Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Sản xuất quân sự có những đặc điểm gì khác so với sản xuất dân sự?

Trả lời:
          Sản xuất quân sự có những đặc điểm khác so với sản xuất dân sự, biểu hiện cụ thể như sau:
          Một là, kết quả của quá trình sản xuất quân sự là tạo ra các sản phẩm quân sự dùng để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng quân sự, đó là lĩnh vực tiêu dùng đặc biệt của xã hội. Còn kết quả của quá trình sản xuất dân sự là nhằm tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dân sự.

          Hai là, nếu như sản xuất dân sự bị chi phối của các quy luật kinh tế, thì sản xuất quân sự chịu sự chi phối đồng thời của cả quy luật kinh tế và quy chiến tranh. Do tính đặc thù của sản xuất quân sự, nên các quy luật quân sự có sức chi phối rất mạnh, còn các quy luật kinh tế nhiều khi phạm vi và mức độ phát huy tác dụng của chúng không được như trong lĩnh vực dân sự, thậm trí bị vượt qua. Chẳng hạn, do yêu cầu phải tạo ra được ưu thế hơn hẳn đối phương về trình độ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự để giành thắng lợi, do đó người ta coi trọng, ưu tiên tính toán về tính năng kỹ, chiến thuật của sản phẩm quân sự, còn việc tính toán mức chi phí lao động, giá thành lại được xem nhẹ hơn; hay việc xác định sơ đồ bố trí hệ thống doanh nghiệp sản xuất quân sự cũng không hoàn toàn dựa trên cơ sở tính toán yêu cầu của các quy luật kinh tế, mà nhiều khi lại phụ thuộc trước tiên vào việc xác định hướng chủ yếu của chiến tranh tương lai, đối tượng tác chiến, phương án tác chiến dự kiến.
          Ba là, nếu như quy mô của sản xuất dân sự phụ thuộc vào nhu cầu của dân cư có khả năng thanh toán, thì quy mô của sản xuất quân sự lại phụ thuộc vào nhu cầu quân sự. Nhu cầu quân sự lại không phụ thuộc vào khả năng thanh toán riêng lẻ của dân cư, của từng đơn vị kinh tế, từng tổ chức xã hội độc lập, mà nó phụ vào khả năng có thể chi của ngân sách nhà nước. Những khoản chi này lại phụ thuộc vào tổng thu của ngân sách nhà nước, tình hình chính trị trên thế giới và khu vực, học thuyết quân sự của mỗi chính phủ đương nhiệm và phụ thuộc vào đặc điểm của từng giai đoạn chiến tranh.
          Bốn là, sự quản lý của nhà nước đối với sản xuất quân sự cũng khác với sản xuất dân sự. Trong sản xuất dân sự, nhà nước quản lý vĩ mô nền kinh tế, còn sản xuất ra cái gì, bao nhiêu, cho ai là quyền của người sản xuất (miễn là các hàng hóa đó không bị pháp luật cấm). Còn sản xuất quân sự thì nhà nước quản lý chặt chẽ, số lượng, chất lượng, chủng loại, cũng như phân phối tiêu dùng sản xuất quân sự. Ở nhiều nước, việc sản xuất các sản phẩm quân sự then chốt vẫn chủ yếu giao cho các doanh nghiệp nhà nước. Trong sản xuất dân sự, chủ thể sản xuất có thể từ chối những đơn đặt hàng (kể cả đơn đặt hàng của nhà nước) nếu như người ta không có lợi; nhưng trong sản xuất quân sự, nhiều khi người nhận đơn đặt hàng sản xuất quân sự của nhà nước không có quyền từ chối. Việc chuyển giao công nghệ sản xuất một loại sản phẩm quân sự nào đó (nhất là sản phẩm quân sự thuần túy) cũng bị chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ, chủ thể sản xuất không có quyền tự do chuyển giao công nghệ, mà do nhà nước quyết định.

Năm là, quá trình tái sản xuất mở rộng sản xuất quân sự luôn đòi hỏi phải tính đến sự phát triển của bản thân nó để có thể sản xuất ra loại vũ khí hiện đại hơn trong tương lai. Trong sản xuất quân sự thường xảy ra hiện tượng một số dây chuyền công nghệ sản xuất một vài loại vũ khí nào đó mới chỉ bước vào ổn định sản xuất, chưa được khấu hao bao nhiêu đã phải chuyển sang dạng công suất dự trữ động viên và người ta đã tính đến việc đầu tư, nghiên cứu sản xuất chủng loại vũ khí mới hiện đại hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét