Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Để nghiên cứu kinh tế quân sự Mác - Lênin cần sử dụng những phương pháp nào?

              Trả lời:
          Để nghiên cứu tốt kinh tế quân sự Mác - Lê nin cần phải sử dụng thành thạo các phương pháp nghiên cứu sau:
          - Thứ nhất, phải dựa trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lê nin để làm rõ tính lịch sử, xã hội của các quá trình kinh tế quân sự gắn với chiến tranh và quốc phòng. Trên cơ sở phương pháp luận này, chúng ta có thể phân tích và nhận thức được sự hiện diện của bộ phận kinh tế quân sự trong nền kinh tế quốc dân chỉ là một hiện tượng lịch sử, gắn với sự xuất hiện của chiến tranh, trong điều kiện xã hội phân chia giai cấp; thấy được nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh các cuộc chiến tranh đều bắt nguồn từ sự mâu thuẫn về lợi ích kinh tế của các giai cấp nhất định trong lịch sử; phân tích và làm rõ được mối liên hệ tất yếu giữa điều kiện kinh tế với khả năng đảm bảo các nguồn vật chất, kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, với tổ chức, biên chế của lực lượng vũ trang, với chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự; đồng thời phân tích, làm rõ được tính chất xã hội của các quá trình kinh tế quân sự, vạch rõ sự khác nhau căn bản về nội dung xã hội của kinh tế quân sự Mác - Lê nin và kinh tế quân sự tư sản.
          - Thứ hai, phải sử dụng phương pháp trừu tượng hoá khoa học. Bởi vì, nghiên cứu kinh tế quân sự Mác - Lê nin không chỉ dừng lại ở việc mô tả bề ngoài các hiện tượng và các quá trình kinh tế quân sự, mà phải nghiên cứu, tìm hiểu bản chất các quá trình kinh tế quân sự, tìm ra tính quy luật của sự phát triển kinh tế quân sự, của việc đảm bảo kinh tế cho quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến tranh cũng như các hoạt động quốc phòng, từ đó có thể xác định được các nguyên tắc, phương pháp tổ chức đảm bảo và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế cho nhiệm vụ quân sự một cách có hiệu quả nhất.
          - Thứ ba, phải sử dụng thành thạo nhiều phương pháp nghiên cứu khác như: phương pháp lô-gíc, lịch sử, thống kê, so sánh để phân tích các nhân tố cấu thành tiềm lực kinh tế, tiềm lực kinh tế quân sự, sức mạnh quân sự của mỗi quốc gia; phân tích các chỉ số liên quan đến chi phí quân sự, ngân sách quân sự, giá thành của các loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự... Trên cơ sở đó, có thể đánh giá được tiềm lực kinh tế, tiềm lực kinh tế quân sự, sức mạnh quân sự của mỗi quốc gia, dự báo được nhu cầu kinh tế trong các cuộc chiến tranh có thể xảy ra, đồng thời có chiến lược kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, an ninh.

          Ngoài ra phải biết kế thừa những thành tựu nghiên cứu của bộ môn kinh tế học chính trị Mác - Lê nin để nghiên cứu, hiểu biết: nguồn gốc kinh tế của chiến tranh; tính chất đặc biệt của lao động quân sự; vị trí vai trò của sản xuất quân sự trong hệ thống tái sản xuất xã hội; giới hạn kinh tế của sản xuất và tiêu dùng sản phẩm quân sự; giới hạn chuẩn bị và động viên kinh tế, giới hạn phân phối lại các nguồn lực vì lợi ích của giai cấp và dân tộc trong điều kiện xảy ra chiến tranh; luận giải cơ sở kinh tế cho sự lựa chọn những hệ thống vũ khí nhất định, cho việc xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng khu vực phòng thủ, củng cố quốc phòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét