuất, nhưng càng về sau càng có xu hướng gia tăng ở những
ngành thuộc khu vực dịch vụ - những ngành hiện có tỷ suất bóc lột giá trị thặng
dư cao. Sự chuyển hướng đó vừa làm cho tổng lợi nhuận thu được vẫn tăng lên, vừa
giảm thiểu tính chất gay gắt những mâu thuẫn vốn có giữa tư bản và lao động
trong lòng xã hội tư bản. Thông qua những dòng đầu tư, cho vay, các ông chủ tư
bản ở các nước phát triển vẫn hàng ngày, hàng giờ bóc lột lao động làm thuê ở
các nước đang phát triển thu lợi nhuận kếch xù.
Những đề cập trên mới mang tính khái
quát, dù chưa phản ánh được đầy đủ, toàn diện xã hội tư bản hiện đại, nhưng
thông qua đó cho ta thấy những nét phát triển mới của chủ nghĩa tư bản hiện đại,
đồng thời cũng phản ánh những nét mới về bóc lột lao động làm thuê và chiếm đoạt
giá trị thặng dư của nhà tư bản đối với người công nhân. Nhìn về tổng thể,
không phải chủ nghĩa tư bản đã bớt “tàn bạo đi”, hoặc đã “hiền” hơn như người
ta vẫn tô vẽ cho những việc làm bộc lộ ra bên ngoài. Những gì mà chủ nghĩa tư bản hiện đại đang thể hiện vẫn không nằm ngoài
tính quy luật mà C.Mác đã chỉ ra.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn không thay
đổi được bản chất, dù những hình thức bóc lột có biến tướng, tinh vi đến mức
nào chăng nữa thì bản chất bóc lột của tư bản đối với lao động vẫn là bóc lột
giá trị thặng dư - tức là bóc lột lao động sống của người lao động. Giá
trị thặng dư, lợi nhuận vẫn là động lực thôi thúc các nhà tư bản, là mục tiêu để
nhà tư bản bỏ vốn đầu tư. Ở đâu, chỗ nào có thể thu được giá trị thặng dư, thu
được lợi nhuận thì ở đó nhất định tư bản có mặt. Nhưng sự điều chỉnh thích nghi
đã làm cho chiếc bánh lợi nhuận “bé đi” tương đối. Quá trình đeo đuổi lợi nhuận
tất phải tăng tích lũy tư bản. Tăng tích lũy tư bản, tức là tái sản xuất tư bản
được tiến hành mở rộng cả chiều rộng và chiều sâu, tuy làm tăng quy mô lợi nhuận,
song lại càng làm gia tăng tình trạng bần cùng hóa người lao động, tức là làm
tăng tính chất gay gắt của các mâu thuẫn vốn có trong lòng xã hội tư bản.
Hiện tại trong xã hội tư bản, tình trạng
phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội không giảm xuống mà ngày càng
gia tăng. Của cải phần lớn vẫn tập trung trong tay giai cấp tư sản, “một bộ phận
rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu
sản xuất, kiểm soát tới ¾ nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông
tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội[2]. Trên
thế giới, một nửa tổng tài sản “nằm
trong tay 1% những người giàu nhất, trong khi một nửa dân số thế giới chỉ sở hữu
dưới 1% tổng của cải toàn cầu”[3]. Thu nhập bình
quân của 10% dân số giàu nhất tại các nước OECD gấp khoảng 9 lần thu nhập bình
quân của 10% dân số nghèo nhất. Mặc dù thu nhập của công nhân có tăng lên, đời
sống vật chất của công nhân được cải thiện, nhất là công nhân ở các nước tư bản
phát triển, công nhân có tay nghề cao, song so với thu nhập và mức sống của gia
cấp tư sản thì ngày càng cách xa, công nhân vẫn bị bần cùng hóa tương đối và
thuyệt đối như nhận định của C.Mác cách đây hơn 170 năm.
Cho
đến nay chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn
có của nó, đó là mâu thuẫn giữa tư bản với lao động làm thuê; mâu thuẫn giữa lợi
ích của giai cấp tư sản với lợi ích của tuyệt đại đa số người lao động; mâu thuẫn
giữa các tổ chức độc quyền tư bản, giữa các công ty xuyên quốc gia, giữa các
trung tâm quyền lực tư bản chủ nghĩa với nhau; mâu thuẫn giữa các nước tư
bản phát triển với các nước đang phát triển, chậm phát triển. Sự phát triển của
chủ nghĩa tư bản hiện nay với những khuyết tật của nó “đó là hậu quả của một
quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng,
coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn
minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”[4].
Mặc dù chủ nghĩa tư bản ngày nay
đang có nhiều thành tựu, “tăng trưởng kinh tế hiện đại và sự truyền bá tri thức
đã giúp tránh được sự diệt vong theo quan quan điểm của Marx, nhưng không giúp
điều chỉnh những cấu trúc tư bản sâu xa và tình trạng bất bình đẳng - hay chí
ít là không nhiều như người ta đã từng hình dung trong những thập niên lạc quan
sau Thế chiến II”[5]. Vì vậy. “chủ nghĩa tư bản không phải
là điểm dừng cuối cùng của lịch sử nhân loại”[6].
Như vậy, hoàn toàn là sai lầm khi chỉ nhìn vào bề ngoài
những gì đang có ở các nước tư bản phát triển để từ đó phủ nhận tính khoa học
và cách mạng trong học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác. Chỉ có bằng sự phân
tích sâu sắc, bằng cách nhìn khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể và phát
triển mới thấy được những gì ẩn giấu đằng sau, bên trong, ở tầng sâu của xã hội
tư bản hiện nay, thấy được nguồn gốc, bản chất của sự giàu có của các nước tư bản
phát triển, qua đó càng cho thấy tính cách mạng và khoa học trong học thuyết này.
Thực tiễn đã cho thấy, bất chấp mọi công
kích, bôi nhọ, phê phán, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác vẫn vững vàng và
phát huy vai trò trong thời đại mới, vẫn tỏ rõ
là một học thuyết tràn đầy tính khoa học và cách mạng sâu sắc, chưa có học
thuyết nào thay thế được. Những luận cứ, luận chứng và cách lập luận sâu sắc,
logic, chặt chẽ thể hiện ở mỗi phạm trù, mỗi luận điểm trong học thuyết giá trị
thặng dư của C.Mác cho tới nay vẫn là chân lý được thực tiễn kiểm nghiệm.
Đối với chúng ta, những người cộng sản sản chân chính, cần
phải hiểu đầy đủ, tường minh, sâu sắc từng luận điểm “gốc” của các nhà kinh điểm
mácxít, luôn luôn xem xét, nghiên cứu với thái độ khách quan, khoa học những
nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin; luôn kiên định và vững vàng trên nền
tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin để đấu tranh với những quan điểm sai
trái, thù địch. Khắc phục triệt để căn bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí,
cũng như những biểu hiện xét lại và phủ nhận học thuyết Mác – Lênin. Trong cuộc
đấu tranh này không chỉ là việc phê phán, phán bác những luận điệu, xuyên tạc,
bóp méo, vu cáo, bịa đặt của các thế lực thù địch. Điều quan trọng và có ý
nghĩa hơn cả là phải góp phần khẳng định tính khoa học và cách mạng của nền tảng
tư tưởng mà Đảng ta đã lựa chọn; xây dựng, củng cố niềm tin; không ngừng đổi mới
tư duy lý luận, góp phần vào bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin trong
điều kiện mới. Có như vậy, mới làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin tiếp tục được củng
cố, giữ vững được trận địa và phát huy ảnh hưởng, thích ứng với mọi hoàn cảnh của
lịch sử cụ thể, có sức sống dồi dào và không ngừng sáng tạo, luôn đứng vững
trên tuyết đầu của thời đại.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tuyên giáo Trung ương, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về
chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Dư luận
trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021
2. Nguyễn Bá Dương, “Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Chủ
nghĩa Mác”, Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, H. 2018.
3. Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nxb CTQG, H.
2022
[1] Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nxb CTQG Sự
thật, H. 2022, tr 18.
[2], Nguyễn
Phú Trọng, Sđd tr 21
[3] Klaus Schwab, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb Thế giới, 2018, tr158.
[4] Nguyễn
Phú Trọng Nguyễn Phú Trọng, Sđd tr 20
[5] Thomas
Piketty, Tư bản thế kỷ XXI, Nxb trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2021, tr.10-11
[6] Nguyễn
Phú Trọng Sđd tr 20.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét