Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Phân tích các bộ phận cấu thành tiềm lực kinh tế của một quốc gia? Tại sao nói nguồn nhân lực là bộ phận quan trọng nhất của tiềm lực kinh tế ?

         Trả lời:
Tiềm lực kinh tế của một quốc gia là khả năng về kinh tế có thể khai thác, huy động nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế, phát triển xã hội và củng cố quốc phòng; là cơ sở vật chất của các tiềm lực khác. Khi xem xét tiềm lực kinh tế của một quốc gia phải xem xét cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; cả yếu tố hiện có và tiềm tàng của nền kinh tế. Dưới giác độ quân sự, tiềm lực kinh tế còn được xem xét ở tính cơ động và sức sống của nền kinh tế. Tính cơ động của nền kinh tế được biểu hiện tập trung ở khả năng chuyển hướng của nền kinh tế từ thời bình sang thời chiến. Sức sống của nền kinh tế được biểu hiện tập trung ở khả năng duy trì và phát triển kinh tế nhằm đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các lực lượng vũ trang, hoạt động của Nhà nước và đời sống dân sinh trong điều kiện có chiến tranh.

Các bộ phận cơ bản cấu thành tiềm lực kinh tế của một quốc gia gồm:   
- Nguồn nhân lực: là tổng thể sức dự trữ, những tiềm năng, những lực lượng thể hiện sức mạnh của con người trong việc cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội. Nguồn nhân lực của một quốc gia được biểu hiện ở khả năng phát triển số lượng và chất lượng của dân cư. Để đánh giá nguồn nhân lực của một quốc gia người ta thường dựa vào một số tiêu chí cơ bản sau đây: Một là, tổng dân số trong một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, không phải cứ có dân số đông thì sẽ có kinh tế mạnh, mà vấn đề quan trọng là tốc độ tăng dân số, qui mô dân số phải phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hai là, cơ cấu dân số như: tỷ lệ nam/ nữ; già/ trẻ; số lao động/ tổng dân số; cơ cấu dân số theo lứa tuổi, theo ngành, vùng lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo. Trong kinh tế nói chung và kinh tế quân sự nói riêng, người ta quan tâm nhiều đến cơ cấu lứa tuổi của dân cư và số người trong độ tuổi lao động, độ tuổi động viên. Ba là, trình độ dân trí được biểu hiện ở: số người biết chữ, trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ của các tầng lớp dân cư và khả năng thích ứng của họ với các điều kiện mới của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại. Đây chính là tiêu chí phản ánh chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia. Ngoài ra, người ta còn dựa vào trạng thái sức khoẻ của dân cư như tuổi thọ trung bình, tình trạng dinh dưỡng, khả năng được đáp ứng về dịch vụ y tế, chiều cao và cân nặng trung bình... để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia, từ đó có thể đánh giá được tiềm lực kinh tế của đất nước.
          - Các cơ sở sản xuất và dịch vụ: là nơi diễn ra sự kết hợp giữa sức lao động với tư liệu sản xuất để sản xuất ra của cải, vật chất đáp ứng nhu cầu của xã hội. Biểu hiện ở qui mô, số lượng, chất lượng các cơ sở sản xuất dịch vụ; ở cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu lãnh thổ phân bố các cơ sở sản xuất và dịch vụ; và điều quan trọng hơn là trình độ công nghệ được sử dụng của các cơ sở sản xuất và dịch vụ, như tỷ lệ sử dụng công nghệ thủ công, công nghệ truyền thống, công nghệ hiện đại và tốc độ đổi mới công nghệ của các cơ sở sản xuất, dịch vụ. Trình độ công nghệ của các cơ sở sản xuất và dịch vụ càng cao thì tiềm lực kinh tế của đất nước càng mạnh.
          - Tài nguyên thiên nhiên: cũng là một bộ phận tạo nên tiềm lực kinh tế của đất nước, một bộ phận cấu thành của lực lượng sản xuất, là một yếu tố tạo ra của cải, vật chất. Sự giàu có hay khan hiếm các nguồn tài nguyên sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên nói ở đây phải là những tài nguyên đã được được thăm dò, xác định và có khả năng khai thác.
          Khi xem xét, đánh giá tiềm lực kinh tế của một quốc gia không nên tuyệt đối hoá một nhân tố nào, mà phải xem xét một cách khách quan, toàn diện các nhân tố hợp thành tiềm lực kinh tế của một quốc gia và xem xét trong những điều kiện lịch sử cụ thể.

          Trong các bộ phận cơ bản cấu thành tiềm lực kinh tế của một quốc gia thì nguồn nhân lực là bộ phận quan trọng nhất. Bởi vì, bất cứ một quá trình sản xuất nào cũng là sự kết hợp giữa hai yếu tố sức lao động và tư liệu sản xuất, trong đó nhân tố con người với tư cách là con người hoạt động có ý thức, có mục đích, có trình độ... giữ vai trò quyết định. Quan điểm của Đảng ta khẳng định: Nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất của quốc gia; lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cũng cho rằng con người là trung tâm của mọi sự phát triển. Bởi vậy, hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều coi phát triển nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực là mục tiêu số một của sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét