Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Nội dung cơ bản trong lý luận về thuế khóa của D. Ricardo?

D. Ricardo đã phát triển lý luận thuế khóa của A. Smith và có nhiều luận điểm đặc sắc về thuế khóa. Ông chỉ rõ hậu quả của thuế khoá: Nếu thuế đánh vào tư bản sẽ làm giảm tương ứng quĩ tư bản, chi phối qui mô các ngành sản xuất. Nếu đánh vào thu nhập sẽ làm giảm tương ứng lượng tiêu dùng.

Ông khẳng định, “Thuế cấu thành các phần của chính phủ trong sản phẩm xã hội”. Từ sự phân tích thuế ông chỉ ra nhiệm vụ của chính phủ là phải có chính sách khuyến khích “khuynh hướng tích luỹ” và không nên thực hiện những loại thuế “nhất định sẽ rơi vào tư bản”.
Ông chia thuế thành hai loại:
Một là, thuế trực thu: Là thuế đánh vào thu nhập, bao gồm: lợi nhuận, lợi tức, địa tô, tiền công và tài sản thừa kế. Đây là nghĩa vụ, không một giai cấp nào trong xã hội có thể trốn khỏi những thứ thuế đó, mỗi người sẽ đóng góp theo những phương tiện của mình.
Thuế đánh vào lợi nhuận: nếu thuế có tính chất phổ biến và đụng chạm đến lợi nhuận của các chủ xưởng và lợi nhuận của các chủ đất một cách giống nhau, thì sẽ không ảnh hưởng gì đến giá cả của các hàng hoá và nguyên vật liệu, mà trực tiếp và cuối cùng sẽ rơi vào người chủ sản xuất (nhà tư bản).
Thuế đánh vào tiền công, thì lợi nhuận của nhà tư bản sẽ giảm xuống, nhưng công nhân cũng phải đóng một phần thuế, bởi vì lợi nhuận giảm xuống sẽ làm giảm nhịp độ tích lũy tư bản và lượng cầu về lao động, do đó sẽ dẫn đến hạ thấp chính ngay tiền công của người lao động. Vì vậy, ông bác bỏ luận điểm đánh thuế vào tiền công của A.Smith. Nhưng ông lại đồng ý với A.Smith là các giai cấp lao động không thể tham gia nhiều trong việc “gánh vác những gánh nặng của nhà nước”.
Hai là, thuế gián thu: Là thuế đánh vào chi tiêu. Ông đã khuyến cáo, phải hết sức thận trọng khi đánh thuế vào lương thực, sẽ làm cho giá lương thực tăng, dẫn tới tiền công tăng, lợi nhuận sẽ giảm xuống.
Theo ông, đối tượng đánh thuế thích hợp nhất là những hàng hoá nào “nhờ tự nhiên hay trình độ sản xuất mà được sản xuất ra trong điều kiện đặc biệt thuận lợi”. Tuy nhiên, thuế đánh vào bất cứ hàng hoá nào (chứ không riêng gì lúa mì) cũng sẽ làm tăng giá cả của nó.
D. Ricardo tán thành đánh thuế vào vàng. Vì đánh thuế vào vàng chỉ đụng chạm đến những người có tài sản bằng tiền và kết quả là làm giảm đáng kể người khai thác vàng để tăng đầu tư vào sản xuất các hàng hoá khác có lợi cho xã hội. Ngoài vàng ra, D. Ricardo còn thấy cần phải đánh thuế vào những hàng hoá mà số lượng không thể giảm xuống một cách nhanh chóng như nhà cửa cho thuê chẳng hạn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét