Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Tại sao nói phương pháp luận của A. Smith có tính hai mặt?

A.Smith có công trong phát triển phương pháp trừu tượng hóa trong nghiên cứu kinh tế chính trị, có nhiều đóng góp vào việc xây dựng các phạm trù, qui luật của kinh tế thị trường. Mặc dù vậy, trong phương pháp luận của ông bị lẫn lộn giữa hai yếu tố khoa học và tầm thường.

Thứ nhất, mặt khoa học:
Ông đã sử dụng phương pháp trừu tượng hoá để nghiên cứu làm rõ bản chất bên trong của các hiện tượng và quá trình kinh tế, qua đó rút ra được những kết luận đúng đắn khoa học và đã phát hiện ra các quy luật kinh tế.
Đã phân biệt hai thuộc tính của hàng hoá là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi. Khẳng định giá trị sử dụng không quyết định giá trị trao đổi và bác bỏ lý luận về sự ích lợi, cho rằng sự ích lợi không có quan hệ gì với giá trị trao đổi. Ví dụ, ông nói: không gì hữu ích bằng nước và không khí, nhưng với nó là không có giá trị.
Ông cho rằng, giá trị trao đổi do lao động tạo ra bằng số lượng lao động hao phí gồm lao động chung ở tất cả các ngành sản xuất chứ không chỉ trong nông nghiệp hay thương nghiệp. Lao động là thước đo duy nhất, cuối cùng của giá trị hàng hoá.
Chỉ ra giá trị trao đổi của hàng hoá được tiến hành qua ba bước: trao đổi hàng hoá với lao động; trao đổi hàng hoá với hảng hoá; trao đổi hàng hoá thông qua tiền tệ.
Lao động là thước đo bên trong duy nhất chính xác, còn tiền tệ là thước đo bên ngoài chỉ chính xác trong một thời gian và không gian nhất định. Giá trị trao đổi của hàng hoá được thể hiện trong tương quan trao đổi giữa lượng hàng hoá này với lượng hàng hoá khác, còn trong nền kinh tế hàng hoá phát triển, nó được biểu hiện ở tiền.
A. Smith cho rằng, lượng giá trị hàng hoá do lao động hao phí trung bình cần thiết quyết định. Lao động giản đơn và lao động phức tạp có ảnh hưởng khác nhau đến lượng giá trị hàng hoá. Trong cùng một thời gian, lao động phức tạp tạo ra lượng giá trị nhiều hơn so với lao động giản đơn.
Nêu hai quan niệm về giá cả: giá cả tự nhiên và giá cả thực tế. Giá cá tự nhiên là biểu hiện tiền tệ của giá trị. Giá cả thực tế là giá bán hàng hoá trên thị trường, giá này phụ thuộc vào giá cả tự nhiên, quan hệ cung - cầu và độc quyền, trong đó giá cả tự nhiên là trung tâm.
Hai là, mặt tầm thường
Trước những vấn đề kinh tế phức tạp, A. Smith đã tỏ ra bất lực nên mới chỉ dừng lại quan sát, mô tả vẻ bề ngoài để rút ra kết luận.
Trong khi đưa ra định nghĩa khoa học về giá trị, ông lại đưa ra định nghĩa thứ hai không đúng, thậm chí mâu thuẫn với định nghĩa thứ nhất: giá trị của hàng hoá là lao động mà người ta có thể mua được hàng hoá đó quyết đinh.
Dựa vào định nghĩa trên, ông cho rằng giá trị do lao động quyết định chỉ đúng trong nền kinh tế hàng hoá giản đơn, còn trong nền kinh tế hàng hoá phát triển (nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa) thì giá trị được cấu thành bởi ba nguồn thu nhập: tiền công, lợi nhuận và địa tô. Đến đây, Ông đã lẫn lộn giữa cấu thành giá trị và phân phối giá trị.
Khi xác định cấu thành giá trị hàng hoá, chưa tính đến giá trị của lao động quá khứ. Lý luận của Ông còn chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa trọng nông, khi ông cho rằng năng suất lao động nông nghiệp cao hơn công nghiệp vì nông nghiệp được sự trợ giúp của tự nhiên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét