Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Không để “mắc bệnh mới chữa”

 

Câu châm ngôn của người Việt Nam “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, được hiểu không chỉ thuần túy là giữ gìn và chăm sóc, chữa trị đối với sức khỏe; mà rộng ra là trong mọi việc, đều phải nhìn xa, nhìn tổng thể nhằm phát hiện những thiếu sót, sai lầm từ sớm nhằm chấn chỉnh, không để xảy ra hoặc hạn chế thấp nhất hậu quả.

Đối với một đảng cầm quyền, điều đó có ý nghĩa sống còn.

Văn kiện đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ của công tác kiểm tra là phải chủ động, đi trước một bước: “Ủy ban Kiểm tra các cấp chủ động thực hiện và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả chương trình hành động, phương hướng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hằng năm. Phải coi trọng khâu nắm tình hình giám sát hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế của Nhà nước để chủ động ngăn ngừa, phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm từ khi mới manh nha, chớm phát sinh vi phạm, không để vi phạm từ một người thành nhiều người, từ ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng”.

Mới đây nhất, ngày 27/4/2022, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “công tác kiểm tra phải đi trước một bước”, “có dấu hiệu vi phạm là Ủy ban Kiểm tra có quyền vào kiểm tra”.

Với phương châm đó, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác kiểm tra, giám sát ngày càng chủ động, tích cực hơn; qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng. Một ví dụ điển hình là đại án MobiFone mua cổ phần của AVG, công tác kiểm tra, giám sát đã giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (viết tắt là Ban chỉ đạo – PV) có những quyết sách kịp thời. Căn cứ kết luận của Ban chỉ đạo, các cơ quan chức năng đã khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử; thu hồi được hầu hết số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng (tương đương 340 triệu USD) ngân sách nhà nước bị “phù phép”, suýt trở thành tài sản cá nhân.

Trong vụ án này, một cựu bộ trưởng và một bộ trưởng đã phải lâm vòng lao lý; đáng chú ý, số tiền 3 triệu USD “nhận hối lộ” cũng được thu hồi vào ngân sách nhà nước…

Từ thời điểm đó, không ít quan chức đương nhiệm khi trót “nhúng chàm” thì rất khó thoát tội; khi nghỉ hưu rồi cũng không thể “hạ cánh an toàn”. Điển hình là các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… Riêng ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, bị Ban Bí thư xử lí nghiêm khắc bằng hình thức xóa tư cách Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016; đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghiêm khắc ra Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Cuối tháng 4/2021, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Vũ Huy Hoàng đã bị tuyên phạt mức án 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ngày 6/7/2021, tại Hội nghị lần thứ 3 (khóa XIII), Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

Với một số trường hợp khác, tưởng là “việc nhỏ” nhưng sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng, của Ủy ban Kiểm tra các cấp, thậm chí là ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đã giúp vụ việc từng bước được sáng tỏ, lộ dần ra những sai phạm lớn; hoặc kịp thời ngăn chặn những sai phạm, hậu quả lớn có thể xảy ra. Điển hình như vụ “chiếc xe Lexus biển xanh” hoặc vụ “Quán cà phê Xin Chào”… Từ sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc an dân, phát hiện và xử lí những vụ việc nhức nhối có nguy cơ “chìm xuồng” vì muôn vàn lí do như “nhạy cảm”, cần giữ “ổn định”, tránh làm “vỡ bình”. Lần lượt những vụ việc sai phạm, thất thoát trong đầu tư công, những công trình ngàn tỉ đắp chiếu, những trường hợp sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ… đã bị Ủy ban Kiểm tra các cấp vào cuộc làm rõ, xử lí triệt để.

Trở lại vấn đề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, một trong những nội dung quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát được nghị quyết nhấn mạnh là: “Chú trọng kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của UBKT các cấp, tập trung vào các vấn đề quan trọng và bức thiết như: Quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân sách, thuế, hải quan, các chương trình an sinh xã hội, cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm. Xử lý nghiêm minh tổ chức đảng và đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, nghị quyết, chỉ thị quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những hành vi dung túng, bao che cho khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên…”.

Với sự tích cực, chủ động, “đi trước một bước” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm rõ những cá nhân, tổ chức liên quan đến các vụ việc tày đình như: Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Công ty Việt Á; Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng; Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam…

Mới đây, từ những kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra… Ban Chỉ đạo cũng thống nhất đưa một số vụ việc nghiêm trọng vào diện theo dõi, chỉ đạo: Vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan; Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC; Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Vụ việc sai phạm liên quan đến Dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, TP Hồ Chí Minh; các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới liên quan đến Nguyễn Thị Kim Hạnh và những cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực liên quan đến vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang…

Dĩ nhiên, chúng ta không vui vẻ gì khi có nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp bị xử lí kỉ luật, song đúng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị công tác kiểm tra giám sát của Đảng  ngày 24/2/2017: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”.

Và để ít phải xử lí kỉ luật, công tác kiểm tra cần và phải đi trước một bước!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét