Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Sản xuất quân sự và sản xuất dân sự của một quốc gia có mối quan hệ với nhau như thế nào?

Trả lời:
          Sản xuất quân sự và sản xuất dân sự đều là các bộ phận hợp thành nền sản xuất vật chất của xã hội. Giữa sản xuất quân sự và sản xuất dân sự có mối quan hệ gắn bó, tác động lẫn nhau, biểu hiện cụ thể như sau:
          - Trong điều kiện các nguồn vật chất, kỹ thuật, công nghệ, tài chính, nhân lực của nền sản xuất xã hội có hạn, nếu mở rộng quy mô sản xuất quân sự sẽ dẫn đến thu hẹp quy mô sản xuất dân sự và ngược lại, nếu quy mô sản xuất quân sự được giới hạn ở mức độ hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất dân sự và cải thiện đời sống nhân dân. Bởi vì, trong quá trình tái sản xuất xã hội, việc bù đắp những chi phí sản xuất quân sự phải dựa vào sự đóng góp của các ngành sản xuất dân sự dưới dạng ngân sách nhà nước chi cho quốc phòng - an ninh, mà nguồn gốc của nguồn chi này là phần lao động thặng dư do sản xuất dân sự tạo ra. Quy mô sản xuất quân sự càng được mở rộng (nhất là khi có chiến tranh) thì càng phải khấu trừ thêm vào phần lao động thặng dư của xã hội, do đó sẽ hạn chế việc đầu tư phát triển khu vực kinh tế dân sự và việc cải thiện đời sống của nhân dân.

          - Trình độ của sản xuất quân sự cũng phụ thuộc rất lớn vào trình độ phát triển lực lượng sản xuất, của nền công nghiệp quốc gia, trước hết là các ngành công nghiệp then chốt, các ngành công nghiệp có khả năng phục vụ cho sản xuất quân sự. Một quốc gia có nền công nghiệp hiện đại, có các ngành công nghiệp nặng và các ngành công nghiệp điện tử đã phát triển... thì có thể xây dựng được một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại có khả năng sản xuất được các loại xe tăng, máy bay, tàu chiến, các loại vũ khí điều khiển từ xa và các phương tiện để chống lại các loại vũ khí đó. Ngược lại, một quốc gia mà nền công nghiệp chưa phát triển, chưa có các ngành công nghiệp nặng và các ngành công nghiệp điện tử đã phát triển thì không thể xây dựng được một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, do đó sẽ không có khả năng sản xuất ra các loại vũ khí hiện đại.

          - Xét ở một mức độ nhất định, sản xuất quân sự cũng có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Nó tham gia vào giải quyết việc làm cho xã hội, kích thích việc nghiên cứu, ứng dụng, triển khai những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới. Sự phân bố các doanh nghiệp sản xuất quân sự theo địa bàn lãnh thổ đã được tính toán trước, nhất là ở các địa bàn kinh tế - xã hội còn kém phát triển, cũng góp phần đáng kể làm tăng cầu hàng hoá dân sự, thúc đẩy phát triển sản xuất và giao lưu hàng hoá ở các vùng lãnh thổ này. Đồng thời sự có mặt của các doanh nghiệp sản xuất quân sự nói trên còn góp phần giữ vững ổn định trật tự, an ninh xã hội và nâng cao đời sống văn hoá - xã hội của địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét