Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU CHO RẰNG: “MÁY MÓC TẠO RA GIÁ TRỊ THẶNG DƯ CHO NHÀ TƯ BẢN”

 

Lý luận Giá trị thặng dư của C. Mác đã khẳng định, chỉ có lao động sống mới tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản, máy móc chỉ là “khí quan”, giúp người lao động  khả năng nối dài đôi bàn tay. Ấy vậy mà vẫn còn những quan điểm phủ nhận luận điểm này của C. Mác. Bài viết làm rõ cơ sở khoa học nhằm góp phần phê phán những quan điểm cho rằng: Máy móc tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản; đồng thời luận chứng học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác vẫn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay

1. Những lập luận phi lý của các thế lực thù địch khi cho rằng máy móc tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản

Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại; ở các nước phát triển trên thế giới, xuất hiện nhiều nhà máy tự động hóa, rô bốt thông minh tham gia vào quy trình sản xuất kinh doanh; tạo ra hiệu suất lao động cao, thu được nhiều lợi nhuận. Trong điều kiện ấy, các thế lực chống phá học thuyết kinh tế của C. Mác lại trỗi dậy, phê phán, phủ nhận phi lý lý luận hàng hóa sức lao động, học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác. Chúng cho rằng: C. Mác đã cố tình suy diễn và áp đặt chủ quan khi gán ghép cho hàng hóa sức lao động cái tính chất đặc biệt - có khả năng tạo ra một lượng giá trị mới lớn hơn giá trị bản thân nó”[1]. Họ cho rằng sức lao động và tư liệu sản xuất có vai trò như nhau trong việc tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Thậm chí có quan điểm khẳng định, “chính máy móc chứ không phải sức lao động đã tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản”[2]. Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác chỉ đúng khi chủ nghĩa tư bản ở thời kỳ tiền sử, còn ngày nay - Chủ nghĩa tư bản hiện đại thì lý luận này không còn phù hợp nữa, máy móc sẽ tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản, nhà tư bản không bóc lột lột công nhân mà bóc lột máy móc. Họ viện dẫn những xí nghiệp ứng dụng máy móc hiện đại, ít công nhân thường cho năng suất lao động cao hơn và mang lại lợi nhuận nhiều hơn so với những xí nghiệp sử dụng nhiều công nhân cùng với máy móc lạc hậu. Thực chất của luận điệu này là ý chí chủ quan của những kẻ bồi bút, chỉ thấy cái hình thức, bề ngoài của chủ nghĩa tư bản mà không thấy được bản chất bên trong của chủ nghĩa tư bản. Họ lý giải hiện tượng này không dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học nhằm mục đích phê phán, phủ nhận Học thuyết Giá trị thặng dư của C. Mác.

2. Phản bác tính sai trái của các luận điểm trên và khẳng định Học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác vẫn còn nguyên giá trị.

Nghiên cứu sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, cũng như luận giải nguồn gốc của giá trị thặng dư, C. Mác đã chỉ rõ, tiền trong lưu thông hàng hóa giản đơn (T-H-T) chỉ đóng vai trò là vật ngang giá chung thống nhất cho các hàng hóa khác, hàng hóa thông thường đã kết tinh giá trị trong nó và được trao đổi theo nguyên tắc ngang giá. Điều đó có nghĩa là tiền và hàng hóa thông thường trong lưu thông hàng hóa giản đơn không làm tăng thêm giá trị. Để đáp ứng tham vọng làm giàu của mình, nhà tư bản phải tìm trên thị trường được hàng hóa sức lao động - một loại hàng hóa đặc biệt mà khi sử dụng nó tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản. Hàng hóa sức lao động không chỉ là tiền đề quan trọng ra đời phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mà còn là chìa khóa giải quyết mâu thuẫn công thức chung của tư bản, là nguồn gốc duy nhất tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản.

Luận giải nguồn gốc, bản chất của giá trị thặng dư, C. Mác đã chỉ ra rằng, quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa là thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị. Trong quá trình sản xuất đó, nhà tư bản tiêu dùng sức lao động đã mua bằng cách bắt người công nhân lao động để tạo ra hàng hóa cho nhà tư bản. Trong quá trình lao động, bằng lao động cụ thể của mình, người công nhân chuyển dần giá trị của máy móc, nguyên nhiên vật liệu vào trong sản phẩm mới; bằng lao động trừu tượng của mình người công nhân tạo ra lượng giá trị mới không chỉ đủ bù đắp lại giá trị hàng hóa sức lao động mà còn phần dôi ra ngoài giá trị sức lao động bị nhà tư bản chiếm đoạt. C.Mác gọi phần giá trị dôi ra này là giá trị thặng dư (ký hiệu là m). Để chứng minh cho luận điểm này, C. Mác đã lấy ví dụ ở một nhà máy sản xuất sợi để chứng minh, Ông đưa ra giả định: Nhà tư bản ứng trước 15 silinh để mua 10 pao bông với giá là 10 silinh, chi phí hao mòn máy móc là 2 silinh, mua sức lao động là 3 silinh làm việc trong 10 giờ. Năng suất lao động đạt đến trình độ người công nhân chỉ làm trong ½ ngày đã đủ bù đắp giá trị hàng hóa sức lao động. Sau 5 giờ đầu, người công nhân tạo ra được 10 pao sợi có giá trị là 15 silinh (10 silinh bông + 2silinh hao mòn máy móc + 3 silinh mua hàng hóa sức lao động). Nếu sản xuất dừng ở đây, thì nhà tư bản không thu được gì; nhưng nhà tư bản mua sức lao động với giá 3 silinh làm việc trong 10 giờ; vì vậy người công nhân tiếp tục phải làm cho nhà tư bản 5 giờ nữa. Trong 5 giờ tiếp theo, người công nhân cũng tạo ra 10 pao sợi có giá là 15 silinh. Như vậy, trong ngày lao lao động 10 giờ, người công nhân đã chuyển 20 pao bông thành 20 pao sợi với giá là 30 silinh, nhưng chi phí tư bản bỏ ra chỉ có 27 silinh, phần dư ra 3 silinh là do công nhân lao động trong 5 giờ tiếp theo không được trả công, bị nhà tư bản chiếm đoạt, C. Mác cho rằng: “Vậy 27 silinh đã chuyển hóa thành 30 silinh. Chúng đã đem lại một giá trị thặng dư là 3 silinh. Cuối cùng trò ảo thuật đã được thực hiện. Tiền đã biến thành tư bản”[3]. Từ lý luận trên, chúng ta khẳng định: chính lao động của người công nhân đã tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản, chứ không phải là máy móc; nhà tư bản bóc lột công nhân chứ không bóc lột máy móc.

Để làm rõ quá trình sản xuất giá trị thặng dư trong điều kiện cạnh tranh và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới vào sản xuất, C. Mác đã phân tích phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối là phương pháp nhà tư bản rút ngắn thời gian lao động tất yếu của người công nhân trong khi ngày lao động không đổi, khi đó giá trị thặng dư tăng lên. Thực chất phương pháp này là nhà tư bản áp dụng tiến bộ khoa học và tối ưu hóa quá trình sản xuất để thu lợi nhuận siệu ngạch, bóc lột công nhân một cách tinh vi hơn. C. Mác đã lấy ví dụ: “Giả định rằng một phát minh nào đó cho phép người kéo sợi có thể kéo trong 6 giờ một lượng bông trước kia phải kéo trong 36 giờ. Với tư cách là một hoạt động sản xuất có mục đích và có ích thì lao động của người kéo sợi đã tăng sức mạnh của nó lên gấp 6 lần. Sản phẩm của người đó cũng tăng lên gấp 6 lần: 36 pao sợi chứ không phải 6 pao nữa. Nhưng 36 pao bông ấy bây giờ cũng chỉ thu hút một thời gian lao động như 6 pao trước kia. Chúng được gắn thêm một số lao động mới 6 lần ít hơn so với những phương pháp trước kia, vì vậy giá trị mới thêm vào cũng chỉ bằng một phần sáu so với trước. Mặt khác, trong sản phẩm, trong 36 pao sợi, bây giờ lại có một giá trị bông gấp 6 lần”[4]. Điều đó có nghĩa rằng, khi ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, năng suất lao động xã hội tăng lên, số lượng sản phẩm làm ra trong một đơn vị thời gian tăng lên, lượng giá trị một đơn vị hàng hóa giảm xuống đã làm cho giá trị hàng hóa sức lao động giảm (đồng nghĩa với việc phần thời gian lao động tất yếu của người công nhân rút ngắn lại); bởi vì, giá trị hàng hóa sức lao động được biểu hiện ở toàn bộ hàng hóa, dịch vụ bảo đảm tái sức lao động của người công nhân. Tương ứng với phần thời gian lao động tất yếu của người công nhân rút ngắn lại là thời gian lao động thặng dư cho nhà tư bản tăng lên và giá trị thặng dư mà nhà tư bản thu được cũng tăng lên. C.Mác cho rằng: “Trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, sự phát triển sức sản xuất của lao động nhằm mục đích rút ngắn phần ngày lao động mà người công nhân phải làm cho bản thân, để chính bằng cách đó kéo dài cái phần kia của ngày lao động, cái phần mà người công nhân có thể làm không công cho nhà tư bản”[5]. Như vậy, ngày nay có xuất hiện nhiều nhà máy tự động hóa, rô bốt thông minh thay thế phần lớn các khâu, quy trình, hoạt động sản xuất thì sức lao động của công nhân vẫn là nguồn gốc duy nhất tạo ra tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản, chứ không phải máy móc cho dù chúng có hiện đại đến mấy.

Để tiếp trục khẳng định rõ nguồn gốc của giá trị thặng dư, C. Mác đã chia tư bản thành tư bản bất biến và tư bản khả biến. Trong đó, tư bản bất biến là một bộ phận tư bản dùng để mua tư liệu sản xuất, nó biểu hiện ở nguyên nhiên vật liệu và máy móc, kho xưởng, ký hiệu là C; bộ phận này về mặt hiện vật tham gia toàn bộ vào quá trình sản xuất, nhưng giá trị của chúng được chuyển dần vào sản phẩm, không làm tăng thêm giá trị. Tư bản khả biến là bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động, ký hiệu là V; bộ phần tư bản này khi sử dụng, bằng tính chất hai mặt của nó không chỉ chuyển giá trị của sản phẩm đầu vào sang sản phẩm mới mà còn tạo ra một lượng giá trị mới (V+M) bao hàm tiền công nhà tư bản trả cho công nhân và phần giá trị thặng dư nhà tư bản chiếm đoạt. Như vậy, một lần nữa, khẳng định: Sức lao động của công nhân (bộ phận tư bản khả biến) là nguồn gốc tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản; máy móc, nguyên nhiên vật liệu (Bộ phận tư bản bất biến) chỉ chuyển hết một lần hoặc chuyển dần giá trị của nó vào phẩm mới thông qua lao động cụ thể của người công nhân.

Thực tiễn ngày nay cho thấy, khoa học công nghệ có bước phát triển, chủ nghĩa tư bản có điều kiện đề tăng tích lũy tư bản, xuất hiện nhiều nhà máy tự động hóa, máy móc thay thế con người trong phần lớn các khâu của quá trình sản xuất. Tuy nhiên, lao động quá khứ được vật hóa trong máy móc ngày càng tăng lên; năng suất lao động xã hội tăng đồng nghĩa với việc phần giá trị tất yếu dành cho người công nhân giảm và giá trị thặng dư cho nhà tư bản tăng lên; làm tăng tích lũy sự giàu có cho nhà tư bản và sự bần cùng hóa người công nhân: “Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí còn chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần nhiều của cải, tư liệu sản xuất, trấn áp tới 3/4 nguồn kinh tế tài chính, tri thức và những phương tiện thông tin đại chúng đa phần và do đó chi phối toàn xã hội” và khẳng định: “Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế-xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó”[6]

Ngày nay, cho dù khoa học và công nghệ trên thế giới ngày càng phát triển, việc áp dụng các thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất, từ đó những quan hệ kinh tế - xã hội rất phức tạp, đa chiều nảy sinh, không ít người lầm tưởng cho rằng máy móc tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản là nhằmbôi nhọ, xuyên tạc, phủ nhận lý luận hàng hóa sức lao động, học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác. Song với thiên tài vạch thời đại của mình, C. Mác đã luận giải, chứng minh và khẳng định chỉ có lao động sống mới tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản và sản xuất giá trị thặng dư là quy luật kinh tế tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Lý luận hàng hóa sức lao động cũng như học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác vẫn luôn là “hòn đá tảng”, là cơ sở để phân tích, xem xét bản chất kinh tế - chính trị của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Bảo vệ học thuyết kinh tế của C. Mác và nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng ta trong bối cảnh mới, mỗi chúng ta cần quán triệt và cụ thể hóa chủ trương của Đảng ta là: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị; bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc”[7]./.

 


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chu Văn Cấp (2017), “Không thể bác bỏ học thuyết kinh tế Mác - Lê-nin”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử, http://tapchiqptd.vn/ cập nhật 08.00 ngày 05/05/2022

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, 2, Nxb CTQGST, Hà Nội năm 2021.

3. Nguyễn Văn Hoan (2021), Phê phán quan điểm sai trái về kinh tế chính trị học Mác - Lênin ở Học viện Chính trị hiện nay, đề tài khoa học nhóm cấp Khoa, năm 2021

4. C. Mác & Ph. Ăngghen Toàn tập, tập 23, Nxb CTQGST, Hà Nội. 2002.

5. Hoàng Ngọc Hải, Hồ Thanh Thủy (2020), “Học thuyết giá trị thặng dư vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh mới”, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/, cập nhật 08.00 ngày 05/05/2022

6. Trần Hoa Phượng (2021), “Phủ nhận lý luận về hàng hóa sức lao động của C. Mác hay trò xảo biện che đậy bản chất bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản hiện đại”, Tạp chí Cộng sản, Tháng 5/2021.

7. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2022.



[1] Nguyễn Văn Hoan (2021), Phê phán quan điểm sai trái về kinh tế chính trị học Mác - Lênin ở Học viện Chính trị hiện nay, đề tài khoa học nhóm cấp Khoa, năm 2021, tr.21

[2] Sđd, tr.22

[3] C.Mác & Ph. Ăngghen toàn tập, tập 23, Nxb CTQGST, Hà Nội. 2002, tr.221.

[4] C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, tập 23, Nxb CTQGST, Hà Nội. 2002, tr.333.

[5] C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, tập 23, Nxb CTQGST, Hà Nội. 2002, tr.518.

 

[6] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2022, tr.17, 20.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb CTQGST, Hà Nội. 2021, tr. 244, 245.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét