Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Thành tựu và hạn chế trong Học thuyết kinh tế của R.Owen?

Thành tựu:
Một là, Ông phê phán chủ nghĩa tư bản và đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản một cách kiên quyết. Theo R.Owen, người ta sinh ra để hưởng hạnh phúc, mục đích của nhân loại là hạnh phúc. Nhưng với sự thống trị của lòng ích kỷ, sự cạnh tranh, tình trạng vô chính phủ trong sản xuất và phân phối đã bóp méo quan hệ giữa người với người, làm cho người ta không được hưởng hạnh phúc. Ông cho rằng tư hữu là nguyên nhân của vô vàn tội lỗi mà mọi người lao động phải gánh chịu, là nguyên nhân gây ra sự thù địch lẫn nhau, sự bịp bợm và tệ mại dâm... Nguyên nhân trực tiếp của đời sống công nhân giảm sút là do giảm giá lao động, do áp dụng máy móc làm cho con người thừa ra. Theo ông, chỉ đến xã hội tương lai, máy móc mới trở thành trợ thủ đắc lực của con người.

Ông đả kích mạnh mẽ chế độ tiền tệ trong xã hội tư bản, tiền tệ trở thành phương tiện bóc lột, là nguồn gốc của nhiều thứ tệ hại. Trong sự phê phán đối với chủ nghĩa tư bản, R.Owen cũng chú ý nhiều đến phân phối, ông cho rằng phân phối thông qua tiền chỉ đem lại tai hại cho xã hội.
Hai là, R.Owen cho rằng, xã hội tương lai có cơ sở là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Ở đó, con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột; lao động trở thành nghĩa vụ cần thiết đối với mọi người; phân phối theo nguyên tắc làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Ông là người đầu tiên đề ra tư tưởng hợp tác hóa trong sản xuất và trong tiêu dùng.  Ông cho rằng việc xây dựng “tiền lao động” và “trao đổi công bằng” là biện pháp để chuyển sang xã hội chủ nghĩa. “Tiền lao động” sẽ khắc phục được khủng hoảng tiền tệ và làm cho tiền thực sự có ích và cần thiết trong quá trình trao đổi. Lao động thực sự trở thành thước đo giá trị. Nó sẽ giúp cho việc sử dụng lao động hợp lý và đúng đắn hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn, chi phí và quá trình phân phối sẽ công bằng, theo đúng với lao động, gạt bỏ được sự trung gian của thương nhân, thủ tiêu khủng hoảng và bóc lột.
Cùng với chủ trương cải tạo chế độ phân phối, R.Owen đưa ra kế hoạch cải tạo nền sản xuất tư bản chủ nghĩa bằng cách lập các hợp tác xã cộng đồng. Chế độ sở hữu công cộng sẽ là nền tảng của các hợp tác xã và lao động theo chế độ tập thể vì lợi ích chung. Mục đích của cộng đồng là đấu tranh cho hạnh phúc của tất cả mọi thành viên, thực hiện quyền bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Theo ông xã hội tương lai không có sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động chân tay và lao động trí óc.
Hạn chế:
Không vạch ra được lối thoát thực sự vì không phát hiện được qui luật kinh tế khách quan vận động trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Không hiểu được vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, không hiểu vai trò của phong trào quần chúng nông dân và vai trò của đấu tranh chính trị.

Chủ trương xây dựng xã hội mới bằng con đường không tưởng như: tuyên truyền, giác ngộ, mong chờ những người lương thiện trong số những nhà tư bản giúp đỡ, hoặc là xây dựng những xí nghiệp làm gương cho mọi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét