Bảo vệ và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, bảo vệ thành công sự nghiệp cách mạng.
Việc bôi xấu và xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện
nay đang được các đối tượng thù địch là các phần tử cơ hội,
cực đoan, bất mãn chính trị trong nước; các phần tử, các tổ chức phản động lưu vong… Bằng các
phương thức và thủ đoạn chống phá tinh vi, xảo quyệt, đội lốt “phản biện xã hội”
để tuyên truyền, đánh tráo học thuật các vấn đề cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí
Minh; triệt để lợi dụng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông … xuyên tạc
nhằm hạ bệ hình ảnh và phủ nhận tư tưởng Hồ chí Minh nhằm chống phá cách mạng, xóa
bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Việc nhận diện bản chất, bóc trần các thủ đoạn,
để phản bác những luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí
Minh, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan
trọng trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, phản bác luận điệu cho rằng
tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh không còn phù hợp
Sinh thời, chủ tịch
Hồ Chí Minh từng nói: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng
đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêxu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả.
Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ
nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều
kiện nước ta. Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có
những điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người,
mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp
lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như
những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”(9).
Đúng như nhà nghiên cứu Hélène Tourmaire đã khẳng định: “Hình ảnh của Hồ Chí
Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của
Chúa, triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lê-nin và tình cảm của người chủ
gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”(10).
Các thế lực thù địch
xuyên tạc rằng, hiện nay là thời đại của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế,
khoa học - công nghệ hiện đại..., nên những tư tưởng hay những quan niệm về đạo
đức của Hồ Chí Minh đã bộc lộ những “sự lỗi thời”, “lạc hậu”, “khắc kỷ”, “không
còn phù hợp” với thời đại (?!)... Sự thật là, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh vẫn giữ nguyên sức sống và giá trị thời đại, bởi bản chất cách mạng,
khoa học và nhân văn của chính những tư tưởng, đạo đức đó và bởi sự vận dụng
sáng tạo những tư tưởng vượt trước thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực
tiễn cách mạng Việt Nam, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chiến lược và sách
lược cách mạng trong toàn bộ tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trải qua
hơn 92 năm từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn “kiên định và vận dụng, phát
triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh;... là nền tảng vững
chắc của Đảng ta”(8).
Những chuẩn mực
“trung, hiếu, cần, kiệm, liêm, chính”... là những khái niệm có ý nghĩa khoa học,
cách mạng và nhân văn. “Trung với nước, hiếu với dân” là mối quan hệ thể hiện
trách nhiệm hành động, quyết tâm, suốt đời, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc,
phục vụ nhân dân; Người đấu tranh với mọi cái ác, cái xấu, tham ô, lãng phí,
quan liêu, để hướng đến xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, “thanh khiết
từ to đến nhỏ”(11). Vì vậy, Tổng thống Chile đã trả lời nhà báo về
ba phẩm chất của nhà hoạt động chính trị mà ông muốn có là “Nhất quán, nhân đạo,
khiêm tốn cao cả của Hồ Chí Minh”(12).
Thứ hai, Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng
lỗi lạc của cách mạng và dân tộc Việt Nam
Các thế lực thù địch
công kích, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, coi tư tưởng của Người chỉ là sự sao
chép nguyên bản, áp dụng khiên cưỡng chủ nghĩa Mác - Lê-nin hoặc “đi trên cỗ xe
Nho giáo đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin” (?!). Để thực hiện âm mưu xóa bỏ nền tảng
tư tưởng của Đảng, “hạ bệ thần tượng”, các thế lực thù địch và các phần tử phản
động, cơ hội chính trị dùng nhiều chiêu trò, cách thức khác nhau. Họ xuất phát
từ quan niệm học thuật phương Tây, cường điệu hóa, tán dương những nhà tư tưởng,
triết học tư sản, từ đó cho rằng “Hồ Chí Minh không phải là nhà tư tưởng” (?!).
Luận điệu này cố
tình xuyên tạc sự thật về tính thống nhất, vận dụng sáng tạo và bổ sung phát
triển của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với kho tàng lý luận kinh điển. Mác -
Ăng-ghen bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, Lê-nin bàn nhiều về
cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Xuất phát từ yêu cầu và đòi hỏi của thực
tiễn cách mạng, các nhà lý luận Mác - Lê-nin tập trung vào giải quyết vấn đề giai
cấp. Còn tư tưởng Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc đấu tranh chống
chủ nghĩa thực dân ở thuộc địa, giải quyết mâu thuẫn dân tộc, làm cách mạng dân
tộc giải phóng. Trong tác phẩm: “Hồ Chủ tịch - Nhà lý luận xuất sắc về chủ
nghĩa thực dân và phong trào giải phóng dân tộc”, ông Handache Gilbert viết: “Sự
phân tích về chủ nghĩa thực dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến lúc đó vượt hẳn tất
cả những gì mà những nhà lý luận mác-xít đề cập đến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
xây dựng nên một tổng hợp những lý thuyết về sự giải phóng khỏi sự áp bức thực
dân, có sức mạnh không thể chối cãi được” (1). Giáo sư Nhật Bản
Shingo Shibata khẳng định Hồ Chí Minh đã góp phần đào sâu và phát triển lý luận
của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với các vấn đề dân tộc thuộc địa và “cống hiến nổi
tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người
thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định
lấy vận mệnh của mình”(2). Những học giả chân chính trên thế giới đều
khẳng định “Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng”(3) và nhấn mạnh: “Những
quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh và khả năng của Người trong việc sử dụng sáng
tạo phương pháp lịch sử và duy vật để giải quyết các hiện tượng xã hội là nguồn
gốc của những tư tưởng lỗi lạc của Người. Những tư tưởng của Người đã được kiểm
nghiệm trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, mở ra những tiềm năng chưa từng có
cho các phong trào giải phóng dân tộc”(4). Vận dụng sáng tạo và phát
triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã
lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng ở Việt Nam, mở đường cho các dân tộc và thuộc
địa vùng lên thực hiện sự nghiệp giải phóng.
Thứ ba, tư tưởng Hồ Chí Minh về
chủ nghĩa xã hội còn nguyên giá trị
Các thế lực thù địch
ra sức xuyên tạc rằng, Hồ Chí Minh có quan điểm sâu sắc về giải phóng dân tộc,
nhưng hoàn toàn không có tư tưởng về chủ nghĩa xã hội (?!). Họ xảo biện rằng,
toàn bộ sự nghiệp cách mạng do Hồ Chí Minh lãnh đạo tập trung cho giải phóng
dân tộc, thống nhất đất nước... Những luận điệu xuyên tạc trên không chỉ bài
bác tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn có ý đồ nham hiểm tách biệt tư tưởng Hồ Chí
Minh với bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Dưới ánh sáng chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, từ thực tiễn và nguyện vọng của quần chúng bị áp bức, bằng
sự tiếp thu có chọn lọc và sự trải nghiệm sâu sắc, theo Hồ Chí Minh trong hoàn
cảnh một nước thuộc địa thì trước hết phải giành cho kỳ được độc lập dân tộc.
Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng
có nghĩa lý gì. Muốn có độc lập, tự do thực sự thì phải xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Người chỉ rõ: “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác
- Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa
xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những
người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(5) . Giáo sư Shingo
Shibata viết: “Một trong những cống hiến quan trọng của Cụ Hồ Chí Minh và của Đảng
Lao động Việt Nam là đã đề ra lý luận về chủ nghĩa xã hội trong khi vẫn tiến
hành cuộc chiến tranh nhân dân. Theo tôi được biết, Đảng Lao động Việt Nam là đảng
đầu tiên trong các đảng mác xít trên thế giới áp dụng lý luận này”(6).
Đặc biệt, trong bản Di chúc của Người có tới ba lần viết về cụm
từ “chủ nghĩa xã hội”: Theo người, cái đích của chủ nghĩa xã hội được khẳng định
trong Di chúc là “Đảng cần phải có kế hoạch thật
tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống
của nhân dân”(7).
Tư tưởng độc lập
dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là cống hiến lớn của Hồ Chí Minh cho cách
mạng Việt Nam. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng, một đột phá lý luận rất cơ bản
về con đường, mục tiêu và phương thức phát triển của cách mạng. Đảng ta khẳng định,
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng
và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi đến
thắng lợi. Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải đẩy mạnh học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời kiên quyết đấu tranh, phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ
Chí Minh./.
--------------------
DANH MỤC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Handache
Gilbert: “Hồ Chủ tịch - nhà lý luận xuất sắc về chủ nghĩa thực dân và phong
trào giải phóng dân tộc”, Tạp chí Hành tinh - Hành động, Pari, 1970,
số tháng 3
(2) Hồ Chí
Minh trong lòng nhân dân thế giới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979,
tr. 96
(3) Bu-rốp: “Hồ Chí
Minh - nhà tư tưởng”, in trong sách: Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc
gia - Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng
giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,
1995, tr. 277
(4) Tê-shôm
Kê-bê-đe: “Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay”, in trong
sách: Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Ủy ban Quốc gia UNESCO
Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn
hóa lớn, Sđd, tr. 88
(5) Hồ Chí
Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.
12, tr. 563
(6) Tạp chí Rô-ki-xi
Hy-ô-rông, số 232, Tô-ki-ô, tháng 5-1969
(7) Hồ Chí
Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 612
(8) Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội, 2021, t. I, tr. 33
(9) Võ Nguyên Giáp
(chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Sđd,
tr. 53-54
(10) Viện Hồ Chí
Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb. Lao
động - Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr. 109
(11) Hồ Chí
Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 75
(12) Văn Thị Thanh
Mai - Nguyễn Văn Đạo: “Hồ Chí Minh - Người là nguồn cảm hứng muôn đời”,
https://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/ho-chi-minh-nguoi-la-nguon-cam-hung-muon-doi-127958,
ngày 17-5-2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét