Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Quan điểm của Sismondi, C.Mác và J.M.Keynes về nguyên nhân khủng kinh tế dưới chủ nghĩa tư bản?

Khủng hoảng kinh tế dưới chủ nghĩa tư bản nó là một khuyết tật không mong muốn, nó mang lại hậu quả nặng nề cho kinh tế - xã hội. Vì vậy, các nhà kinh tế học luôn tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân nhằm khắc phục khuyết tật đó, tiêu biểu như: Sismondi, C. Mác và J.M. Keynes

Thứ nhất, quan điểm của Sismondi
Sismondi là một trong những người đầu tiên phân tích nguyên nhân khủng hoảng kinh tế. Khủng hoảng kinh tế là nội dung chủ yếu trong học thuyết của ông.
Theo Sismondi: Khủng hoảng kinh tế không phải là hiện tượng ngẫu nhiên, cục bộ trong chủ nghĩa tư bản. Ông sử dụng lý thuyết tiêu dùng không đủ để giải thích.
Nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế là do sự phân phối. Theo ông, mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản là sản xuất tăng lên, còn tiêu dùng tăng không kịp sản xuất, bởi quan hệ không đúng, gây bất bình đẳng về tài sản quá lớn.
Ngoài ra, tốc độ tăng tiêu dùng không kịp so với sản xuất do các nguyên nhân:
Một là, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản làm phá sản những người sản xuất nhỏ, làm tiêu dùng giảm.
Hai là, tình cảnh điêu đứng của người vô sản, thất nghiệp, tiền lương thấp làm giảm tiêu dùng.
Ba là, bản thân giai cấp tư sản cũng có khuynh hướng giảm tiêu dùng, tăng tích lũy.
Từ đó, Sismondi kết luận, chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì sản xuất càng mở rộng, mặt khác tiêu dùng ngày càng giảm bớt, đó là nguyên nhân khủng hoảng kinh tế.
Thứ hai, quan điểm của C. Mác
Theo C. Mác, khi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đạt trình độ xã hội hóa cao thì khủng hoảng kinh tế là điều không tránh khỏi.
Hình thức đầu tiên và phổ biến của khủng hoảng kinh tế là sản xuất “thừa”. Khi khủng hoảng nổ ra, hàng hóa không tiêu thụ được, sản xuất bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, công nhân thất nghiệp, thị trường rối loạn.
Nguyên nhân khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ chính mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Đó là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội. Mâu thuẫn này được biểu hiện thành các mâu thuẫn sau:
Một là, mâu thuẫn giữa sản xuất có tổ chức, kế hoạch chặt chẽ trong từng xí nghiệp với khuynh hướng tự phát vô chính phủ trên toàn xã hội.
Hai là, mâu thuẫn giữa khuynh hướng tích lũy, mở rộng sản xuất không có giới hạn của nhà tư bản với sức mua ngày càng thu hẹp của người lao động do bị bần cùng hóa.
Ba là, mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp tư sản và giai cấp lao động làm thuê.
Thứ ba, quan điểm của J.M. Keynes
 J.M. Keynes giải thích khủng hoảng kinh tế từ phân tích yếu tố tâm lý.
Ông cho rằng, tiêu dùng giới hạn là khuynh hướng phân chia tiêu dùng tăng thêm cho phần thu nhập tăng thêm.
Tiêu dùng giới hạn có xu hướng giảm sút do khuynh hướng tâm lý gia tăng tiết kiệm nhanh hơn gia tăng thu nhập. Điều đó làm cho cầu tiêu dùng bị suy giảm, hàng hóa bị ế thừa, giá hàng hóa bị giảm, lợi nhuận giảm, làm giảm hiệu quả giới hạn của tư bản, làm cho doanh nghiệp không đầu tư sản xuất thêm, thậm chí đóng cửa sản xuất, công nhân thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế nổ ra.
Như vậy, theo J.M. Keynes, nguyên nhân khủng hoảng kinh tế là vì tổng cầu nhỏ hơn tổng cung do các yếu tố tâm lý của các chủ thể thị trường sinh ra. Từ phân tích trên, J.M. Keynes không tin tưởng vào cơ chế thị trường và phê phán quan điểm của kinh tế học cổ điển và tân cổ điển.


1 nhận xét:

  1. Bài viết ngắn, lượng tri thức truyền đạt nhiều.e cảm ơn thầy

    Trả lờiXóa