Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Phân biệt kinh tế quân sự với tư cách là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân và kinh tế quân sự với tư cách là một môn khoa học?


          Trả lời:
          Kinh tế quân sự là một khái niệm thường được hiểu theo hai nghĩa. Một mặt, có thể hiểu kinh tế quân sự là “một bộ phận của nền kinh tế quốc dân, đáp ứng nhu cầu quân sự của nhà nước trong việc chuẩn bị và tiến hành chiến tranh”[1]. Mặt khác, kinh tế quân sự còn được hiểu là một bộ môn khoa học “nghiên cứu lý luận chung về kinh tế quân sự”[2].

          Kinh tế quân sự với tư cách là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân và kinh tế quân sự với tư cách là một môn khoa học có sự khác nhau căn bản sau:
          Một là, khác nhau về thời gian và điều kiện ra đời
          Kinh tế quân sự với tư cách là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân ra đời từ khi xuất hiện nhà nước đầu tiên trong lịch sử, nhà nước chiếm hữu nô lệ. Điều kiện ra đời là khi chiến tranh đã trở thành hoạt động thường xuyên, trong xã hội có một bộ phận dân cư tách hẳn ra để thực hiện chức năng quân sự. Khi đó nền kinh tế phải đáp ứng cho cả nhu cầu dân sự cũng như nhu cầu quân sự. Từ đó, nảy sinh bộ phận kinh tế quân sự, bộ phận đặc biệt của nền kinh tế quốc dân chuyên đáp ứng nhu cầu quân sự của nhà nước trong việc chuẩn bị và tiến hành chiến tranh.
Kinh tế quân sự với tư cách là một môn khoa học ra đời muộn hơn khu vực kinh tế quân sự . Nó chỉ ra đời trong những điều kiện nhất định:
            - Sự phụ thuộc của chiến tranh vào kinh tế đã đạt đến mức độ cao, đòi hỏi phải có một hệ thống tri thức khoa học để nghiên cứu, chỉ đạo quá trình đảm bảo kinh tế cho chiến tranh và quốc phòng một cách có hiệu quả nhất.
          - Sự phát triển của khu vực kinh tế quân sự đã đạt đến trình độ cao, có cơ cấu phức tạp, hình thành các ngành sản xuất, dịch vụ chuyên đáp ứng nhu cầu quân sự trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến tranh. Do đó, cần phải có hệ thống tri thức khoa học để chỉ đạo quá trình phát triển kinh tế quân sự có hiệu quả.
          - Thực tiễn, quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến tranh đòi hỏi phải tổng kết các vấn đề kinh tế quân sự thành hệ thống lý luận riêng để chỉ đạo quá trình đó. Mặt khác, quá trình chiến tranh đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp làm cho khoa học kinh tế chính trị, khoa học quân sự nói chung không còn đủ sức lý giải và nghiên cứu các vấn đề có tính quy luật của quá trình đảm bảo kinh tế cho chiến tranh và quốc phòng. Từ đó xuất hiện nhu cầu hình thành bộ môn khoa học kinh tế quân sự.
          Hai là, khác nhau về nội hàm khái niệm.       
Khu vực kinh tế quân sự là một bộ phận đặc biệt của nền kinh tế, bảo đảm cho quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến tranh. Nó bao gồm một cơ cấu phức tạp, cả LLSX và QHSX, nghĩa là bao gồm cả hai mặt kinh tế - kỹ thuật và mặt kinh tế - xã hội không thể tách rời. Mặt kinh tế - kỹ thuật, phản ánh trình độ phát triển của kinh tế quân sự, bao gồm toàn bộ các yếu tố vật chất, nhân lực, tài lực của khu vực kinh tế quân sự cùng hệ thống công nghệ, quy trình tổ chức quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng các nguồn lực cho nhu cầu quân sự. Mặt kinh tế - xã hội của kinh tế quân sự là toàn bộ các quan hệ kinh tế giữa người với người nảy sinh trong quá trình sản xuất, quản lý, phân phối, trao đổi và tiêu dùng sản phẩm quân sự. Những quan hệ kinh tế ấy chịu sự chi phối của chế độ kinh tế - xã hội thống trị. Sự phát triển của khu vực kinh tế quân sự gắn liền với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất cũng như nhu cầu và quy mô chiến tranh; nó phụ thuộc vào chế độ chính trị - xã hội và chính sách của mỗi Nhà nước, mỗi tập đoàn cầm quyền. Khu vực kinh tế quân sự phát triển đến đỉnh cao trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và trở thành một lĩnh vực đầu tư tìm kiếm lợi nhuận của các tập đoàn tư bản độc quyền.
Còn kinh tế quân sự với tư cách là một môn khoa học, nó nghiên cứu thực tiễn các quá trình và hiện tượng kinh tế nảy sinh do quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến tranh, nhằm phát hiện ra những quy luật, tính quy luật đảm bảo kinh tế cho chiến tranh và quốc phòng, phương pháp, cách thức đảm bảo, sử dụng có hiệu quả những lực lượng vật chất để giải quyết các vấn đề quân sự. Lý luận kinh tế quân sự bao giờ cũng mang tính giai cấp sâu sắc. Bản chất chế độ kinh tế - xã hội của mỗi xã hội quy định bản chất của hệ thống lý luận kinh tế quân sự, do đó hệ thống lý luận kinh tế quân sự của các xã hội khác nhau sẽ có cách xem xét, giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với chiến tranh và quốc phòng khác nhau.
Như vậy, khu vực kinh tế quân sự và môn khoa học kinh tế quân sự là hai lĩnh vực khác nhau hoàn toàn, song giữa chúng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khu vực kinh tế quân sự là cơ sở thực tiễn để khoa học kinh tế quân sự nghiên cứu, đúc kết thành lý luận, từ đó quay lại chỉ đạo thực tiễn.



[1]. Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam. Nxb QĐND. H.1996. tr. 451
[2]. Sdd. Tr. 423.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét