Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI LÀ TẤT YẾU LỊCH SỬ (tiếp)

 

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN Ở MỖI QUỐC GIA

LUÔN CÓ TÍNH ĐẶC THÙ RIÊNG BIỆT

Yếu tố cơ bản, bất biến và có ý nghĩa phổ biến của một nhà nước pháp quyền là: Hiến pháp và thượng tôn hiến pháp; tính minh bạch của pháp luật và của việc thực hiện pháp luật; pháp luật phải dễ tiếp cận và được thực hiện kịp thời; phân quyền, phân công, phối hợp quyền lực nhà nước; sự độc lập của Tòa án. Tuy nhiên, một yếu tố cơ bản, đi đôi và gắn liền nữa đó là, sẽ không có và không thể xác lập và khẳng định được chế độ pháp quyền nếu ở một quốc gia có các yếu tố phổ biến và yếu tố đặc thù loại trừ, vô hiệu lẫn nhau, đối nghịch với nhau với tính cách là những giá trị xã hội. Theo đó, cùng với tính phổ biến, tính đặc thù của nhà nước pháp quyền được lịch sử và hiện tại xác nhận trên cả lý thuyết và hiện thực ở vấn đề sau:

Nhà nước pháp quyền ở mỗi nước về thực chất là sự phản ánh mối liên hệ giữa tính phổ biến với tính đặc thù của nhà nước pháp quyền. Đây là mối liên hệ giữa cái chung và cái riêng; cái chung bao giờ cũng tồn tại trong những cái riêng, và cái riêng, cái đặc thù thì luôn luôn cụ thể và đa dạng hơn nhiều so với cái chung – ở đây chính là những giá trị cốt lõi, những nguyên tắc và đòi hỏi của nhà nước pháp quyền.

Ngay từ khi manh nha ra đời, nhà nước pháp quyền đã có hai phiên bản gắn liền với đặc thù địa chính trị, văn hóa, tư tưởng. Đó là hai kiểu nhà nước pháp quyền ở phương Tây và phương Đông đã tồn tại và gắn liền với những tư duy, quan niệm về chúng. Tiếp đó, dưới ảnh hưởng của Luật La Mã, về sau này là ảnh hưởng của tư tưởng pháp luật thực chứng của Hans Kelsen (1881-1973) đã coi bất kỳ một nhà nước có pháp luật nào cũng đều là nhà nước pháp quyền nếu pháp luật được quy định bởi nhà nước và nhà nước được đảm bảo tồn tại theo một trật tự pháp luật nhất định. Quan điểm này không chú ý đến nội dung thực chất của pháp luật, phủ nhận mối quan hệ giữa pháp luật với văn hoá, với đạo đức.

Xa hơn Kelsen một chút và gần hơn với học thuyết pháp luật tự nhiên, quan niệm ở Hoa Kỳ về “thủ tục pháp lý chặt chẽ” cũng đề cao nhà nước pháp quyền theo hướng coi trọng thủ tục chặt chẽ, có thể lường trước được, mặc dù quan niệm Rule of Law của Hoa Kỳ là thiên về pháp luật tự nhiên, khi pháp luật được hiểu là sự công bằng, là giá trị quyền con người. Trong khi đó, quan niệm khác gắn nhà nước không chỉ với pháp luật mà cả với văn hoá và đạo đức xã hội. Đó là mô hình Nhà nước pháp quyền khoan dung, mềm dẻo. Mô hình này cũng thừa nhận các chuẩn mực pháp lý. Tuy nhiên, điều cốt lõi trong quan hệ giữa nhà nước, pháp luật và đạo đức là ở chỗ các cơ cấu pháp lý là cơ sở để cá nhân hành động vừa theo pháp luật vừa theo cả các nguyên tắc đạo đức để rồi cuối cùng phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình. Như vậy, pháp luật và đạo đức đều trở thành chuẩn giá trị cho hành vi, nhưng trách nhiệm pháp lý vẫn là thước đo cuối cùng. Nền tảng đạo đức của chế độ pháp trị ở đây chính là các giá trị khoan dung và công bằng. Pháp luật không chỉ dựa trên sự phục tùng đơn thuần mà là một chế độ, một trật tự tự giác và tự chịu trách nhiệm trên cơ sở tự do tham gia vào các quá trình và quan hệ xã hội.

Về thực tiễn, ở phương Tây và ở phương Đông, tư tưởng Nhà nước pháp quyền đều gắn với pháp luật, nhưng tư tưởng nhà nước pháp quyền ở phương Đông chịu ảnh hưởng to lớn bởi tư tưởng pháp trị coi pháp luật thuần túy là công cụ trong tay nhà nước, nên bước chuyển sang tư duy nhà nước phải chịu sự ràng buộc của pháp luật là rất khó khăn và là thách thức thực sự trên con đường xây dựng chế độ pháp quyền. Thêm vào đó, những điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội khó khăn đã nuôi dưỡng quan niệm coi trọng lợi ích của cộng đồng to hơn lợi ích cá nhân con người nên ở đó có không nhiều những cơ chế pháp lý hữu hiệu và ổn định để bảo vệ quyền con người. Từ đó dẫn đến việc người có chức quyền thiếu ý thức tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của con người và ngay cả người dân cũng ít có ý thức về quyền.

Như vậy, nền chính trị ở mỗi nước khác nhau, truyền thống văn hóa và đặc điểm dân tộc khác nhau trong từng thời kỳ lịch sử đã dẫn đến những sự khác nhau trong cách hiểu và cách thức tổ chức quyền lực nhà nước cũng như cách thức vận dụng các đặc trưng chung của nhà nước pháp quyền vào thực tiễn. Trong số đó, việc đưa các giá trị đạo đức vào tiêu chí pháp luật nội dung và pháp luật thủ tục được coi là một xu hướng rất rõ nét của nhà nước pháp quyền hiện đại, tạo nên tính tất yếu, đặc thù, riêng có của nhà nước pháp quyền, không những không loại trừ tính phổ biến mà còn tạo thêm cơ sở để dần làm rõ hơn tính phổ biến của nó.

Trong đời sống pháp lý của thế giới hiện đại ngày nay đã cho thấy, nhà nước pháp quyền ở mỗi quốc gia luôn có tính đặc thù riêng biệt, có tính pháp quyền riêng biệt; tôn trọng tính riêng biệt của nhà nước và chế độ chính trị khác nhau giữa các quốc gia thành viên LHQ là pháp lý và là nguyên cớ căn bản nhất để LHQ tồn tại; không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác cũng là điều căn bản nhất được ghi nhận trong Hiến chương LHQ.

Từ những chứng cứ về lý luận và thực tiễn trên đây cho thấy, những ai lấy pháp quyền và pháp lý của LHQ để làm tiêu chí đánh giá về pháp quyền và nhà nước pháp quyền của nước khác là “chỉ biết một mà không biết mười”, chỉ thấy hiện tượng mà không thấy được bản chất của pháp luật và “trò chơi” pháp luật trong một thế giới mà sự bất bình đẳng do chủ nghĩa tư bản và nhà nước tư sản gây nên. Bất cứ ai tuyệt đối hóa hoặc tính phổ biến, hoặc tính đặc thù của nhà nước pháp quyền đều là sai lầm, nếu quá nhiệt tình với tư tưởng này thì sẽ trở thành “phản động về chính trị”. Người hiểu biết, chính đảng và nhà nước sáng suốt chính là ở việc biết lược chọn, kết hợp và thực thi một cách phù hợp tính phổ biến và tính đặc thù của nhà nước pháp quyền./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét