Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Những thành tựu và hạn chế trong lý luận giá trị - lao động của W.Petty?

      W.Petty đã có những đánh giá, nhận xét đúng đắn về vai trò của lao động trong việc tạo ra giá trị, tức là nguồn gốc thực sự của của cải. Có thể nói ông là người đầu tiên đưa ra nguyên lý về giá trị - lao động. Lý luận giá trị - lao động của W. Petty có những thành tựu và hạn chế :

      Thành tựu:   
      Một là: Ông là người đầu tiên đưa ra nguyên lý về giá trị lao động. W.Petty đã đặt vấn đề giá trị và cho rằng, những tỷ lệ trao đổi là do chi phí lao động để sản xuất ra hàng hóa quyết định, chúng phụ thuộc vào năng suất lao động. Như vậy, Ông có những đánh giá, nhận xét đúng đắn về vai trò của lao động trong việc tạo ra giá trị, tức là nguồn gốc thực sự của của cải.
      Hai là, khi nghiên cứu về giá trị ông đã đưa ra ba phạm trù về giá cả hàng hoá trong tác phẩm "Bàn về thuế khóa và lệ phí" đó là: giá cả tự nhiên, giá cả nhân tạo, giá cả chính trị.
Giá cả tự nhiên: là do lao động của người sản xuất tạo ra, đó chính là giá trị của hàng hoá theo cách hiểu sau này của Mác. Giá cả nhân tạo: là giá trị thị trường của hàng hoá, nó thay đổi phụ thuộc vào giá cả tự nhiên và quan hệ cung cầu hàng hoá trên thị trường. Giá cả chính trị: là một loại giá đặc biệt của giá cả tự nhiên. Nó cũng là chi phí lao động để sản xuất ra hàng hoá, nhưng trong điều kiện chính trị không thuận lợi như: Chiến tranh hay sự mất ổn định về chính trị, kinh tế xã hội tác động xấu đến quá trình sản xuất.
      Ba là, Ông có ý định giải quyết mối quan hệ giữa lao động giản đơn, lao động phức tạp và chỉ ra ảnh hưởng của năng suất lao động tới giá trị hàng hóa. Theo Ông, sự khác nhau của các loại lao động ở đây không có quan hệ gì cả, chỉ tuỳ thuộc vào thời gian lao động. Lượng giá cả tự nhiên, hay lượng giá trị hàng hóa tỷ lệ nghịch với năng suất lao động khai thác vàng và bạc.
       Bốn là, đề xuất cách xác định giá cả ruộng đất. Theo Ông, giá cả ruộng đất phải được qui định một cách đặc biệt, vì người ta không sản xuất được đất đai và những chi phí lao động không thể quyết định giá cả ruộng đất. Ông gắn giá cả ruộng đất với mức sinh lợi của ruộng đất đó, nó ngang với một lượng địa tô hàng năm.
      Hạn chế:
      Một là, lý luận giá trị lao động của ông còn chịu ảnh hưởng nhiều của chủ nghĩa trọng thương. Ông chỉ thừa nhận lao động khai thác bạc là nguồn gốc giá trị, còn giá trị của hàng hóa khác chỉ được xác định nhờ quá trình trao đổi với bạc. Ông còn cho rằng lao động thương nghiệp có năng suất cao hơn nông nghiệp và thương nghiệp là kinh tế có lợi nhất.

      Hai là, ông chưa phân biệt được các phạm trù giá trị, giá trị trao đổi với giá cả. Ông đã lẫn lộn lao động với tư cách là nguồn gốc của giá trị với lao động là nguồn gốc của giá trị sử dụng, tức là lẫn lộn giữa lao động cụ thể với lao động trừu tượng. Từ đó ông có ý định đo giá trị bằng hai đơn vị: lao động và đất đai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét