Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Những nội dung cơ bản về lý thuyết giá trị - lao động của kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh?

Kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh ra đời vào cuối thế kỷ XVII, tồn tại và phát triển cho đến giữa thế kỷ XIX với các tác giả chủ yếu như: W. Petty, A. Smith, D. Ricardo. Lần đầu tiên các nhà kinh tế này xây dựng hệ thống phạm trù, qui luật của kinh tế thị trường. Trong đó có học thuyết giá trị - lao động gồm:

Một là, đã phân biệt hai thuộc tính của hàng hoá là giá trị trao đổi và giá trị sử dụng. A. Smith là người đầu tiên phát hiện ra hai thuộc tính này và khẳng định giá trị sử dụng không quyết định giá trị trao đổi. Tuy nhiên, Ông chưa thấy được mối quan hệ giữa giá trị sử dụng với giá trị trao đổi. Từ đó, Ông cho rằng, ích lợi của vật không quan hệ gì đến giá trị trao đổi. D. Ricardo đã khắc phục hạn chế này và khẳng định, giá trị sử dụng rất cần thiết cho giá trị trao đổi, nhưng không phải là thước đo của giá trị trao đổi.
Hai là, đã vạch ra nguồn gốc của giá trị hàng hoá là lao động. Phát hiện này được bắt nguồn từ quan niệm về giá cả tự nhiên của W. Petty. Ông viết, giá cả tự nhiên do hao phí lao động quyết định.
Đến A. Smith, quan niệm về giá trị được xác định rõ ràng hơn. Ông khẳng định giá trị trao đổi của hàng hoá do lao động tạo ra; lao động là thước đo duy nhất, cuối cùng của giá trị trao đổi.
D. Ricardo đứng vững trên quan điểm này của A. Smith và nhấn mạnh, giá trị là do lao động hao phí để sản xuất hàng hoá quyết định, lao động là thước đo thực tế của mọi giá trị. Ông đã gạt bỏ sai lầm của A. Smith về quan niệm giá trị và cho rằng, giá trị do lao động quyết định không chỉ đúng trong kinh tế hàng hóa giản đơn, mà còn đúng cả trong kinh tế hàng hóa phát triển.
Ba là, các ông đã quan tâm nghiên cứu lượng giá trị và các nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hoá.
A .Smith khẳng định lượng giá trị hàng hoá do lao động hao phí trung bình cần thiết quyết định; lao động giản đơn và lao động phức tạp có ảnh hưởng khác nhau đến lượng giá trị hàng hóa. Trong cùng một thời gian, lao động phức tạp tạo ra lượng giá trị nhiều hơn so với lao động giản đơn.
D.Ricardo phát triển quan điểm này và cho rằng lượng giá trị hàng hoá không chỉ do lao động trực tiếp (lao động sống) mà còn do lao động trước đó tạo ra như (máy móc, nhà xưởng, công trình sản xuất...). Năng suất lao động có ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa. Khi năng suất lao động trong một phân xưởng tăng lên thì khối lượng sản phẩm làm ra tăng lên, nhưng giá trị của mỗi đơn vị hàng hóa giảm xuống.
Bốn là, về hình thức của giá trị hàng hoá:
W. Petty xác định giá cả tự nhiên của hàng hoá bằng cách so sánh lượng lao động hao phí để sản xuất ra hàng hoá với lượng lao động để tạo ra bạc hay vàng, tức là còn lẫn lộn giữa giá trị hàng hóa với giá cả của nó.
A .Smith đã phân biệt giá cả với giá trị. Theo ông giá trị trao đổi của một hàng hoá thể hiện trong tương quan trao đổi giữa lượng của hàng hóa này với lượng của hàng hóa khác, trong nền kinh tế hàng hóa phát triển thì nó được biểu hiện ở tiền. Ông phân biệt được giá cả tự nhiên với giá cả thực tế.

 D. Ricardo phân biệt giá cả tự nhiên với với giá cả thị trường, ông cho rằng giá cả thị trường xoay quanh giá cả tự nhiên của nó; giá cả không phải do cung cầu quyết định, cung cầu chỉ ảnh hưởng đến giá cả mà thôi. Ông phân biệt được giá trị với giá trị trao đổi khi gọi giá trị trao đổi là giá trị tương đối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét