Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Sự phát triển về lý luận địa tô của W. Petty, A.Smith, D. Ricacdo và của C.Mác?

Địa tô là một trong những vấn đề quan trọng trong học thuyết kinh tế. Chủ nghĩa trọng thương thế kỷ XV – XVII đã bỏ qua vấn đề này. Từ khi ra đời kinh tế chính trị cổ điển Anh, nó đã được W. Petty, A. Smith, D. Ricardo quan tâm nghiên cứu. Đến cuối thế kỷ XIX, C. Mác là người phát triển và đưa lý luận này tới đỉnh cao.

Lý luận này được bắt đầu từ W. Petty: Ông đã tìm thấy nguồn gốc của địa tô trong sản xuất. Theo ông, địa tô là số chênh lệch giữa giá trị của sản phẩm và chi phí sản xuất bao gồm chi phí tiền công và cây, con giống.
Về chất, địa tô là giá trị dôi ra ngoài tiền công, là sản phẩm của lao động thặng dư. Ông đã nghiên cứu địa tô chênh lệch và cho rằng các mảnh ruộng xa gần khác nhau có mức địa tô khác nhau. Tuy nhiên ông chưa biết đến địa tô tuyệt đối.
Lý luận địa tô của A. Smith: A. Smith đã phát triển lý luận của W. Petty và cho rằng, khi ruộng đất bị tư hữu thì địa tô là khoản khấu trừ thứ nhất vào sản phẩm lao động, nó là tiền trả cho việc sử dụng đất. Độc quyền tư hữu ruộng đất là điều kiện để chiếm hữu địa tô.
A. Smith đã phân biệt được địa tô và lợi tức do tư bản đầu tư vào đất đai. Phân biệt được địa tô chênh lệch do độ màu mỡ và vị trí của ruộng đất đem lại, phát hiện ra địa tô trên những ruộng canh tác cây chủ yếu (cây lương thực và thức ăn cho súc vật) quyết định địa tô trên ruộng trồng cây khác.
Hạn chế của A. Smith: Coi địa tô là phạm trù vĩnh viễn; Chưa hiểu đúng sự chuyển hóa của lợi nhuận thành địa tô; Coi địa tô là một yếu tố cấu thành giá cả tự nhiên. Chưa hiểu địa tô chênh lệch II và phủ nhận địa tô tuyệt đối.
Lý luận địa tô của D. Ricacdo: D. Ricacdo tiếp tục phát triển những luận điểm khoa học về địa tô của W. Petty và A. Smith. Ông bác bỏ luận điểm cho rằng địa tô là sản vật của những lực lượng tự nhiên hoặc do năng xuất lao động đặc biệt trong nông nghiệp mang lại và đã giải thích địa tô trên cơ sở lý luận giá trị - lao động.
Theo ông, địa tô được hình thành theo qui luật giá trị. Giá trị nông sản được hình thành trên điều kiện ruộng đất xấu nhất, vì diện tích ruộng đất có hạn nên xã hội phải canh tác trên cả ruộng đất xấu. Do tư bản kinh doanh trên ruộng đất tốt và trung bình thu được lợi nhuận siêu ngạch, khoản này phải nộp cho địa chủ gọi là địa tô.
Hạn chế của D. Ricacdo: Gắn lý luận địa tô với qui luật độ màu mỡ của đất đai ngày càng giảm sút, chưa biết đến địa tô chênh lệch II và phủ nhận địa tô tuyệt đối, cho rằng thừa nhận địa tô tuyệt đối là vi phạm qui luật giá trị.
Sự phát triển lý luận địa tô của C. Mác
So với trường phái kinh tế chính trị tư sản cổ điển thì C. Mác đã phát triển và đưa lý luận địa tô đến đỉnh cao:
Ông đã phân biệt địa tô tư bản chủ nghĩa và địa tô phong kiến. Cho rằng sự hình thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa là cơ sở hình thành địa tô tư bản chủ nghĩa. Địa tô tư bản chủ nghĩa chính là phần giá trị thặng dư còn lại sau khi đã khấu trừ đi phần lợi nhuận bình quân mà các nhà tư bản kinh doanh trong nông nghiệp phải nộp cho địa chủ.
C. Mác đã phân biệt hai hình thức địa tô: đó là, địa tô chênh lệch và địa tô tuyệt đối:
Địa tô chênh lệch là một phần của giá trị thặng dư do công nhân nông nghiệp tạo ra được biểu hiện thành lợi nhuận siêu ngạch mà địa chủ thu được trên những ruông đất có điều kiện sản xuất thuận lợi. Nó là số chênh lệch giữa giá cả sản xuất chung được quyết định bởi điều kiện sản xuất trên ruộng đất bất lợi nhất và giá cả sản xuất cá biệt trên ruộng đất có điều kiện thuận lợi. Ông phân biệt địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch II, khảng định địa tô chênh lệch I địa chủ chỉ thu được khi cho thuê kinh doanh các mảnh đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi, còn địa tô chênh lệch II lại xuất hiện trên các khu đất đã được thâm canh.

Địa tô tuyệt đối cũng là một phần của giá trị thặng dư biểu hiện thành lợi nhuận siêu ngạch mà nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp phải nộp cho địa chủ để được quyền thuê ruộng đất trong một thời gian. Khác với địa tô chênh lệch, loại địa tô này địa chủ thu được trên tất cả các loại ruộng đất sau khi cho thuê kinh doanh. 

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn các thầy! Rất thiết thực và bổ ích cho chuyên ngành của chúng em!

    Trả lờiXóa