Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh tự biết bảo vệ. Nhưng sức mạnh tự bảo vệ đó chỉ có giá trị hiện thực khi mỗi cán bộ, đảng viên phải biết tự giữ gìn và tăng cường “sức đề kháng” cho bản thân mới có thể tự “miễn dịch” được những cạm bẫy, cám dỗ về “tiền tài danh vọng” vốn có sức quyến rũ ghê gớm đối với con người, nhất là những người có chức, có quyền.
Không ngẫu nhiên mà trong vòng 5 năm, trong hai nhiệm kỳ liên tiếp Đại hội XI và Đại hội XII, Đảng ta đã hai lần bàn bạc, thảo luận, quyết định những vấn đề rất quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nếu như tiêu đề Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đặt ra là “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thì Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) lần này đã cụ thể hóa hơn bằng một Đề án với tên gọi “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.  Điều đó cho thấy vấn đề chỉnh đốn Đảng đã trở nên cực kỳ cấp bách và không thể không làm đến nơi đến chốn nếu Đảng muốn tồn tại và giữ được vai trò cầm quyền đối với Nhà nước và xã hội. Những chủ trương, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này đã được đề ra với những nội dung thiết thực, phù hợp. Ý chí quyết tâm chính trị của Đảng cũng đã rõ ràng. Vấn đề mà cả xã hội và các tầng lớp nhân dân đang trông mong, chờ đợi là toàn Đảng, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu và cấp ủy các cấp phải biến ý chí quyết tâm chính trị chuyển thành hành động chính trị, biến những cam kết thành những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Nếu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này không tạo sự chuyển biến thực sự rõ nét, không đáp ứng niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao của nhân dân, thì không chỉ làm cho khoảng cách giữa Đảng và nhân dân mỗi ngày thêm xa, mà nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ càng đứng bên bờ vực thẳm.