Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Giữa tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự có mối quan hệ với nhau như thế nào?

Trả lời:
Lý luận kinh tế quân sự Mác - Lê nin khẳng định: tiềm lực kinh tế là nhân tố suy đến cùng quyết định sức mạnh quân sự, đồng thời sức mạnh quân sự có tác động trở lại đối với tiềm lực kinh tế. Sự phụ thuộc của sức mạnh quân sự vào tiềm lực kinh tế được thể hiện trên các nội dung cơ bản sau đây:

- Chế độ kinh tế (quan hệ sản xuất) quyết định bản chất của sức mạnh quân sự và khả năng huy động tiềm lực kinh tế tạo thành sức mạnh quân sự.
Chế độ kinh tế qui định bản chất của sức mạnh quân sự, qui định mục đích xây dựng sức mạnh quân sự là để tiến hành chiến tranh xâm lược hay chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Với những chế độ kinh tế khác nhau, thì khả huy động tiềm lực kinh tế để tạo nên sức mạnh quân sự cũng khác nhau. Chế độ tư hữu không thể huy động tối đa tiềm lực kinh tế cho chiến tranh. Trái lại, chế độ công hữu có thể huy động tối đa và có hiệu quả tiềm lực kinh tế cho mục đích quân sự.
- Tiềm lực kinh tế mà trước hết là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định số lượng, chất lượng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, quân trang, quân dụng đáp ứng cho lực lượng vũ trang.
Để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, và chiến đấu tất yếu phải có vũ khí, các phương tiện quân sự và nguồn vật chất khác, tất cả những thứ đó đều do nền kinh tế cung cấp. Do đó, trình độ phát triển của nền kinh tế càng cao thì khả năng trang bị các loại vũ khí, phương tiện quân sự cho lực lượng vũ trang ngày càng phong phú, đa dạng và hiện đại; khả năng nuôi dưỡng, huấn luyện lực lượng càng tốt.
- Tiềm lực kinh tế chi phối đến số lượng, chất lượng, cơ cấu tổ chức biên chế của lực lượng vũ trang.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, chính sự phát triển của nền sản xuất xã hội đã làm xuất hiện các loại vũ khí, phương tiện quân sự mới, từ đó làm thay đổi cơ cấu tổ chức, biên chế của lực lượng vũ trang, thể hiện ở số lượng, chất lượng quân số, trình độ tổ chức, biên chế lực lượng, trình độ vũ khí, phương tiện quân sự được trang bị và chất lượng huấn luyện bộ đội.
- Tiềm lực kinh tế còn ảnh hưởng đến chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự.
Sự phát triển tiềm lực kinh tế của đất nước trong từng thời điểm nhất định sẽ quyết định đến số lượng, chất lượng các loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật quân sự và cơ cấu tổ chức, biên chế của lực lượng vũ trang, từ đó quyết định đến chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự của đất nước. Ph.Ăngghen khẳng định: “Vũ trang, biên chế tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định và vào phương tiện giao thông”1.
          Tuy nhiên, sức mạnh quân sự không chỉ phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế mà còn có vai trò tác động trở lại đối với tiềm lực kinh tế theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.
          - Những tác động tích cực:
          + Việc duy trì một sức mạnh quân sự đủ mạnh sẽ tạo sức mạnh răn đe đối phương, ngăn chặn sự phá hoại của đối phương, tạo điều kiện để bảo vệ môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển kinh tế,
          + Sự tiêu dùng của lực lượng vũ trang trong mức độ nhất định sẽ kích thích kinh tế phát triển. Bởi vì, sự tiêu dùng đó đã làm nảy sinh những nhu cầu đặc biệt như: đầu tư, tiêu thụ sản phẩm quân sự, phát triển khu vực kinh tế quân sự... do đó nó đã kích thích sự phát triển kinh tế và nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất...
          - Những tác động tiêu cực:
          + Sức mạnh quân sự được dùng để phá hoại tiềm lực kinh tế đối phương, huỷ hoại cơ sở vật chất, nguồn lực con người, tàn phá môi trường.
          + Sức mạnh quân sự được duy trì còn tiêu tốn đáng kể các yếu tố tạo thành tiềm lực kinh tế của đất nước. Bởi vì, sự tiêu dùng này là tiêu dùng mất đi, không quay trở lại quá trình tái sản xuất xã hội.
          + Sức mạnh quân sự được duy trì quá mức cần thiết, đặc biệt trong điều kiện hoà bình sẽ cản trở tốc độ phát triển của nền kinh tế đất nước. Bởi một khối lượng lớn vật chất - kỹ thuật, tài chính, nhân lực đáng ra có thể được sử dụng để phát triển kinh tế, thì phải dùng để đáp ứng nhu cầu phát triển sức mạnh quân sự.         


1. C. Mác và PH. Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 235.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét