Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Quốc phòng và chiến tranh có tác động như thế nào đến phát triển kinh tế?Nghiên cứu vấn đề này có ý nghĩa gì đối với người cán bộ quân đội?

          Trả lời:
          Kinh tế và quốc phòng, chiến tranh là những lĩnh vực khác nhau nhưng có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, kinh tế là yếu tố suy đến cùng quyết định quốc phòng và chiến tranh; ngược lại, quốc phòng và chiến tranh cũng tác động trở lại với kinh tế, sự tác động trở lại này được xem xét trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực.

Những tác động tích cực:
Một là, các hoạt động quốc phòng trong thời bình có vai trò bảo vệ nền kinh tế, tạo môi trường hoà bình ổn định cho phát triển kinh tế. Vì sự phát triển kinh tế của mọi quốc gia luôn gắn với sự ổn định chính trị xã hội. Chính sự hoạt động của quốc phòng, trong đó có hoạt động của lực lượng vũ trang có vai trò to lớn trong việc bảo vệ đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng, tạo môi trường hoà bình cho phát triển kinh tế.
          Hai là, quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến tranh cùng các hoạt động quốc phòng trong thời bình, ở mức độ nhất định, có tác dụng kích thích phát triển kinh tế. Việc duy trì các hoạt động của lực lượng vũ trang đã tạo ra một lượng cầu lớn đối với nền kinh tế, kích thích nền kinh tế phát triển, thúc đẩy khoa học kỹ thuật, trước hết là khoa học quân sự phát triển.
          Những tác động không tích cực:
Một là, chiến tranh và hoạt động quốc phòng tiêu dùng một phần đáng kể nguồn nhân lực, vật lực và tài chính của nền kinh tế. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và thoả mãn các nhu cầu vật chất của xã hội. Khi chiến tranh xảy ra, một mặt các cơ sở kinh tế bị phá hoại, mặt khác nhu cầu bổ sung về người, vũ khí trang bị cho chiến tranh tăng cao, do đó nguồn lực của nền kinh tế bước ra khỏi quá trình tái sản xuất cũng càng lớn. Xét về mặt tài chính thì chi phí cho các hoạt động diễn tập quân sự và xây dựng quân đội thời bình cũng rất tốn kém. Những chi phí này, không quay trở lại quá trình tái sản xuất xã hội, do đó nó cản trở sự phát triển nền kinh tế.
Hai là, chiến tranh để lại cho nền kinh tế nhiều hậu quả nặng nề. Đó là sự tổn thất rất lớn về người, cơ sở vật chất, vũ khí trang bị, cũng như những chi phí để khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Các số liệu tổn thất về người, vũ khí trang bị trong các cuộc chiến tranh thế giới lần I, II và cuộc chiến tranh Nam Tư năm 1999… cho thấy chiến tranh càng hiện đại, sử dụng các loại vũ khí công nghệ càng cao thì tổn thất về kinh tế càng lớn.
          Ba là, thông qua học thuyết quân sự, quan điểm chiến lược quân sự, chiến tranh và quốc phòng còn ảnh hưởng đến phương hướng phát triển của nền kinh tế và cơ cấu kinh tế. Sự tác động này được biểu hiện rõ nhất là khi chuyển hướng nền kinh tế từ thời bình sang thời chiến. Khi chiến tranh xảy ra, nhu cầu về nhân lực, vật chất và tài chính của chiến tranh tăng lên đột biến, buộc nền kinh tế phải cải tổ, nhằm đáp ứng mục tiêu giành thắng lợi trong chiến tranh. Khi ấy, các mối quan hệ giữa sản xuất và phân phối tổng sản phẩm xã hội, các quan hệ tỷ lệ cân đối giữa các ngành, các lĩnh vực cũng thay đổi theo hướng phục vụ cho nhu cầu quân sự. Việc phân bố các nguồn lực quan trọng của nền kinh tế cũng được dành cho công nghiệp quốc phòng. Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật ứng dụng trong lĩnh vực quân sự cũng được ưu tiên.
          Trách nhiệm của người cán bộ quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
          Là cán bộ chỉ huy, chính ủy, chính trị viên ở các đơn vị cơ sở trước hết phải hiểu sâu sắc về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, chiến tranh; vai trò tác động trở lại của quốc phòng và chiến tranh với phát triển kinh tế. Trên cơ sở chức trách nhiệm vụ được giao, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị phát huy vai trò của đơn vị mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên giao, nhất là nhiệm vụ chính trị trung tâm, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, bảo vệ môi tr­ường hoà bình ổn định cho phát triển kinh tế.
Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế sử dụng cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực của đơn vị theo phương châm “Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả” các loại vũ khí trang bị và các nguồn nhân lực, vật lực của đơn vị; sử dụng đúng mục đích trong từng nhiệm vụ cụ thể, chống tham ô lãng phí. Đồng thời đẩy mạnh tăng gia sản xuất tạo ra của cải, tạo nguồn thu cho đơn vị, cải thiện đời sống bộ đội, giải quyết tốt chính sách hậu phương gia đình cán bộ chiến sĩ của đơn vị.

Phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, lực lượng dự bị động viên vững mạnh, xây dựng “Thế trận lòng dân” vững chắc, tạo cơ sở kinh tế - chính trị - xã hội cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đứng chân, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét