Xây dựng và hoàn thiện nhà nước là vấn đề tất yếu và xuyên suốt của mọi giai cấp thống trị nhà nước. Không có bất cứ nhà nước nào trong lịch sử ngay từ lúc sinh ra đã hoàn thiện về mọi mặt. Lợi dụng việc Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, để xuyên tạc về chính trị và bịa đặt về thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là âm mưu, thủ đoạn chính trị đen tối của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội về chính trị. Những luận điệu đó cần phải được vạch trần và lên án và đấu tranh bác bỏ trên một số vấn đề chủ yếu sau:
PHÁP QUYỀN TƯ SẢN CÀNG “HOÀN THIỆN” BAO NHIÊU,
CÀNG PHỦ ĐỊNH BẢN CHẤT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC
THUỘC VỀ NHÂN DÂN BẤY NHIÊU
Nhà nước pháp quyền là sản phẩm chung của nhân loại. Dẫu lịch sử đã cho thấy nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa (TBCN) ra đời trước nhà nước pháp quyền XHCN, nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ có nhà nước TBCN mới được gọi là “nhà nước pháp quyền”. Trái lại, lịch sử hiện đại lại đang chứng minh tính chất “pháp quyền” của nhà nước XHCN hơn hẳn tính chất “pháp quyền” của nhà nước TBCN. Điều này được thể hiện trên một số vấn đề dưới đây:
Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó vị thế pháp lý hay một hệ thống thể chế, nơi mỗi người đều phải phục tùng và tôn trọng luật pháp, từ cá nhân đơn lẻ cho tới cơ quan công quyền. Dẫu là nhà nước pháp quyền TBCN hay nhà nước pháp quyền XHCN thì “mẫu số chung” về mặt lý thuyết là: Nhà nước xây dựng pháp luật để quản lý xã hội và tự đặt mình dưới pháp luật; mọi cơ quan nhà nước đều phải được tổ chức và chỉ được phép hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật; công dân tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật; quyền công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ… Đây là điều không thể phủ nhận. Đồng thời, trên thế giới hiện nay, bất cứ nhà nước TBCN nào hay nhà nước XHCN nào cũng phải xây dựng hệ thống luật pháp của mình nhằm quản lý xã hội bằng pháp luật, luôn đề cao vai trò của pháp luật, buộc nhà nước, cơ quan nhà nước và công dân phải thực hiện theo pháp luật.
Nhà nước pháp quyền XHCN luôn đề cao, thượng tôn pháp luật, thể hiện bằng việc xác lập, hiến định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”; kế thừa tính hợp lý “học thuyết phân quyền”, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Còn nhà nước pháp quyền TBCN, ngay cả cái gọi là nhà nước “tự do nhất” như Hoa Kỳ thì trong Hiến pháp của họ cũng không bao giờ hiến định nổi một câu “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Trái lại, đó là một sự tước đoạt hết thảy quyền lực của nhân dân bằng cách tuyệt đối hóa “học thuyết phân quyền”, cối lõi là lý thuyết “tam quyền phân lập”, quyết giành và phân định một cách tuyệt đối và rõ ràng quyền lực cho ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp với nhau… Như vậy, cái quyền lực đầu tiên và quan trọng nhất là “quyền lực của nhân dân” đã bị vứt bỏ một cách không thương tiếc. Theo đó, cái gọi là “tính thượng tôn pháp luật” của nhà nước pháp quyền TBCN ở đâu? Rõ ràng đến lúc này, bản chất của nhà nước pháp quyền TBCN đã được phơi bày. Nó đã biến thành “nhà nước tự do” theo đúng nghĩa Ph.Ăngghen đã chỉ rõ là: “Nhà nước nhân dân tự do đã biến thành nhà nước tự do. Theo ý nghĩa ngữ pháp của những từ ấy, nhà nước tự do là nhà nước được tự do đối với công dân của mình, tức là nhà nước với một chính phủ độc tài”. Mà đã là nhà nước độc tài thì làm sao có thể gọi là nhà nước pháp quyền, nhà nước dân chủ.
Nhờ cách mạng tư sản mà hệ thống nhà nước TBCN đã ra đời từ giữa thế kỷ XVI đến nay. Gần 500 năm qua, đã không biết bao nhiêu lần các nhà nước tư sản xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của nó, bằng việc dần hoàn thiện hệ thống hiến pháp và pháp luật. Tiêu biểu như cái gọi là “Nhà nước pháp quyền Hoa Kỳ” chỉ mới ra đời và tổn tại 246 năm, mà vẫn còn “loay hoay” lo sửa đổi, hoàn thiện Hiến pháp, tiến hành 18 lần “tu chính án Hiến pháp”, với hàng trăm nội dung sửa đổi liên quan đến quyền của công dân và phân quyền của cơ quan nhà nước. Từ ngày giành được độc lập 4/7/1776 đến nay, hiện các cơ quan quyền lực của Nhà nước Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục đệ trình và theo đuổi sự sửa đổi hiến pháp. Đặc biệt có Tu chính án phân chia đại diện tại Quốc hội, đề nghị từ ngày 25/9/1789, hiện vẫn còn chờ các nghị viện tiểu bang quyết định. Nhưng điều quan trọng hơn cả là các tu chính án phần nhiều là tu sửa, bổ sung hoàn thiện thêm quyền lực của các cơ quan nhà nước, còn quyền của công dân chỉ được xác định một cách hết sức sơ lược[1].
Những căn cứ trên đây cho thấy, pháp quyền của nhà nước tư sản không phải là một “tuyệt đỉnh hoàn mỹ về pháp luật”; việc sửa đổi, bổ sung pháp quyền tư sản là một quá trình thường xuyên, liên tục; mỗi lần hoàn thiện pháp quyền tư sản là một lần nhà nước tư sản xa rời với nhân dân, bản chất quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà học thuyết phân quyền tư sản nêu lên là không thể có trong cả hệ thống pháp luật và đời sống pháp lý của nhà nước tư sản. Công dân ở những nhà nước tư sản luôn chán ghét, chối bỏ, lên án luật pháp tư sản, đấu tranh đòi quyền và hiến định điều căn bản nhất đó vào trong hiến pháp. Vậy mà những kẻ kiều dân hoặc kẻ “nghe hơi nồi chõ”, “gà mờ” thì lại luôn tán dương pháp quyền tư sản, đả kích nhà nước pháp quyền XHCN. Đấy là bản chất thực sự của những kẻ thù địch và chống phá chế độ nhà nước XHCN – nhà nước của dân, do dân và vì dân. (còn tiếp)
[1] Xem: Danh sách các tu chính án Hiến pháp Hoa Kỳ, https://vi.wikipedia.org, ngày 17 tháng 12 năm 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét