Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Vai trò của kinh tế đối với quốc phòng và chiến tranh được thể hiện ở những nội dung nào?

Trả lời:     
Xuất phát từ quan điểm sản xuất ra của cải vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, vận dụng nó để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với chiến tranh và quốc phòng. Chủ nghĩa Mác - Lê nin khẳng định, kinh tế là yếu tố suy đến cùng quyết định đến chiến tranh và quốc phòng. Điều đó được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau đây:

Một là, kinh tế quyết định nguồn gốc, bản chất, mục đích, tính chất của chiến tranh và quốc phòng.
 Bởi vì, mâu thuẫn về lợi ích kinh tế là nguyên nhân xét đến cùng nảy sinh các cuộc chiến tranh. Trong lịch sử, khi xã hội phân chia thành giai cấp và có đối kháng giai cấp, các giai cấp thống trị đã sử dụng tổ chức quân sự của nhà nước để áp bức giai cấp bị trị trong nước, tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược, cướp bóc, nô dịch các dân tộc khác. Các cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai, cũng như các cuộc chiến tranh gần đây ở Cô xô Vô, I Rắc… nguyên nhân xét đến cùng vẫn là do lợi ích kinh tế. Như vậy, mặc dù chiến tranh không trực tiếp sinh ra từ kinh tế mà thông qua chính trị, song chính trị bao giờ cũng phản ánh lợi ích kinh tế nhất định. Vì vậy, kinh tế là nguyên nhân suy đến cùng làm nảy sinh chiến tranh và hoạt động quốc phòng.
Kinh tế quyết định đến mục đích, tính chất của chiến tranh ở chỗ: Bản chất chế độ xã hội (do quan hệ sản xuất thống trị quyết định) quy định mục đích của nền quốc phòng, mục đích của chiến tranh; mặt khác nó còn quy định tính chất của chiến tranh. Các nước đế quốc gây chiến tranh vì mục tiêu cướp bóc, nô dịch các dân tộc khác, đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ngược lại, các nước xã hội chủ nghĩa phải thực hiện chiến tranh vì mục tiêu giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình là chiến tranh chính nghĩa.
Hai là, kinh tế là nguồn cung cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật để tiến hành chiến tranh và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng.
Bởi vì, để tiến hành chiến tranh và nâng cao khả năng phòng thủ của đất nước, tất yếu phải có vũ khí phương tiện quân sự, những cái đó chỉ có được do nền sản xuất xã hội cung cấp. Trình độ phát triển của nền kinh tế, trước hết là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất càng cao thì khả năng cung cấp các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự càng hiện đại; chế độ kinh tế - xã hội càng ưu việt thì khả năng huy động cơ sở vật chất, kỹ thuật cho chiến tranh và hoạt động quốc phòng càng nhiều.
Ba là, Kinh tế quyết định đến tổ chức biên chế của lực lượng vũ trang, quyết định đến cách đánh, chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự.
Sự phát triển của lực lượng sản xuất đã làm xuất hiện những vũ khí, phương tiện mới theo hướng hiện đại. Sự xuất hiện các loại vũ khí, phương tiện mới, đến lượt nó lại tạo ra sự biến đổi về quy mô, cơ cấu, tổ chức, biên chế của lực lượng vũ trang và làm thay đổi cả những hình thức, phương pháp tác chiến của quân đội. Đồng thời chế độ kinh tế - xã hội cũng ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái tinh thần của lực lượng vũ trang, đến chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự trong chiến tranh.
          Từ sự phân tích trên cho thấy vai trò của kinh tế đối với chiến tranh và quốc phòng được thể hiện trên nhiều mặt. Khi xem xét vai trò của kinh tế đối với quốc phòng và chiến tranh phải chú ý cả ở trình độ nền kinh tế, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, của vũ khí trang bị và cả ở vai trò của chế độ kinh tế xã hội. Song kinh tế là yếu tố suy đến cùng quyết định đến chiến tranh và quốc phòng là vấn đề có tính quy luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét