Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

So sánh sự giống và khác nhau trong lý luận về tư bản của chủ nghĩa trọng nông và của D.Ricardo?

Sự giống nhau:
Một là, cả trọng nông và D. Ricardo đều đứng trên quan điểm tự nhiên chủ nghĩa để xem xét về tư bản, chỉ thấy tư bản dưới hình thái hiện vật, chưa nhìn thấy tư bản là một quan hệ xã hội, gắn với một quan hệ sản xuất nhất định. Họ coi tư bản là bộ phận của cải được dùng vào quá trình sản xuất (F.Kêne cho tư bản không phải là bản thân tiền tệ mà là những tư liệu sản xuất trong nông nghiệp như: nông cụ, súc vật, thóc giống, tư liệu sinh hoạt cho công nhân nông nghiệp được mua bằng tiền đó và khẳng định tư bản là vật và tồn tại vĩnh viễn; D.Ricardo coi tư bản là bộ phận của cải trong nước được dùng vào việc sản xuất, bao gồm thức ăn, đồ mặc, nguyên vật liệu, nhà xưởng, máy móc...)

Hai là, đều chia tư bản thành tư bản cố định và tư bản lưu động. F.Kene đã chia tư bản thành tư bản ứng trước hàng năm để lao động trên ruộng đất (giống má, sức lao động) và tư bản ứng trước ban đầu, nhưng chi phí cho sản xuất vài năm (nông cụ, súc vật, công trình xây dựng); D.Ricado chia tư bản cố định và tư bản lưu động dựa vào thời gian tái sản xuất ra tư bản, ông cho rằng, tư bản cố định là tư bản tồn tại vĩnh viễn lâu dài và bị hao mòn một cách chậm chạp, còn tư bản lưu động là bộ phận chi phí vào việc đài thọ cho người lao động hoạt động.
Sự khác nhau:
Một là, trường phái trọng nông cho rằng tư bản chỉ là những yếu tố vật chất dùng cho sản xuất nông nghiệp như: nông cụ, súc vật, thóc giống, tư liệu sinh hoạt cho công nhân nông nghiệp được mua bằng tiền đó.
D. Ricardo tiến bộ hơn coi tư bản bao gồm cả các yếu tố vật chất đảm bảo cho sản xuất ở các ngành kinh tế khác. Ông đã chia tư bản thành hai bộ phận, một bộ phận để đài thọ cho người lao động, còn bộ phận kia dùng để mua nguyên vật liệu, công cụ lao động.
Hai là, khi phân chia tư bản thành tư bản cố định và tư bản lưu động, trọng nông cho rằng tư bản lưu động bao gồm chi phí về hạt giống (nguyên, nhiên liệu) và tiền thuê công nhân. Còn D. Ricardo cho rằng tư bản lưu động chỉ là tiền thuê công nhân, Ông bỏ qua tư bản dưới hình thái nguyên, nhiên vật liệu.
Ba là, Trường phái trọng nông mới chỉ chia thành tư bản cố định (tư bản ứng trước đầu tiên dài ngày như máy móc, súc vật...) và tư bản lưu động (tư bản ứng trước hàng năm).
D. Ricardo chia tư bản thành tư bản cố định gồm quỹ ứng trước để mua công cụ lao động và tư bản lưu động gồm bộ phận ứng ra để thuê công nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét