Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

ĐẤU TRANH BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRONG GIẢNG DẠY VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

 Trong tình hình mới,âm mưu thủ đoạn chống phá Đảng của các thế lực thù địch ngày càng tin vi, xảo quyệt, nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học đặt ra ngày càng cao, do đó cần tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên nhiều phương diện.

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác đấu tranh tư tưởng lý luận hiện nay nhằm phản bác, vô hiệu hóa các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó các nhà nghiên cứu lý luận là lực lượng nòng cốt, đi đầu; đội ngũ giảng viên Học viện Chính trị là một bộ phận quan trọng trong lực lượng nòng cốt ấy.

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng chính là mục tiêu trọng tâm mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn tập trung chống phá thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình” và các chiến lược thù địch khác.

Âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng lý luận của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch là vô cùng thâm độc, nham hiểm; được thực hiện bằng những hình thức vừa công khai, vừa lén lút; có khi ra mặt chống phá, nhưng cũng có khi núp bóng “việc tốt”, “việc thiện”, núp bóng chính chủ nghĩa Mác để ngấm ngầm chống phá ta. Do đó, việc nhận diện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ không dễ dàng; vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt, triệt để.

Đội ngũ giảng viên các khoa ở Học viện Chính trị giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc đấu tranh này. Thời gian qua, đội ngũ giảng viên các khoa, trực tiếp là các khoa lý luận Mác - Lênin đã thường xuyên tích cực, chủ động đấu tranh tư tưởng lý luận dưới nhiều hình thức khác nhau. Trên cơ sở, kịp thời đề xuất, tham mưu để Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quân sự quốc phòng. Thông qua hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đội ngũ giảng viên các khoa ở Học viện là những người có điều kiện đối đầu trực diện nhất với các quan điểm, luận điệu chống phá của kẻ thù. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những vấn đề có tính quy luật chính trị - xã hội, thực tiễn của quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, tức những nguyên lý, quy luật cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn luôn là trọng điểm chống phá mà chúng tập trung nhiều nhất cả về chất và lượng. Chính vì vậy, trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ các nhà nghiên cứu, giảng viên ở Học viện có điều kiện tiếp cận nhanh hơn, trực tiếp hơn, đúng “sở trường” hơn với các vấn đề mà kẻ thù đang chống phá, từ đó phản bác lại, đập tan các luận điệu của chúng, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Vai trò của đội ngũ giảng viên các khoa khoa học xã hội nhân văn ở Học viện Chính trị trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được thể hiện thông qua hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của họ.

Trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo chuyên đề hiện nay, thông qua việc truyền thụ, trang bị kiến thức, phát vấn, trao đổi khoa học giữa giảng viên và học viên đã góp phần quan trọng trong việc hình thành cho học viên thế giới quan, phương pháp luận mácxít, nhận thức sâu sắc tính khách quan, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, giúp học viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, với sự nghiệp cách mạng mà Đảng ta lãnh đạo. Học viên đều là cán bộ, sĩ quan là lực lượng nòng cốt trong xây dựng quân đội cách mạng. Sự giác ngộ chính trị của họ là cơ sở để quân đội ta luôn là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước, đập tan âm mưu “Phi chính trị hóa quân đội” của kẻ thù.

Trong nghiên cứu khoa học, thông qua các công trình khoa học, các diễn đàn trao đổi, sinh hoạt, hội thảo, tọa đàm, qua những bài viết đăng tải trên báo, tạp chí và các phương tiên thông tin đại chúng khác, đội ngũ giảng viên các khoa khoa học xã hội nhân văn ở Học viện cùng với các nhà khoa học trong cả nước là lực lượng trực tiếp nghiên cứu làm sáng tỏ tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chứng minh nó bằng những luận điểm xác đáng, thuyết phục, đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch. Từ những lý luận gốc của chủ nghĩa Mác – Lênin, đội ngũ giảng viên còn là những người nghiên cứu, cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo có phê phán chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, tạo nên cơ sở lý luận trực tiếp cho đường lối, quan điểm của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo đất nước. Bên cạnh đó, thông qua nghiên cứu khoa học, đội ngũ nhà giáo chủ nghĩa xã hội khoa học cũng góp phần vào sự phát triển của lý luận mácxít trong tình hình mới, khắc phục những tồn tại, hạn chế, không ngừng nghiên cứu thực tiễn, bổ sung lý luận giúp nó ngày một hoàn bị hơn, phù hợp hơn, đúng đắn hơn. Sự phát triển đúng đắn của lý luận mácxít cũng là một phần quan trọng giúp cho nền tảng tư tưởng của Đảng ta thêm vững vàng.

Trong thời gian qua, đội ngũ giảng viên các khoa khoa học xã hội nhân văn ở Học viện đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng đó, vai trò của đội ngũ giảng viên trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn còn không ít hạn chế, bất cập như thiếu tính chủ động trong tham gia đấu tranh, số lượng các công trình nghiên cứu đấu tranh lý luận chưa nhiều, chất lượng chưa cao, chưa có nhiều công trình xuất sắc được xã hội hóa rộng rãi, chưa thực sự có nhiều chuyên gia giỏi dẫn dắt cả hệ thống... Trong thời gian tới, khi tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong cuộc đấu tranh này, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, xây dựng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn có số lượng hợp lý, chất lượng cao.

Đây là giải pháp then chốt, đòi hỏi phải thực hiện tốt các khâu tuyển chọn nhân lực; xác định nội dung, chương trình đào tạo; đào tạo lại; bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp. Thực tế hiện nay cho thấy, tại Học viện Chính trị, việc thiếu số lượng giảng viên vẫn là vấn đề nóng trong nhiều năm nay. Trong khi đó, nội dung, đối tượng giảng dạy nhiều, chương trình đào tạo thường xuyên phải thay đổi, cập nhật. Thực tế đó khiến cho phần lớn giảng viên phải tham gia giảng dạy vượt định mức, khiến cho thời gian nghiên cứu khoa học của giảng viên bị hạn chế. Chính vì vậy, cần phải tiếp tục bổ sung thêm đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Chú trọng công tác đào tạo lại cho đội ngũ giảng viên trẻ. Hiện nay, các nhà khoa học ở Học viện có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư tuổi đời ngày càng trẻ. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho sự phát triển đội ngũ giảng viên của Học viện. Thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ hiện nay có một số lợi thế nhất định so với các thế hệ đi trước, đó là có trình độ về ngoại ngữ và công nghệ; khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy; được làm việc trong môi trường thông tin mở Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học trẻ cũng đang đặt ra vấn đề về độ chín trong tư duy, đặc biệt là tư duy về lý luận chính trị - một lĩnh vực luôn đòi hỏi phải có nhiều trải nghiệm mới thực sự thấu suốt được các vấn đề. Chính vì vậy, để phát huy được những ưu điểm, lợi thế, đồng thời không ngừng củng cố, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ Học viện cần chú trọng công tác đào tạo lại cho lực lượng này; phát huy vai trò của các nhà nghiên cứu lâu năm, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ, giúp đỡ giảng viên trẻ, đồng thời không ngừng khuyến khích giảng viên trẻ tích cực tự học nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu, đấu tranh lý luận trong tình hình mới.

Hai là, dân chủ hóa trong nghiên cứu giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn.

Ở nước ta nói chung, trong quân đội ta nói riêng hiện nay, việc phát huy dân chủ trong giảng dạy và nghiên cứu lý luận vẫn còn tồn tại không ít những bất cập. Vẫn còn tư tưởng bảo thủ ở cơ quan quản lý, người quản lý, khiến cho các nhà nghiên cứu e ngại, sợ bị quy chụp, dễ dẫn đến việc chỉ ca ngợi, tôn vinh một chiều mà không dám nhìn nhận, đánh giá những sai lầm, khuyết điểm của Đảng. Hơn nữa, hiện nay chủ nghĩa xét lại đang mưu toan tìm cách từ bỏ nguyên tắc, muốn làm biến dạng chủ nghĩa Mác- Lênin. Bên cạnh đó, việc tự phê phán là chỉ nhằm làm cho chủ nghĩa Mác- Lênin phong phú thêm. Đây cũng chính là phương cách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách vững chắc nhất, bảo vệ từ bên trong, bảo vệ từ việc loại trừ những điều không hợp lý trong chính quan điểm của mình.

Ba là, tăng cường phối hợp, liên kết, giao lưu với các đơn vị giảng dạy, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin trong và ngoài quân đội.

 Trước hết, hoạt động phối hợp, liên kết, giao lưu nên tập trung vào các cơ sở nghiên cứu – giảng dạy cùng chuyên ngành trong nước. Trong tương lai xa hơn, có thể mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, đấu tranh tư tưởng lý luận bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua nhiều hình thức khác nhau như mời các bạn quốc tế chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu; tham quan học hỏi mô hình thực tế của các nước; cùng với các cơ quan của Đảng tham gia các hoạt động hợp tác với các đảng cộng sản, các đảng cánh tả trên thế giới... Các hoạt động này sẽ giúp cho đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn nâng cao trình độ, phương pháp tiếp cận, những thành quả nghiên cứu khoa học mới có giá trị, đồng thời giới thiệu, quảng bá và đón nhận những phản hồi về các thành quả nghiên cứu của mình; củng cố thêm căn cứ khoa học về sự đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng.

Bốn là, tăng cường tổng kết thực tiễn về hoạt động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là giải pháp quan trọng nhằm tránh cho các hoạt động đấu tranh lý luận của các nhà khoa học rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm, giáo điều. Do tính đặc thù của cuộc đấu tranh tư tưởng – lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là thường xuyên vận động, biến đổi theo tình hình chính trị xã hội, thực tiễn của đất nước nên công tác tổng kết thực tiễn là rất quan trọng. Qua tổng kết thực tiễn, chúng ta mới nhìn nhận được những ưu, khuyết điểm của công tác đấu tranh tư tưởng lý luận và rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động này.

Năm là, xây dựng cơ chế tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần, cả về tâm lý nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo của đội ngũ giảng viên.

Sự tham gia tích cực, nhiệt huyết, trách nhiệm của các chuyên gia đầu ngành sẽ góp phần quan trọng lôi cuốn, cổ vũ đội ngũ giảng viên tham gia đấu tranh tư tưởng lý luận. Họ là những lá cờ đầu cả về chuyên môn và tinh thần cho các thế hệ kế tiếp. Nhà nước phải có cơ chế chính sách động viên, gắn trách nhiệm với quyền lợi - bao gồm cả quyền lợi vật chất và tinh thần để họ phát huy vai trò cá nhân một cách cao nhất. Đứng trong hàng ngũ của Đảng, của quân đội, đội ngũ giảng viên trong quân đội cần phải coi nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ của chính mình; phải coi đó là “nghiệp” chứ không chỉ đơn thuần là nghề. Thực tế cho thấy, thời gian qua chúng ta chưa thực sự làm tốt vấn đề này. Bên cạnh nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu vẫn miệt mài, say mê cống hiến, đấu tranh không ngừng nghỉ để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì vẫn có một bộ phận giảng viên chỉ coi đó như một nhiệm vụ buộc phải làm thêm, tham gia chưa có trách nhiệm, nhiệt huyết. Đây trước hết là vấn đề thuộc về ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhưng cũng có một phần liên quan đến cơ chế quản lý, cơ chế động viên, khuyến khích của các cơ quan, đơn vị.

Vì vậy, cần tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong đấu tranh tư tưởng lý luận hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Theo đó, cần quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là cán bộ khoa học đầu ngành, giảng viên trẻ; chú trọng các điều kiện bảo đảm để cacns bộ, giảng viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét