Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

So sánh hai giai đoạn phát triển và đánh giá thành tựu, hạn chế của chủ nghĩa Trọng thương Anh?

           Chủ nghĩa Trọng thương Anh trải qua hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn đầu, từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVI. Giai đoạn sau từ nửa cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII. Nội dung lý luận của hai giai đoạn này có sự giống và khác nhau:
         Giống nhau: Đều coi tiền là nội dung căn bản của của cải, là tài sản thực sự của quốc gia. coi hàng hóa là phương tiện làm tăng thêm khối lượng tiền tệ.
Cả hai giai đoạn này đều coi trọng thương mại, đặc biệt là ngoại thương. Đều có chung các quan điểm kinh tế ... (như đã trình bày trong câu 1)
          Khác nhau: Giai đoạn đầu: Tư tưởng trung tâm của trọng thương là bảng “Cân đối tiền tệ”. “Cân đối tiền tệ” chính là ngăn chặn không cho tiền ra nước ngoài, cấm xuất khẩu tiền, vàng và bạc; tăng cường tích trữ tiền, hạn chế nhập khẩu hàng nước ngoài, lập hàng rào thuế quan cao, giảm lợi tức của tư bản cho vay, giám sát chặt chẽ thương nhân nước ngoài.
        Giai đoạn sau: Nội dung trọng tâm của trọng thương là "Bảng cân đối thương mại", đây là giai đoạn thật sự của chủ nghĩa trọng thương. Họ coi trọng cân đối thương mại, không cấm đem tiền ra nước ngoài, không buộc thương nhân nước ngoài mua hết số tiền có được do mang hàng hóa vào bán, nhưng hoạt động thương mại phải hướng tới sự cân đối giữa xuất và nhập.
Giai đoạn này đòi hỏi phát triển nội thương không hạn chế, mở rộng xuất khẩu, tán thành nhập khẩu hàng hóa nước ngoài với qui mô lớn; cho tự do lưu thông tiền tệ, không cấm xuất khẩu vàng và bạc, lên án việc tích trữ tiền; khuyến khích phát triển công nghiệp chế tạo, nhất là những ngành xuất khẩu với khẩu hiệu: “bán nhiều, mua ít”, từ đó bản thân vàng tự nó sẽ chạy vào trong nước, không cần biện pháp hành chính nào cả.
          Những thành tựu và hạn chế của chủ nghĩa trọng thương
         Thành tựu:
         Là học thuyết kinh tế đầu tiên trong lịch sử, tiến bộ hơn hẳn so với các tư tưởng kinh tế phong kiến và các thuyết lý tôn giáo còn đang thịnh hành ở nhiều nước thời bấy giờ. Chủ nghĩa Trọng thương đã đoạn tuyệt với thời Trung cổ trong việc nhận thức các nhiệm vụ của tư tưởng kinh tế và các phương pháp để giải quyết tư tưởng đó, nó đã từ bỏ việc tìm kiếm sự công bằng xã hội, những lời giáo huấn luân lý.
Hệ thống các quan điểm kinh tế của họ tạo ra những tiền đề lý luận kinh tế quan trọng cho kinh tế học sau này. Lần đầu tiên đã nghiên cứu về mặt lý luận những vấn đề của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, những vấn đề của chủ nghĩa tư bản; Lần đầu tiên đưa ra quan điểm về sự giàu có là giá trị, là tiền.
Học thuyết trọng thương đã nêu quan điểm mục đích hoạt động của nền kinh tế hàng hoá là lợi nhuận. Họ cho rằng, nhiệm vụ kinh tế của mỗi nước là làm giàu. Để đạt được mục đích đó họ cho rằng phải thông qua hoạt động thương nghiệp.
Chủ nghĩa trọng thương cũng đã thấy được vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế. Họ cho rằng, các chính sách bảo hộ của nhà nước có tác dụng rút ngắn sự quá độ từ phương thức sản xuất phong kiến lên phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tư tưởng nhà nước can thiệp vào kinh tế về sau này được kinh tế học hiện đại kế thừa và phát triển.
 Hạn chế:
Chủ nghĩa trọng thương còn mang tính phiến diện, mới chỉ nghiên cứu quan hệ kinh tế trong lĩnh vực lưu thông, tuyệt đối hoá vai trò của lưu thông mà không quan tâm đến sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Những luận điểm của chủ nghĩa trọng thương mới dừng ở sự phân tích những hiện tượng bề ngoài của quá trình lưu thông và mới đưa ra những lời khuyên về chính sách kinh tế, rất ít tính lý luận. Họ chưa thoát khỏi giới hạn của lĩnh vực lưu thông, chưa thấy được sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong công nghiệp.

Họ chưa biết đến các quy luật kinh tế. Theo họ, người này được thì người kia mất, dân tộc này làm giàu thì dân tộc khác phải hy sinh. Trọng thương còn quá coi trọng tiền tệ (vàng, bạc), chưa hiểu hết nguồn gốc, bản chất, chức năng của tiền tệ và qui luật lưu thông tiền tệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét