Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Nội dung cơ bản trong lý thuyết “Bàn tay vô hình” của A.Smith?

Lý thuyết “bàn tay vô hình” của A. Smith thực chất là lý thuyết về thị trường tự điều tiết. Theo A. Smith, nền kinh tế bình thường là nền kinh tế phát triển trên cơ sở tự do cạnh tranh, tự do mua bán và trao đổi, đó là nền kinh tế thị trường. Sự hoạt động của nền kinh tế thị trường chịu sự chi phối bởi “bàn tay vô hình”. “Bàn tay vô hình” là hệ thống các quy luật kinh tế khách quan tự phát hoạt động và chi phối hoạt động của con người, là một “trật tự tự nhiên”.

Để có sự hoạt động của “trật tự tự nhiên”, cần phải có những điều kiện nhất định: Đó là sự tồn tại và phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hoá, nền kinh tế phải được phát triển trên cơ sở tự do kinh tế. Phải có tự do sản xuất, tự do liên doanh, liên kết, tự do mậu dịch. Trên cơ sở đó, hình thành mối quan hệ phụ thuộc vào nhau giữa người với người.
Ông đề nghị, cần phải tôn trọng “trật tự tự nhiên”, tôn trọng “bàn tay vô hình”. Hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hoá cần được phát triển theo tự điều tiết của “bàn tay vô hình”. Xã hội muốn giàu có phải được phát triển kinh tế trên tinh thần tự do. Nhà nước không nên can thiệp vào kinh tế.
Ông khẳng định, quy luật kinh tế là vô địch, mặc dù chính sách kinh tế của nhà nước có thể kìm hãm hoặc thúc đẩy sự hoạt động của quy luật kinh tế.

Lý thuyết “bàn tay vô hình” của A. Smith đã đề cao vai trò của các quy luật kinh tế khách quan trong điều tiết nền kinh tế thị trường, đề cao tính độc lập, tự chủ, sáng tạo và tinh thần tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh của các chủ kinh tế. Coi thị trường tự do là lực lượng, là sức mạnh điều tiết sản xuất và tiêu dùng của xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét