Hiện nay, để chống phá cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc và cá thế lực thù địch đã sử dụng tổng hợp các âm mưu, thủ đoạn trên tất cả các lĩnh vực, trong đó “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế luôn được chủ nghĩa đế quốc xem là mũi nhọn. Chính vì vậy, nhận diện và đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực kinh tế được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình“ ở nước ta hiện nay.
1.
Nhận diện “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế
“Diễn
biến hòa bình” là chiến lược toàn cầu phản cách mạng do chủ nghĩa đế quốc và
các thế lực thù địch tiến hành bằng các biện pháp phi quân sự, nhằm chiến thắng
chủ nghĩa xã hội không cần chiến tranh. Bằng chiến lược “diễn biến hoà bình”, chủ nghĩa đế
quốc đã góp phần làm tan rã chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu vào những năm
90 của thế kỷ XX. Hiện nay, “diễn biến hoà bình” được chủ nghĩa đế quốc tập
trung vào các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó Việt Nam được coi là một
trọng điểm. Để chống phá cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực
thù địch đã sử dụng tổng hợp các âm mưu, thủ đoạn trên tất cả các lĩnh vực,
trong đó, “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực kinh tế luôn được chúng xem là mũi
nhọn. Sở dĩ các thế lực thù địch lựa chọn lĩnh vực kinh tế là mũi nhọn trong
chiến lược diễn biến hòa bình là do: Một mặt, kinh tế là lĩnh vực cơ bản của đời
sống xã hội và là cơ sở của các lĩnh vực khác, như chính trị, văn hóa - xã hội,
quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Diễn biến hòa bình trên lĩnh vực kinh tế sẽ tạo điều kiện vật chất để diễn biến hòa bình trên các lĩnh vực khác, đặc biệt là
lĩnh vực chính trị. Mặt khác, thực
hiện diễn biến hòa bình trên lĩnh vực kinh tế sẽ dễ hơn các lĩnh vực khác bởi vì do nhu cầu mở cửa
hội nhập kinh tế quốc tế của ta trong bối cảnh toàn cầu hóa là thời cơ để chủ
nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch thâm nhập chống phá. Hơn nữa, do kinh tế
nước ta hiện nay còn nhiều yếu kém, đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp khó
khăn, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đây
là điều kiện thuận lợi để chúng mua chuộc, lôi kéo, kích động đồng bào chống
lại Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các
thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta bắt gặp không ít luận điểm tìm
cách xuyên tạc, chống phá thể hiện trên nhiều góc độ, nội dung trong điều kiện
phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập ngày càng
sâu rộng vào khu vực và thế giới. Có thể khái quát một số nội dung, thủ đoạn mà
các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta trên lĩnh vực kinh tế như sau:
Một là, tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận những tư tưởng
kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan
điểm kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một trong những âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc của chủ
nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Để thực hiện âm mưu đó chúng triệt để lợi
dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình sách, báo, phim ảnh, đào
tạo cán bộ, giảng dạy kinh tế ở các trường đại học do chuyên gia nước ngoài
thực hiện, chúng tìm cách xuyên tạc, phê phán, đòi xem xét lại những quan điểm,
tư tưởng kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối,
chính sách kinh tế của Đảng với mục đích xóa bỏ nền tảng tư tưởng kinh tế ở
Việt Nam, chuyển hóa nền kinh tế phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Chẳng hạn, để phủ nhận học thuyết kinh tế mác - xít, chúng tìm mọi cách xuyên
tạc và xóa bỏ học thuyết giá trị thặng dư - “viên đá tảng” trong học thuyết
kinh tế chính trị của C.Mác, chúng cho rằng, dưới chủ nghĩa xã hội sản xuất
hàng hóa cũng bóc lột giá trị thặng dư. Trên cơ sở đó chúng tập trung công kích
và phê phán mô hình kinh tế, xuyên tạc bản chất nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa mà ta đang xây dựng và phát triển; rằng công hữu nghĩa
là vô chủ, là không của ai, không hiệu quả,
là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khó khăn và nảy sinh các hiện tượng tiêu cực
trong xã hội.
Hai là,
thông qua các hoạt động viện trợ, đầu tư, liên doanh, liên kết làm biến đổi dần
cơ sở kinh tế - xã hội của chủ nghĩa xã
hội ở nước ta. Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại là một chủ trương đúng đắn của Đảng và
Nhà nước ta, trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đây lại là thời cơ để chủ
nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực
kinh tế, nhằm làm thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước
ta. Cụ thể: thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, gây áp lực kinh tế, chính
trị đòi Việt Nam phải tư nhân hóa nền kinh tế, hạn chế vai trò chủ đạo của kinh
tế nhà nước, bởi theo chúng, kinh tế nhà nước là ung nhọt, là sân sau của những
“nhóm lợi ích” cấp cao, là những tổ mối đục khoét của cải đất nước, để từ đó
thúc đẩy khả năng chệch hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường, tự
do hóa thị trường theo hướng kinh tế thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản. Bằng
các hoạt động đầu tư, viện trợ, đào tạo… các thế lực thù địch cố tình tạo sự
phát triển chênh lệch giữa các vùng, miền, các ngành kinh tế, sự mất cân đối của
nền kinh tế quốc dân, đồng thời đặt ra những điều kiện ràng buộc về mặt chính
trị gắn với gây sức ép về chính trị để từng bước can thiệp nội bộ và tạo sự
chuyển hóa theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
Ba là, thực
hiện phá hoại nền kinh tế nước ta bằng nhiều hình thức biện pháp vừa tinh vi, vừa
trắng trợn trên các lĩnh vực. Chúng dùng đồng tiền, vật chất mua chuộc làm tha hóa một
bộ phận cán bộ, đảng viên, tạo ra tâm lý hưởng thụ, lối sống thực dụng, từ đó
làm mất uy tín đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với
Đảng và Nhà nước. Gần đây chúng còn thổi phồng, bóp méo thông tin về những khó
khăn của nền kinh tế nước ta nhằm làm rối loạn thị trường và xã hội, hạ thấp uy
tín của Việt Nam trên trường quốc tế bằng việc tung tin thất thiệt về các cán
cân kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính – tiền tệ, thị trường chứng khoán; Lợi dụng vào chính sách mở cửa của
ta, thông qua các hình thức như đi du lịch, tham quan, hội thảo tại Việt Nam
chúng thâm nhập nắm tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh của
ta. Đặc biệt, chúng rất quan tâm đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân
quyền ở Việt Nam. Chúng gặp các đối tượng bất mãn, chống đối, đi vào sâu trong
buôn làng để tuyên truyền tôn giáo, xây dựng nhà thờ, mua chuộc các già làng, dụ
dỗ thanh niên dân tộc chạy ra nước ngoài. Ngoài các thủ đoạn trên, chủ nghĩa đế
quốc và các thế lực thù địch còn dùng tiền bạc, hàng hóa mua chuộc, lôi kéo,
kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chống đối chính quyền. Các tổ
chức người Việt phản động ở nước ngoài được nhiều tổ chức chống đối Việt Nam
nuôi dưỡng tìm cách gửi tiền, hàng hóa về cho thân nhân, gia đình đồng thời
tuyên truyền về đời sống sung sướng ở các nước phương Tây. Điều này làm cho một
bộ phận dân cư trong nước không quan tâm làm ăn mà chỉ trông chờ tiền gửi về từ
nước ngoài, một số người hy vọng sang các nước phương Tây để được sung sướng và
khi có điều kiện họ sẵn sàng ra đi, kể cả vượt biên trái phép.
2. Một số hạn
chế trong đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực kinh tế ở nước
ta hiện nay
Trong những năm qua, mặc dù chúng ta đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp;
sử dụng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng với những hình thức đấu tranh linh
hoạt nhưng kết quả đạt đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực
kinh tế còn nhiều hạn chế cần được nhìn nhận và sớm khắc phục. Cụ thể:
Một là, công tác đấu tranh phê
phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách kinh
tế của Đảng, Nhà nước ta còn bị động, hiệu quả thấp. Hình thức, biện pháp đấu tranh còn đơn điệu; chưa
phát huy được sức mạnh tổng hợp của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt
là báo chí, truyền thanh, truyền hình. Đáng lưu ý, một số cơ quan báo chí “thiếu
nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hoá, có biểu hiện xa rời
sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ mục đích, thông
tin không trung thực, thiếu chính xác”[1]. Công
tác quản lý Nhà nước về truyền thông còn nhiều bất cập, rất nhiều trang web có
nội dung xấu, tuyên truyền, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin; đường lối của Đảng,
đời tư các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước... vẫn tồn tại ngang nhiên, chúng
ta chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu các trang web này.
Hai là, công tác đấu tranh chống địch
phá hoại trên lĩnh vực kinh tế còn bị động, kết quả chưa cao. Trong đấu tranh chống sự phá hoại về kinh tế của các thế
lực thù địch, mặc dù chúng ta đã tích cực, chủ động, đấu tranh bằng nhiều hình
thức. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa địch lợi dụng các hoạt
động tài trợ, du lịch, hội thảo, tham quan để móc nối, tổ chức xây dựng lực lượng
ngầm chống đối có địa phương làm chưa tốt. Chính vì vậy, trên địa bàn Tây
Nguyên đã xảy ra 2 cuộc bạo động năm 2001 và năm 2004. Gần đây, tội phạm kinh tế,
nhất là tội phạm kinh tế có yếu tố nước ngoài có xu hướng gia tăng, ngày càng
có diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, phương thức hoạt động… gây thiệt
hại lớn về tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và tài sản của
công dân, tạo tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát
phòng, chống tội phạm, tội phạm về kinh tế trên địa bàn cả nước, giai đoạn
2008-2013 xảy ra 12.953 vụ/năm, trung bình hàng năm ở giai đoạn này Công an các
đơn vị, địa phương đã khởi tố điều tra gần 200 vụ án về tội phạm kinh tế, liên
quan đến hơn 320 đối tượng (chiếm 22% tổng số vụ), trong đó nổi lên là các hoạt
động lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tính nhiệm chiếm đoạt tài sản (chiếm
12% trong tổng số vụ), đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt thuế VAT, hoạt động tàng
trữ lưu hành tiền giả, kể cả ngoại tệ giả.
Ba là, công tác đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn nhiều hạn chế, bất cập. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm
chính trị rất cao và luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực
khó khăn, phức tạp, phải tiến hành kiên trì, liên tục để ngăn chặn và từng bước
đẩy lùi tham nhũng. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình
trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước
diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng
trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều
lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất
đai; quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Bên cạnh đó, biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng,
trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Trong nội
bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” có những diễn biến phức tạp”[2]. Một số cán bộ, đảng viên có những biểu hiện cụ thể như
hoang mang, dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng,
về mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; nói và làm không
đúng, thậm chí nói ngược với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước; phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn;
phủ nhận mọi thành tựu mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được trong cuộc đấu
tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như
trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay;
truyền bá văn hóa, lối sống tư sản cũng như các quan điểm tư tưởng phi mácxít,
phi xã hội chủ nghĩa, đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
v.v… Đại hội XII nhận định: “Không ít cán bộ, đảng viên có những
biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về
mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đã xuất hiện
những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều
lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”[3].
Những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh phòng, chống
“diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế làm cho tính định hướng xã hội chủ
nghĩa trong nền kinh tế thị trường trở nên ngày càng khó khăn. Điều đó đòi hỏi
cần phải có những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục những hạn chế trong đấu tranh
phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế ở nước ta thời gian tới.
3. Một số giải pháp đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa
bình trên lĩnh vực kinh tế
Phòng, chống chiến lược “diễn biến
hoà bình” trên lĩnh vực kinh tế là tổng thể những biện pháp của chúng ta nhằm
phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của địch “diễn biến”
trên lĩnh vực kinh tế, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế nước ta
trong quá trình phát triển. Để công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên
lĩnh vực kinh tế đạt được hiệu quả cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản
sau:
Thứ nhất, chủ động, tích cực đấu tranh trên mặt trận lý
luận tư tưởng, bảo vệ phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo
vệ đường lối kinh tế của Đảng. Đây là giải pháp cơ bản lâu dài cần phải được quán triệt và tổ chức thực hiện trong suốt quá
trình phát triển kinh tế của đất nước. Muốn làm được điều đó, trước hết phải đầu
tư nghiên cứu để nắm cho chắc, hiểu cho sâu và hiểu một cách hệ thống các quan
điểm kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin. Trên cơ sở nghiên cứu một cách đầy đủ
và có hệ thống các quan điểm kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, chúng ta phải biết vận dụng một cách sáng tạo các tư tưởng kinh tế của
các ông sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và tình hình quốc tế.
Đồng thời thường xuyên tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nhằm làm rõ tính
khoa học trong đường lối kinh tế của Đảng, kịp thời tổng kết thực tiễn, đúc kết
thành lý luận không tạo ra khoảng trống về lý luận, tư tưởng để kẻ thù chống
phá. Tiếp đến cần chủ động, nhạy bén kiên quyết đấu tranh, vạch trần âm mưu, thủ
đoạn chống phá của kẻ thù, bảo vệ tính cách mạng, khoa học của học thuyết kinh
tế Mác – Lênin.
Thứ
hai, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong
phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Thực hiện tốt giải pháp này cũng
chính là phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế một
cách có hiệu quả, nhằm kiên định với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng,
Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, từng bước thực hiện được mục tiêu: dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để giữ vững định hướng xã hội chủ
nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, trước hết cần
hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo
môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh tế phát triển. Tiếp đến cần tăng cường
vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; tăng cường vai trò chủ đạo của
kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân.
Thứ
ba, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, chống nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế. Chúng ta đều biết, nước ta đi lên xây dựng chủ nghĩa xã
hội từ một điểm xuất phát thấp, lại phải chịu ảnh hưởng hậu quả nặng nề của nhiều
năm chiến tranh, những năm gần đây luôn bị tác động của khủng hoảng tài chính
và suy thoái kinh tế toàn cầu, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế là nguy cơ tiềm
tàng và hiện thực. Vì vậy, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước là phương thức tốt nhất để chống lại có hiệu quả âm mưu của
các thế lực thù địch lợi dụng khả năng chậm phát triển của nước ta để thực hiện
“diễn biến hòa bình”. Để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong
điều kiện nguồn lực có hạn, trước hết chúng ta phải huy động tối đa nguồn lực
trong nước bằng việc đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, trong đó tập
trung vào ba lĩnh vực chủ chốt là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ
chức tín dụng. Tiếp đến cần tranh thủ các nguồn lực nước ngoài do quá trình hội
nhập kinh tế quốc tế đem lại. Để nâng cao hiệu quả thu hút nguồn lực nước ngoài
cần phải kiên trì thực hiện đường lối độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát
triển, đa phương hóa, đa dạng hóa trong hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm thu
hút vốn đầu tư, viện trợ phát triển, tận dụng tối đa khoa học - công nghệ, kinh
nghiệm quản lý của các nước phát triển. Đồng thời, chủ động kết hợp chặt chẽ giữa
mở rộng kinh tế đối ngoại với bảo vệ an ninh và chủ quyền kinh tế của đất nước;
đấu tranh chống mọi âm mưu lợi dụng hợp tác kinh tế làm phương hại đến nền kinh
tế nước ta.
Thứ
tư, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã
hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã triệt để lợi
dụng vào sự yếu kém của nền kinh tế của nước ta để thực hiện các hành động chống
phá. Vì vậy, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn tăng trưởng kinh tế cao
với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội,
nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu
số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là giải pháp hữu hiệu nhất để đấu
tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ
thù. Để làm được vấn đề này cần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay
trong từng bước và từng chính sách phát triển, đồng thời, xây dựng các chủ
trương, chính sách đúng đắn, sát thực tế nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội
nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có
nhiều khó khăn.
Thứ năm, thực hiện tốt cuộc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác, kết hợp chống “diễn biến hòa bình” của
địch với chống “tự diễn biến” của ta. Tham
nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa đế quốc
và các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành “diễn biến hòa bình”; đồng thời đây
cũng là vấn đề “tự diễn biến” của ta mà kẻ thù đang mong đợi. Bởi vì, tham ô,
lãng phí, quan liêu diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên biến chất làm
cho nhân dân bất bình, mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ; kẻ thù lợi dụng thổi
phồng, bóp méo, kích động nhân dân chống lại Đảng, Nhà nước. Để làm thất bại âm
mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch
với nước ta trên lĩnh vực kinh tế, cùng với việc thực hiện tốt các giải pháp
như trên cần phải tiến hành tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí,
quan liêu, các tệ nạn xã hội khác và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân.
[1] Đảng Cộng sảnViệt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm BCHTWĐ khoá X, Nxb CTQG, Hà Nội,
2007.Tr 37
[2]
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.185
[3]
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr.195.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét