Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Thành tựu và hạn chế trong lý luận giá trị của D.Ricardo?

     * Thành tựu: Ông coi hàng hóa là sản phẩm của lao động. Đã phân biệt rõ hai thuộc tính của hàng hóa là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, trong đó giá trị sử dụng không quyết định giá trị hàng hóa. Theo ông giá trị trao đổi của hàng hóa được quy định bởi lượng lao động chứa đựng trong hàng hóa, lượng lao động đó tỷ lệ thuận với lao động tạo ra hàng hóa.

     Giá trị của hàng hóa là do lao động chung của con người, lao động không phân biệt ở ngành nông nghiệp hay công nghiệp đều tạo ra giá trị. Lượng giá trị do thời gian lao động kết tinh trong hàng hóa quyết định và phụ thuộc vào năng suất lao động và sự khan hiếm của sản phẩm, tức là phụ thuộc vào điều kiện sản xuất ra chúng dễ dàng hay thuận lợi. Giá trị của hàng hoá do lao động hao phí quyết định không chỉ đúng trong kinh tế hàng hoá giản đơn, mà còn đúng trong nền kinh tế hàng hoá phát triển (kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa).
Giá trị của hàng hóa không chỉ do lao động trực tiếp (lao động sống) mà còn do lao động trước đó tạo ra, như máy móc, nhà xưởng, công trình sản xuất. Như vậy, ông đã thừa nhận trong cơ cấu giá trị hàng hóa không thể loại trừ lao động quá khứ (c), mà giá trị hàng hóa bao gồm cả lao động quá khứ và lao động sống, tiền công và lợi nhuận là những yếu tố cấu thành giá trị hàng hóa, do lao động trực tiếp chi phí vào việc sản xuất các hàng hóa đó tạo ra.
Nếu A. Smith cho rằng tiền công, lợi nhuận và địa tô là ba nguốn gốc đầu tiên của giá trị hàng hoá, thì D. Ricardo ngược lại, cho rằng giá trị hàng hoá được phân chia thành các nguồn thu nhập nói trên.
Ông cho rằng, khi năng suất lao động trong một phân xưởng tăng lên, thì khối lượng sản phẩm làm ra tăng lên, nhưng giá trị của một đơn vị sản phẩm lại giảm xuống. Giá cả hàng hoá là giá trị trao đổi của nó được biểu hiện bằng tiền, còn giá trị được đo bằng số lượng lao động hao phí để sản xuất ra hàng hoá. Ông đã phân biệt được giá trị với giá trị trao đổi khi coi giá trị trao đổi là giá trị tương đối. Ông cho giá cả tự nhiên không phải là giá cả thông thường mà là một giá cả cần thiết để thường xuyên thỏa mãn được lượng cầu với một lợi nhuận thông thường.
*Hạn chế: D. Ricardo không thấy được mâu thuẫn giữa giá trị sử dụng và giá trị hàng hoá, chưa làm rõ mặt chất của giá trị do chưa biết đến tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá; chưa chỉ ra được giá trị là biểu hiện quan hệ xã hội của những người sản xuất hàng hoá.
Mặc đù đã nêu ra khái niệm thời gian lao động xã hội cần thiết, lao động phức tạp và lao động giản đơn, nhưng chưa xác định đúng nội hàm của các phạm trù này. Tuy đã quan tâm đến ảnh hưởng của năng suất lao động tới lượng giá trị hàng hoá, nhưng chưa nghiên cứu đầy đủ mặt lượng giá trị, chưa làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hoá.

 Lý luận của D. Ricardo còn mang tính siêu hình, phi lịch sử, khi cho rằng giá trị là phạm trù vĩnh viễn, là thuộc tính của mọi vật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét